Trong khi việc thương thảo cho giá tác quyền âm nhạc giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) vẫn chưa ngã ngũ, việc VCPMC công bố thu tiền tác quyền âm nhạc trên tất cả các kênh nước ngoài đang phát trên mạng truyền hình trả tiền Việt Nam đã khiến những người trong cuộc đặt vấn đề vai trò, chức năng thật sự của VCPMC đến đâu?!
Toàn quyền ra giá
VCPMC là đơn vị trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được thành lập với mục đích chính là khai thác và bảo vệ các quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được luật pháp công nhận bảo hộ trên cơ sở: Hợp đồng ủy thác quyền tác giả. Nói một cách dễ hiểu, VCPMC là đơn vị đi thu tiền tác quyền của những tác giả, nhạc sĩ đã ủy quyền cho VCPMC. Khi mới ra đời, VCPMC thu theo giá mà các hãng đang trả cho các tác giả.
Riêng khoản thu từ chương trình biểu diễn là do phía VCPMC tự đưa ra giá. Đầu năm 2011, VCPMC tự đưa ra một bảng giá tác quyền âm nhạc mới, tăng 100% so với giá cũ. Giải thích về điều này, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: “Vì đây là tài sản cá nhân, nên chúng tôi chỉ thông báo giá chứ không phải xin phép cơ quan chức năng”. Không cần xin phép các cơ quan chức năng, VCPMC cũng không thương thảo với RIAV dù được phía RIAV nhiều lần đề nghị.
VCPMC với quan điểm giữ nguyên giá tác quyền mà mình đưa ra, khiến các đơn vị sản xuất băng đĩa, các chương trình ca nhạc than trời vì giá thành bỗng dưng đội lên quá cao và nếu không trả tác quyền cho VCPMC, tất cả những chương trình này không thể thực hiện vì không được cấp phép.
Vấn đề nằm ở chỗ, trên nguyên tắc, VCPMC chỉ đi thu tác quyền của những tác giả đã ủy quyền cho VCPMC, nhưng hiện nay VCPMC thu trọn gói một chương trình hoặc thu tiền tác quyền một năm tại các đài truyền hình, các trang web, nhà hàng, quán karaoke... Và như thế, trong tổng số ấy sẽ có những tác phẩm của tác giả không ủy quyền cho VCPMC.
Liệu mức thu mà VCPMC đưa ra, những tác giả không ủy quyền cho VCPMC không đồng ý thì sẽ giải quyết như thế nào, đang là câu hỏi được nhiều người đặt ra và chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Thu trọn gói
Thông tin VCPMC chi nhánh phía Nam ủy quyền cho luật sư đòi tiền tác quyền âm nhạc trên mạng truyền hình cáp SCTV, với số tiền lên tới hơn 4 tỷ đồng đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tác quyền âm nhạc được VCPMC tính trên tổng số tất cả các kênh đang phát trên SCTV, trong đó có cả những kênh nước ngoài chuyên biệt như: kênh phim truyện - HBO, CineMax, Star Movie, AXN, Cartoon Network; kênh thể thao - ESPN, Star Sport… và các kênh tổng hợp, khoa học - Star World, Discovery…
Được biết, tất cả những kênh nước ngoài này đều đã được SCTV mua bản quyền kênh, trong bản quyền kênh đã bao gồm đủ các loại tác quyền, nên không biết VCPMC lấy danh nghĩa gì để có thể thu tiền tác quyền âm nhạc trên những kênh này?
Trả lời vấn đề này, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam, cho biết: “VCPMC đã là thành viên chính thức của CISSAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ thế giới) và có giấy ủy quyền của CISSAC.
Bên cạnh đó, VCPMC cũng đã có hợp đồng song phương với 133 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Khi được hỏi: “Vậy VCPMC có tiến hành thu tiền tác quyền âm nhạc trên tất cả các mạng truyền hình trả tiền tại VN và mức giá có được áp dụng giống như với SCTV?”.
Ông Đinh Trung Cẩn trả lời: “SCTV là đơn vị được tiến hành đầu tiên và chúng tôi bắt đầu yêu cầu họ trả tác quyền từ năm 2007, nhưng do phía SCTV có những thay đổi về nhân sự nên việc thu tác quyền đến nay vẫn chưa có kết quả. Còn đối với các đài truyền hình tỉnh, chúng tôi cũng vẫn thu, nhưng chủ yếu thu cho có vì đời sống tại một số tỉnh còn rất nghèo, họ làm gì có tiền để trả”.
Hỏi ý kiến một số mạng truyền hình trả tiền, đều nhận được câu trả lời: Hiện nay, VCPMC đang cho mình quyền quá lớn trong việc đòi tác quyền âm nhạc trên những kênh truyền hình nước ngoài đang phát trên mạng truyền hình trả tiền VN. Nếu không có gì chứng minh rằng VCPMC được quyền thu tiền ấy và chi trả cho ai, chúng ta rất dễ bị nước ngoài… kiện lại vì không hiểu luật. Luật bản quyền tại nước ngoài rất cụ thể và chi tiết, sẽ là rất khó khăn, phức tạp khi áp dụng vào VN.
Nếu muốn áp dụng, cũng cần một lộ trình để các đơn vị tham khảo. Việc VCPMC tự ý tăng giá tác quyền lên 100% và không chịu ngồi lại với RIAV để thương lượng; rồi VCPMC tự đưa ra giá và đòi tiền tác quyền âm nhạc trên tất cả các kênh nước ngoài đang phát trên mạng truyền hình cáp, khiến những người quan tâm đến tình hình và cả người trong cuộc đặt câu hỏi: VCPMC đang tích cực đi đòi tiền ở mọi nơi, mọi chỗ là vì quyền lợi của các tác giả hay là vì chính quyền lợi của mình?
Như Hoa
- Bài 1: Bản quyền kênh truyền hình - Tùy tiện tăng giá