Phát triển du lịch bền vững, cách nào?
TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước, cửa ngõ đón chào du khách quốc tế. Thế nhưng, câu chuyện giật dọc, chèo kéo du khách vẫn đang là vấn đề nóng, nhưng việc xử lý đến nay chỉ dừng lại ở mức… phong trào!
Nhìn việc mỗi đêm, các hàng quán trên đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (quận 1) canh dân phòng đi ngủ để bày bàn ghế cho du khách ngồi tràn xuống đường sẽ thấy TP còn nợ du khách một sân chơi về đêm…
Cần quy hoạch phố Tây phù hợp với thực tế.
Giữ vững an ninh trật tự
Hình ảnh du khách mang ba lô ngược ra phía trước cho thấy sự lo lắng của họ về an toàn tài sản ở mức đáng báo động. Mặc dù TPHCM có nhiều phong trào bảo vệ du khách, như xây dựng đội hình thanh niên xung phong với hơn 250 người chuyên hỗ trợ khách du lịch; Công an quận 1, Công an TPHCM triển khai nhiều đợt tấn công tội phạm liên quan đến khách du lịch; các lực lượng dân phòng ra quân tuần tra, chốt chặn ở các điểm nóng bảo vệ an toàn cho du khách… Thế nhưng, tất cả chỉ mang tính phong trào, vào một vài thời điểm. Như đội hình thanh niên xung phong dù rất nhiệt tình nhưng họ chỉ có thể hỗ trợ du khách tương đối vì không có chức năng xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm đối với du khách.
Mới đây, đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch của TPHCM đã không được thông qua, vì mang tính cá biệt. Nhưng nếu TPHCM quyết tâm trong việc bảo vệ an ninh trật tự cho du khách thì Sở Du lịch phải hợp tác với Công an TPHCM tăng cường lực lượng phòng chống tội phạm cướp giật, bảo vệ du khách và người dân TP. Vì có hay không có lực lượng cảnh sát du lịch thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự vẫn là của Công an TPHCM.
Bên cạnh đó, nạn chèo kéo, bán quá giá như lâu nay cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh tích cực của người dân TPHCM trong mắt du khách. Trong khi đó, quy định về việc bán hàng phải niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết đã có, thế nhưng, công tác kiểm tra xử lý đang bị các ngành chức năng xem nhẹ nên vi phạm vẫn xảy ra khắp nơi. Bạn Nguyễn Thanh Nam, sinh viên Trường ĐH KHXH-NV kể, khi anh cùng nhóm bạn đi chơi ở Công viên 30-4, thấy cảnh một du khách nước ngoài bức xúc việc phải mua trái dừa với giá 2 USD (hơn 40.000 đồng), trong khi giá trái dừa bán cho khách trong nước chỉ 20.000 đồng. Các bạn phải can thiệp, cuối cùng du khách trả đúng giá 20.000 đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng nhìn nét mặt vui tươi của du khách vì được bảo vệ sẽ thấy việc bán hàng quá giá, chặt chém như thế gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước.
Nghị quyết 92 (ngày 8-12-2014) của Chính phủ “về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới” ra đời, người dân kỳ vọng vào việc tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các điểm đến, gắn với đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, sẽ được triển khai quyết liệt để TPHCM thật sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Phải theo thực tế
Mặc dù TPHCM có chợ đêm bên hông chợ Bến Thành, nhưng có vẻ như nơi này chưa thật sự hấp dẫn du khách. Hàng đêm, ở phố Tây, cảnh du khách chờ 11 giờ khuya, khi lực lượng dân phòng rút về để ngồi tràn xuống đường ăn uống, nói chuyện. Khi tôi hỏi vì sao khách không đến chợ đêm Bến Thành ăn uống mà phải ngồi dưới đất, dưới lòng đường như thế, ông Gregory, du khách người Mỹ, nói ông đã từng ăn ở chợ đêm Bến Thành nhưng nơi đó không phù hợp để ngồi lâu, không có không khí thưởng thức bia. Hơn nữa, các hàng quán trên đường Bùi Viện gần khách sạn nơi ông nghỉ, nên có uống say thì về ngủ, dù ngồi ngoài trời vẫn thích hơn.
Mặc dù TPHCM đang xây dựng quảng trường đi bộ trên đường Nguyễn Huệ, thế nhưng có vẻ nơi đây vẫn không đáp ứng được thị hiếu ăn đêm của khách nước ngoài thích du lịch tự do. Quảng trường đi bộ sẽ là khu vui chơi sang trọng, là đặc trưng của TPHCM, tăng thêm điểm tham quan, ngắm cảnh cho du khách, nhưng để giải quyết nhu cầu thực sự của du khách, không còn cách nào khác phải bám theo hiện trạng thực tế. Bởi thực tế, các du khách ở khu phố Phạm Ngũ Lão quận 1 - thường gọi là phố Tây - thật sự có nhu cầu vui chơi kiểu chỉ cần thưởng thức bia địa phương với một ít xúc xích là có thể ngồi thâu đêm. Do vậy, nên chăng TPHCM quy hoạch hẳn các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện thành đường đi bộ, chợ đêm cho du khách. Nếu các quy định pháp lý không có, nhưng xuất phát từ nhu cầu có thật, chính quyền nên vận động nhân dân, yêu cầu bà con ký cam kết tham gia chợ đêm, bán hàng và bảo đảm an ninh trật tự theo quy định. Khi tất cả cùng thống nhất thì hoạt động kinh doanh sẽ được kiểm soát, tránh trường hợp du khách cùng người kinh doanh phải canh chừng lực lượng chức năng không tuần tra nữa thì vi phạm. Điều đó sẽ mất hình ảnh về sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
HÀN NI
- Bài 2: Xóa độc quyền, tăng liên kết