Bài 2: Giải quyết thảm nạn từ gốc

Cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực Đông Nam Á, với hàng ngàn người được cho là đang mắc kẹt ngoài biển đang có nguy cơ tồi tệ hơn, khi các nước bị ảnh hưởng vẫn bận tranh cãi về trách nhiệm. Myanmar đã phủ nhận nước này là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á và cảnh báo khả năng không tham dự hội nghị thượng đỉnh do Thái Lan tổ chức vào ngày hôm nay, 29-5.
Bài 2: Giải quyết thảm nạn từ gốc

Di dân bất hợp pháp - nạn nhân tệ nạn buôn người quốc tế

Cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực Đông Nam Á, với hàng ngàn người được cho là đang mắc kẹt ngoài biển đang có nguy cơ tồi tệ hơn, khi các nước bị ảnh hưởng vẫn bận tranh cãi về trách nhiệm. Myanmar đã phủ nhận nước này là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á và cảnh báo khả năng không tham dự hội nghị thượng đỉnh do Thái Lan tổ chức vào ngày hôm nay, 29-5.

Bước đường cùng

Zafar Ahmad bin Abdul Ghani - chàng trai trẻ người Hồi giáo Rohingya đã phải trốn chạy khỏi Myanmar kể từ khi chính quyền quân sự của đất nước này lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào cuối năm 1988.

Ghani ban đầu cũng tới Bangladesh nhưng cuộc sống ở đây quá thiếu thốn nên anh quyết định đến Malaysia tìm cách đổi đời. Anh đi bằng  thuyền qua Ấn Độ Dương - sau khi chung chi cho các tổ chức di dân trái phép hay nói đúng hơn là các tổ chức buôn người. Sau hai tuần hành trình đầy nguy hiểm, họ đến được Thái Lan và bị đưa đến các trung tâm giam giữ. Ghani sau đó tiếp tục chung chi cho các tổ chức buôn người và anh đến sống ở Malaysia từ năm 1992.

Ghani là một trong số hàng ngàn người Rohingya trốn từ Myanmar sang Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Australia, Pakistan, Saudi Arabia và kể cả Trung Quốc, tạo nên một cuộc khủng hoảng di dân ở Đông Nam Á hiện nay. Chỉ một bộ phận nhỏ trong số những người này đến được nơi cần đến, phần còn lại bị bỏ lênh đênh trên biển hay bị đưa vào các trại tị nạn ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Thực ra, tình trạng di dân bất hợp pháp của người Rohingya bắt đầu vào những năm 1990. Theo Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), những người Rohingya không được Myanmar chính thức công nhận là sắc tộc thuộc Myanmar sau khi nước này giành độc lập năm 1948. Luật Quốc tịch của Myanmar năm 1982 cũng từ chối cho họ nhập quốc tịch.

Chính vì vậy, họ như những người vô thừa nhận, trở thành nạn nhân của các vụ xung đột hoặc dễ dàng bị bóc lột, lao động cưỡng bức, tống tiền, từ chối quyền cư trú và tịch thu đất đai. Khoảng 50.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh lần đầu tiên vào năm 1978 và sau đó trong những năm 1991-1992. Hiện nay, có khoảng 32.000 người tị nạn trong các trại của UNHCR tại Bangladesh, trong khi ước tính có khoảng 50.000 người sống bên ngoài trại. Theo UNHCR, khoảng 14.000 người Rohingya sống ở Malaysia và 13.000 sống ở Thái Lan, nhưng con số không chính thức có thể cao hơn nhiều.

Nô lệ hay là chết

Các băng nhóm buôn người xuyên quốc gia đã tận dụng tình cảnh của người Rohingya để trục lợi khi họ sẵn sàng bỏ tiền ra để tìm chân trời mới. Theo UNHCR, từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2014, khoảng 87.000 người đã khởi hành bằng đường biển từ biên giới Bangladesh và Myanmar.

Sau khi bọn buôn người đưa những người Rohingya đến Thái Lan bằng tàu chở hàng, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn như tra tấn, nhốt trong rừng sâu để buộc thân nhân những người Rohingya trả tiền chuộc từ 1.500 đến 2.000 USD sau đó đẩy họ sang Malaysia.

