Bài 3: Để công nhân thoát nghèo khi về hưu

Cần thực hiện cách tính tiền lương làm cơ sở đóng BHXH theo hướng tính đúng, tính đủ thu nhập thực tế của người lao động. Nếu không, thời gian tới đây, khi công nhân về hưu ồ ạt với mức lương hưu dưới chuẩn nghèo của TPHCM, TP lại bổ sung một lực lượng người hưởng lương hưu ở trong tình trạng nghèo khổ.
Bài 3: Để công nhân thoát nghèo khi về hưu

Công nhân về hưu thành... người nghèo

Cần thực hiện cách tính tiền lương làm cơ sở đóng BHXH theo hướng tính đúng, tính đủ thu nhập thực tế của người lao động. Nếu không, thời gian tới đây, khi công nhân về hưu ồ ạt với mức lương hưu dưới chuẩn nghèo của TPHCM, TP lại bổ sung một lực lượng người hưởng lương hưu ở trong tình trạng nghèo khổ.

Cần chuẩn hóa “đầu vào” BHXH cho công nhân để họ bớt vất vả hơn khi về hưu.

Cần chuẩn hóa “đầu vào” BHXH cho công nhân để họ bớt vất vả hơn khi về hưu.

Luật “treo” cả năm

Nguyên nhân của lương hưu rẻ mạt được xác định do doanh nghiệp đã “chẻ” tiền lương để đóng BHXH chỉ bằng khoảng 50% - 60% tiền lương thực hưởng của người lao động, thay vì căn cứ vào tổng thu nhập của công nhân. “Nếu hoàn toàn do doanh nghiệp thì nên hiểu thế nào với nhiều doanh nghiệp điển hình trong thực hiện chính sách pháp luật và chăm lo cho công nhân lao động, được TP tuyên dương trong thời gian qua, nhưng người lao động ở doanh nghiệp đó về hưu cũng chỉ có đồng lương hưu bọt bèo?” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia - Đại học KHXH-NV TPHCM) đặt vấn đề.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, rõ ràng, nhiều doanh nghiệp đã làm đúng so với luật. Vấn đề không hẳn hoàn toàn do doanh nghiệp, mà ở chỗ hệ thống văn bản pháp luật và cách triển khai thực hiện luật đã chưa tính đầy đủ đến đời sống của công nhân. Công cụ pháp luật chưa được sử dụng hiệu quả. Đến nay, lương tối thiểu (LTT) vùng vẫn chưa đúng bản chất là phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Căn cứ đóng BHXH là tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động (khoản 2, Điều 94, Luật BHXH). Và doanh nghiệp đã chọn cách lợi nhất cho họ: không ghi hết các khoản trả cho công nhân vào hợp đồng lao động; chỉ thể hiện trong hợp đồng lao động mức lương thấp nhất. Rốt cuộc, tiền lương là gì? Có phải là khoản mà doanh nghiệp muốn “vẽ” kiểu gì cũng được, đặt ra thế nào cũng được, dù chỉ cao hơn chút xíu so với LTT vùng?

Một năm trở lại đây, khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực, Điều 90 quy định rõ: tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Quy định mới này là nền tảng, làm căn cứ để đóng BHXH thì đương nhiên công nhân lao động được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Nhưng đến nay vẫn “treo”, chưa đi vào thực tiễn. “Tôi không hiểu tại sao. Tôi rất ngạc nhiên vì đã ban hành luật rồi mà lại chưa thi hành được” - ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, trăn trở.

Cần Luật hóa “đầu vào” BHXH

Trả lời bên diễn đàn Quốc hội, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, nếu thực hiện đóng BHXH dựa trên thu nhập thực tế của công nhân như Điều 90 Bộ luật Lao động thì… cần có lộ trình, vì khi thực hiện sẽ gây áp lực lớn với doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cũng đánh giá, trong bối cảnh sức cạnh tranh chưa cao, năng suất lao động ở nước ta còn thấp hơn so với khu vực, nguyên nhiên liệu, công nghệ và công tác quản trị còn nhiều hạn chế, việc thực hiện đóng BHXH dựa trên thu nhập thực tế của công nhân sẽ rất khó khăn.

