Công nhân về hưu thành... người nghèo. Bài 2: Vì sao lương hưu thấp?

Lương tối thiểu (LTT) vùng sau nhiều lần điều chỉnh, hiện ở TPHCM (vùng 1) là 2,7 triệu đồng/tháng, vẫn chỉ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp thường chỉ lấy LTT vùng cộng với 7% nữa để làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo các chuyên gia, ngay cả mức đóng còn thấp hơn mức sống tối thiểu thì làm sao mà mức hưởng (lương hưu) có thể cao được! Lương hưu vì thế khó có thể đảm bảo cuộc sống tuổi già.
Công nhân về hưu thành... người nghèo. Bài 2: Vì sao lương hưu thấp?

Lương tối thiểu (LTT) vùng sau nhiều lần điều chỉnh, hiện ở TPHCM (vùng 1) là 2,7 triệu đồng/tháng, vẫn chỉ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp thường chỉ lấy LTT vùng cộng với 7% nữa để làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo các chuyên gia, ngay cả mức đóng còn thấp hơn mức sống tối thiểu thì làm sao mà mức hưởng (lương hưu) có thể cao được! Lương hưu vì thế khó có thể đảm bảo cuộc sống tuổi già.

Thu nhập một đằng, đóng BHXH một nẻo

Trường hợp của ông M.V.A. (ngụ quận Gò Vấp, nguyên công nhân Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Gòn - Sapuwa), như đã đề cập trong bài trước, thời điểm trước khi nghỉ hưu, ông có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Ông A. chắc mẩm mình sẽ được lãnh lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng, tằn tiện sẽ đủ sống, nuôi con ăn học. Không ngờ, tháng 8-2013, ông lãnh lương hưu chỉ có 1.125.000 đồng/tháng và mọi dự định trước khi về hưu đành phải thay đổi.

Đối chiếu với bảng tiền lương, tiền công đóng BHXH hàng tháng thì thấy, trong khi ông A. có thu nhập khoảng 8 triệu đồng thì mức lương đóng BHXH lại khác, là 5,1 triệu đồng (trong 6 tháng) và 4,6 triệu đồng (trong 2 năm). Còn giai đoạn dài trước đó, có cả chục năm, ông chỉ được đóng BHXH với mức đóng khoảng 500.000 đồng. Tính chung cả giai đoạn 20 năm, mức lương đóng BHXH của ông A. là 2 triệu đồng/tháng và vì thế, lương hưu của ông đạt 1.125.000 đồng (55% mức đóng). Tương tự, bà Vũ Thị The (quận Tân Bình) tháng 5-2012, trong phiếu lãnh lương, bà lãnh 3.595.000 đồng nhưng mức lương để đóng BHXH thời điểm đó chỉ là 2.466.000 đồng/tháng; cả giai đoạn 20 năm lao động, mức lương bình quân đóng BHXH của bà là hơn 1,3 triệu đồng/tháng.

Đại diện công đoàn Công ty TNHH Mountech (bìa phải) thăm hỏi 11 công nhân về hưu nhưng đang tiếp tục làm việc vì đời sống khó khăn do lương hưu thấp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại diện công đoàn Công ty TNHH Mountech (bìa phải) thăm hỏi 11 công nhân về hưu nhưng đang tiếp tục làm việc vì đời sống khó khăn do lương hưu thấp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có thể thấy, việc tồn tại 2 mức lương khác nhau: một lương thực tế - thu nhập, một mức lương thấp hơn trong hợp đồng lao động để đóng BHXH; hay nói cách khác, chính mức thu nhập một đằng, mức đóng BHXH một nẻo đã khiến rất nhiều công nhân về hưu “sốc” vào lúc nhận lương hưu quá bọt bèo. “Trước nay, tôi chỉ biết mình lãnh hàng tháng bao nhiêu và nghĩ tổng thu nhập là cơ sở để đóng BHXH. Tôi nào có ngờ phần đóng BHXH lại là một mức lương khác, thấp hơn do đã bị “chẻ” ra từ tổng thu nhập” - ông A. chia sẻ. Ông V.V.T. (61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên công nhân Công ty Đức Tân) lý giải trong nỗi trầm tư: “Nhận lương hưu ít ỏi, tôi mới biết rằng doanh nghiệp đã chọn mức lương gần như thấp nhất (bằng hoặc cao hơn chút ít so với mức LTT vùng - PV) để đóng BHXH cho công nhân. Và giờ đây, tôi phải hưởng mức lương hưu tương ứng gần như thấp nhất thôi!”. Được biết, mức bình quân tiền lương, tiền đóng BHXH của ông T. trong 20 năm chỉ là 1.046.000 đồng/tháng.