Một trại tị nạn của người Rohingya ở Thái Lan

Nếu thân nhân của người Rohingya không trả tiền chuộc thì những người này bị bán cho các ngành công nghiệp đánh bắt cá để làm lao động như nô lệ hoặc bị buộc phải làm việc cho các trại trong rừng rậm hoặc bị đẩy lênh đênh trên các đại dương làm mồi cho cá.

Ngay cả sau khi vào Malaysia, những người Rohingya, gồm cả phụ nữ và trẻ em, vẫn còn bị giam ở Penang và các bang khác ở phía Bắc cho đến khi được trả tiền chuộc. Nếu tiền chuộc không được thanh toán, người Rohingya sau đó bị ép làm nô lệ  hay bị giết.

Như trường hợp của Ghani, ngay khi đến Malaysia năm 1992, anh và một số người Rohingya khác bị bắt bỏ tù và sau khi được thả, anh tiếp tục bị bán ở khu vực biên giới Thái Lan - Malaysia rồi bị tống tiền lần thứ hai. Cuối cùng, anh đã đến Kuala Lumpur sau khi được UNHCR nỗ lực cứu. Nhưng Malaysia không có trại tị nạn cũng không cung cấp viện trợ cho người tị nạn. Không có hộ chiếu hoặc giấy tờ pháp lý để làm việc, cuộc sống ở Malaysia rất khó khăn và nhục nhã với Ghani. Anh bị bắt hàng chục lần ở đó.

Đòi hỏi phối hợp hành động

Cùng với việc truy quét các băng nhóm tội phạm buôn người như Thái Lan đã và đang tiến hành, cần một giải pháp toàn diện hơn mới có thể chấm dứt tình trạng di dân bất hợp pháp. Tới nay, trước áp lực của cộng đồng quốc tế, chính phủ các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã thực hiện nhiệm vụ nhân đạo đối với các thuyền nhân từ Myanmar và Bangladesh bị lênh đênh trên biển Andaman và eo biển Malacca. Nhưng các chính phủ này cho biết họ không thể chịu đựng gánh nặng này mãi mà cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Điều đó có nghĩa là phải tìm ra giải pháp an cư lạc nghiệp cho người Rohingya.

Tờ The New Straits Times của Malaysia số ra ngày 26-5 kêu gọi Malaysia nên sử dụng vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2015 để triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp liên quan đến chiến lược khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng của khu vực về những người Rohingya. Thủ tướng Datuk Seri Najib Razak đang đứng trước thời điểm quan trọng để chứng minh với thế giới rằng ASEAN có khả năng đối phó với vấn đề cấp bách nhất của mình.

Theo tờ báo này, bọn buôn người đã cấu kết với các quan chức tham nhũng ở nhiều nước Đông Nam Á càng thúc đẩy người Rohingya vượt biển. Trước mắt, ASEAN và cộng đồng quốc tế phải cùng nhau hành động, cung cấp viện trợ và bảo vệ người Rohingya. Người Rohingya đang yêu cầu thế giới bảo vệ quyền cơ bản nhất của họ là quyền con người - quyền được tồn tại. Các chuyên gia cho rằng giải pháp cho vấn đề này sẽ không dễ dàng, đòi hỏi các nhà lãnh đạo ASEAN phối hợp và chia sẻ trách nhiệm. Lãnh đạo Malaysia, Indonesia và Thái Lan cần thừa nhận sơ suất của họ liên quan đến việc chống lại nạn buôn người, trong khi Myanmar phải thừa nhận rằng cách đối xử với người Rohingya là một vấn đề đang ảnh hưởng đến phần còn lại của ASEAN. Điều này có nghĩa là các nước phải trừng phạt và sa thải các viên chức ở các nước họ, những người đã cấu kết với các băng nhóm buôn người để gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng nạn buôn người sẽ không được dung thứ.

THỤY VŨ tổng hợp

>> Bài 1: Mạng người là món hàng

Tin cùng chuyên mục