Về vấn đề này, theo thạc sĩ Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), tất cả không nên nói vòng vo mà cơ quan chức năng cần làm một bài toán rõ ràng, tổng chi phí đội lên bao nhiêu, thật sự có làm cho doanh nghiệp “chết” hay không? Cùng với tuyên truyền để chủ doanh nghiệp chuyển đổi mức đóng BHXH cho công nhân, rất cần thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Về việc LTT quá tối thiểu làm cho nó trở thành lương danh nghĩa và gây nhiều hệ lụy, ông Phạm Việt Tiến, Trưởng phòng Chế độ BHXH TPHCM, cho rằng, cần khẩn trương xác lập chính sách LTT dựa trên cơ cơ sở khoa học về chi phí tái tạo sức lao động, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đồng thời, cần luật hóa “đầu vào” BHXH. Tiền lương làm cơ sở tham gia BHXH cần tương ứng với thu nhập thực tế của người lao động. Tất nhiên, việc quản lý cần chặt chẽ hơn, hạn chế doanh nghiệp lách luật và trốn đóng BHXH.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, tình trạng người lao động nghèo khi về hưu cũng đặt ra hàng loạt vấn đề, chồng chéo đan xen nhau, đòi hỏi cần giải quyết đồng bộ chứ không hẳn là cắt khúc vấn đề ra sẽ giải quyết được. Nếu không đảm bảo quyền lợi của người lao động và yếu tố bền vững chưa được tính đầy đủ thì không loại trừ tình trạng tất cả những gì là lợi ích thu được từ “phát triển nhanh” sẽ không đủ để khắc phục ô nhiễm môi trường, không đủ để chữa các bệnh nghề nghiệp do chính công việc lâu dài và cực nhọc của họ tạo ra. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên đề nghị: Đối với những người đã và chuẩn bị về hưu, tuy họ đã hết tuổi lao động theo quy định nhưng không phải hoàn toàn mất hết khả năng làm việc, thì ngay từ bây giờ, rất cần phải thiết kế những chính sách phát triển ngành nghề thủ công, buôn bán nhỏ… giúp họ kiếm thêm chút ít bù đắp cho đồng lương hưu ít ỏi.

Với người lao động đang mải miết làm việc, theo thạc sĩ Lê Văn Thành, cần thúc đẩy khao khát, ý thức học tập, rèn luyện tay nghề, sự vươn lên. Các chính sách hỗ trợ công nhân học tập, hỗ trợ người lao động học nghề cần được vạch ra rõ ràng, hiệu quả. Các cấp công đoàn cần tuyên truyền giúp công nhân nhận thức lợi ích lâu dài; cần biết rõ mức đóng BHXH của mình, không nên chấp nhận cùng doanh nghiệp đóng BHXH ở mức quá thấp, ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân sau này. Khi có sự hợp tác của đông đảo công nhân lao động, luật sẽ đi vào thực tiễn.

HỒNG HIỆP - ĐƯỜNG LOAN

Thưa quý bạn đọc!

Thực trạng công nhân gặp khó khăn khi về hưu, cũng đặt ra yêu cầu về những giải pháp chăm lo bảo vệ nguồn nhân lực của TP để đảm bảo nguồn nhân lực không bị cạn kiệt, công nhân không rơi vào khó khăn khi về hưu - góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội ở TP. Báo SGGP mong nhận được những ý kiến đóng góp, sự hiến kế của bạn đọc về những giải pháp: đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đột phá chính sách tiền lương, thực hiện đóng BHXH theo thu nhập thực tế… để giải quyết tình trạng công nhân hết tuổi lao động phải hưởng khoản lương hưu bọt bèo.

Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: chinhtrixaydungdang@gmail.com

hoặc duongloan@sggp.org.vn;

Điện thoại 0839.294.073.

- Bài 2: Vì sao lương hưu thấp?

Tin cùng chuyên mục