“Đầu vào” không chuẩn

Tương tự bà The, ông A., ông T., mức bình quân tiền lương đóng BHXH suốt quá trình làm việc của ông G.K.N., bà Trần Thị Việt Nga, ông Châu Văn Xê, bà Huỳnh Muối… chỉ từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng. Tất nhiên, đó không phải là thu nhập thực tế của họ mỗi tháng. Ông Phạm Việt Tiến, Trưởng phòng chế độ BHXH TPHCM, lý giải, thực tế, công nhân có thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Song khoản tiền lương này lại bị doanh nghiệp “chẻ” ra thành nhiều khoản. Trong hợp đồng lao động, mức lương của công nhân được thể hiện chỉ là mức LTT vùng cộng với 7% cho lao động đã qua học nghề (thêm 5% nếu lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Hầu hết các doanh nghiệp đã lấy tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, vốn chưa phản ánh hết thu nhập của người lao động, làm cơ sở đóng BHXH (tỷ lệ đóng BHXH là 22%) cho công nhân lao động. Phần lương còn lại của công nhân, bị doanh nghiệp trả theo dạng “trợ cấp”: ăn trưa, xăng xe, điện thoại, nhà trọ, giữ trẻ… và không được thể hiện đầy đủ trong hợp đồng lao động, không được doanh nghiệp tính làm cơ sở đóng BHXH.

Theo ông Phạm Việt Tiến, mức hưởng lương hưu hàng tháng ở nước ta được coi là lý tưởng (mức hưởng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương, tiền công đóng BHXH), hơn cả nhiều nước phát triển trên thế giới (thường 65% - 69%). Mức hưởng cao vậy mà công nhân về hưu chỉ lãnh đồng lương hưu bèo bọt vì chúng ta đã xây dựng “đầu vào” không chuẩn. Mức tiền lương mà doanh nghiệp chọn làm cơ sở đóng BHXH rất thấp, chưa tính đúng, tính đủ thu nhập thực tế của công nhân.

Đầu vào BHXH của công nhân thấp có liên quan đến “bẫy” LTT. Hệ thống chính sách từ năm 1945 đến nay đi theo nền LTT chung. Mức LTT chung, còn gọi là mức lương cơ sở, thực tế chỉ có ý nghĩa như mức lương danh nghĩa (hiện là 1.150.000 đồng), mấy ai có thể sống bằng mức LTT ấy. Và cũng từ mức LTT chung quá tối thiểu, chưa đúng bản chất phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đã sinh ra nhiều hệ lụy. Theo Th.S Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), doanh nghiệp muốn thu hút lao động, phải trả lương theo thị trường, theo mặt bằng chung. Song vì lợi nhuận đã “chẻ” lương thành phần “cứng” và phần “mềm”. Phần “cứng” thường chỉ bằng và cao hơn một chút so với mức LTT vùng; khoảng 50% - 60% tổng thu nhập và dùng làm cơ sở tính chế độ của công nhân (BHXH). Phần “mềm” ở nhiều doanh nghiệp có khi tương đương với phần chính song không được doanh nghiệp tính đến trong các giao dịch liên quan đến quyền lợi lâu dài của công nhân.

Thậm chí, trong khi LTT “mãi mãi là người theo sau” đời sống tối thiểu của công nhân, nhiều doanh nghiệp còn cố tình nhập nhằng, đánh đồng giữa điều chỉnh LTT theo quy định với việc tăng lương hàng năm theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Dù hai việc này khác nhau hoàn toàn: điều chỉnh LTT (bắt buộc trong cả nước) theo quy định vào một thời điểm trong năm chính là sự “bù lỗ” của đồng lương do trượt giá, nhằm bảo toàn giá trị tiền lương; còn tăng lương theo thỏa thuận là tăng giữa từng doanh nghiệp với công nhân. Trong khi ấy, người lao động lại xuề xòa, chưa mấy khi để ý đến sự dích dắc ấy. Các yếu tố đó góp phần tạo ra sự phức tạp và người chịu thiệt thòi là công nhân.

BHXH TPHCM đang thu BHXH của gần 1.798.000 lao động trên địa bàn TP, trong đó, số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân chiếm gần 75%.

Về mức đóng, có gần 21.500 lao động chỉ được đóng BHXH ở mức lương 2,7 triệu đồng (bằng mức lương tối thiểu vùng); gần 383.000 lao động được đóng BHXH ở mức lương 2,7 - 3 triệu đồng. Với mức đóng BHXH thấp như vậy, tương lai có thêm gần 404.500 lao động (chiếm gần 22,5% người tham gia BHXH) sẽ rất khó khăn khi về hưu.

Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, mục đích của BHXH là giúp cho người lao động hết tuổi lao động có một khoản thu nhập sống được. Lương hưu thấp quá, ý nghĩa của BHXH cũng mất dần… ý nghĩa!

ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP

- Bài 1: Hụt hẫng lương hưu

Tin cùng chuyên mục