Bài 2: Tạo môi trường học nghề đạt chuẩn

Quy hoạch trường nghề theo hướng tinh gọn
Bài 2: Tạo môi trường học nghề đạt chuẩn

Xu hướng “bỏ thầy làm thợ” gia tăng

>> Bài 1: Tự tin với màu áo trường nghề

Đó là mong ước của người học và trăn trở của nhiều trường nghề muốn “lột xác” để đổi mới thực sự. Nhưng quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề như thế nào để hệ thống trường nghề tinh gọn, tạo ra lực lượng lao động kỹ thuật, có trình độ nghề đạt chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước?

Học nghề với các thiết bị hiện đại

Sở dĩ nhiều trường cao đẳng (CĐ) nghề có sức hút đối với học sinh, sinh viên là do nơi đây đã tạo được niềm tin để giới trẻ gửi gắm ước mơ lập nghiệp vững vàng. Không chỉ đổi mới chương trình theo hướng tiên tiến, gắn học với hành, đào tạo theo địa chỉ, mở rộng liên kết đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế…, nhiều trường đã đầu tư thêm nhiều thiết bị dạy nghề hiện đại phù hợp với công nghệ mới của doanh nghiệp (DN). Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TPHCM mới đầu tư thêm 6 máy công nghệ cao tiện, phay vạn năng, trị giá gần 10 tỷ đồng, để sinh viên thực hành. Ngoài ra, tất cả các môn học, ngành nghề đào tạo đều có phòng, xưởng thực hành với các thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. Thầy Lê Xuân Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết thêm: “Đáp ứng nhu cầu cần tuyển nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ năng cao, nhà trường không chỉ đào tạo theo địa chỉ mà còn đưa sinh viên đến nhà máy, DN thực tập. Nhờ vậy, nhiều sinh viên được DN “ngắm” và tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp”. Là địa chỉ tin cậy nên nhà trường nhận được nhiều hợp đồng đào tạo nhân viên, kỹ thuật viên của các công ty, DN trong nước cũng như tập đoàn nước ngoài.

Sinh viên Trường CĐ nghề Lilama 2 học nghề trên thiết bị hiện đại và sự hướng dẫn của chuyên gia Đức

Tương tự, Trường CĐ Nghề Lilama 2 cũng là nơi học nghề lý tưởng nhờ có môi trường tốt, chương trình đào tạo theo chuẩn và trang thiết bị đào tạo được hiện đại hóa. Mới đây, thực hiện chương trình hợp tác phát triển Việt - Đức nhằm đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam, nhà trường được Chính phủ Đức tài trợ và trang bị 20 máy công nghệ cao - tự động hóa với công nghệ hiện đại nhất (trị giá 13,5 triệu EUR) và 7,5 triệu EUR để phát triển chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên. Theo TS Lê Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường Lilama 2, đây là cơ hội để nhà trường nâng cao năng lực đào tạo nghề chất lượng cao, nghề trọng điểm và theo bộ tiêu chuẩn nghề của Đức.

Quy hoạch trường nghề theo hướng tinh gọn

Theo cảnh báo của các chuyên gia dạy nghề và lao động, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lực lượng công nhân kỹ thuật lành nghề và kỹ thuật viên có trình độ nghề theo chuẩn. Làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm ổn định cho học sinh, sinh viên nếu không tạo sự đột phá về dạy nghề? Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam phải tăng tỷ lệ đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề từ 30% hiện nay lên 55% thì mới đáp ứng yêu cầu tuyển nhân lực của các DN trong và ngoài nước. Đó là chưa kể, muốn hội nhập thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế, lao động Việt Nam phải hội đủ hành trang tay nghề, kỹ năng theo chuẩn quốc tế cùng ngoại ngữ tiếng Anh tốt.

Mới đây, Chính phủ đã có quyết định thống nhất về quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giao trọng trách này cho Bộ LĐTB-XH, nhưng để tạo cú hích đổi mới cho bức tranh đào tạo nghề còn nhiều gam tối ở Việt Nam là câu chuyện không hề đơn giản. Tuy đông số lượng trường trung cấp nghề, CĐ nghề thuộc Bộ LĐTB-XH và trung cấp chuyên nghiệp, CĐ thuộc Bộ GD-ĐT nhưng cỗ máy này phát triển manh mún, èo uột. Trừ một số trường CĐ và CĐ nghề được đầu tư bài bản, có thương hiệu, hàng năm sống được nhờ tuyển sinh đạt chỉ tiêu, còn lại phần lớn các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước đều rơi vào cảnh đìu hiu, chợ chiều vì người học quay lưng. Thực tế này minh chứng rằng môi trường học nghề ở nước ta thiếu hấp dẫn, trường không ra trường, thậm chí nhiều nơi chỉ có cái vỏ - dạy chay, thiếu thiết bị lẫn điều kiện thực hành nghề. Như thế, để cỗ máy dạy nghề tăng tốc và phát triển bền vững, đề cao “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” thì chúng ta phải sớm quy hoạch và phát triển mạng lưới trường nghề theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo đầu ra đạt chất lượng, được thị trường lao động đón nhận. Giải pháp đầu tiên là cần sắp xếp, tinh gọn lại số trường dạy nghề kém hiệu quả và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra môi trường học nghề hấp dẫn, hướng tới đào tạo nghề theo địa chỉ, gắn với nhu cầu của DN, thị trường lao động.

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, sự dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong cộng đồng ASEAN sẽ gia tăng. Vì thế, nếu Việt Nam không chuẩn bị lực lượng lao động kỹ thuật chất lượng cao, có trình độ tay nghề theo chuẩn thì giới trẻ sẽ khó cạnh tranh và tìm được cơ hội việc làm ngay trên sân nhà. Th.S Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TPHCM, cảnh báo: “Thách thức tìm việc làm thời hội nhập quôc tế ngày càng gay gắt. Thế nhưng, một bộ phận giới trẻ Việt Nam chưa nhận thức đúng về sự cần thiết phải học nghề, trang bị kỹ năng nghề phù hợp với trình độ, năng lực để có thể tham gia thị trường lao động mở. Họ vẫn ảo tưởng về bằng cấp và theo đuổi ước mơ vào đại học, trong khi cơ hội việc làm không thể chạm vào và chịu cảnh thất nghiệp dài dài…”.

Cùng với việc tuyên truyền giáo dục để giới trẻ Việt Nam hiểu rõ thách thức cũng như nhận thức đúng về con đường học nghề thì Nhà nước phải có chính sách, cơ chế phù hợp để phát triển hệ thống trường nghề theo hướng hội nhập quốc tế, tạo cơ hội việc làm bền vững cho người học. 

TS Vũ Xuân Hùng, Viện nghiên cứu Khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), cho biết: “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt sẽ ưu tiên đầu tư cho 45 trường nghề theo tiêu chí đạt chất lượng cao. Các trường tham gia đề án này sẽ đào tạo 34 nghề được chọn ở cấp độ khu vực và quốc tế. Thông qua đó, chúng ta sẽ giải quyết nhu cầu lao động có tay nghề cao trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế”.
 

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục