Giang Thanh toàn truyện (*)

Bài 3: Hành trình đến với Mao Trạch Đông

Bài 3: Hành trình đến với Mao Trạch Đông

Hai mươi ba tuổi, bốn “đời chồng”, sự nghiệp chưa thỏa được lòng mong đợi, Giang Thanh quyết đi tìm vị trí của mình ở phía trước. Và lần này, bằng mọi giá, Giang phải chạm vào đến ngưỡng vọng của mình. Thu mình lại dưới cái bóng của Mao Trạch Đông chính là bước chuẩn bị to lớn cho cuộc “tung hoành” trên chính trường Trung Quốc sau này của Giang Thanh.

  • Đến nơi cần phải đến 
Bài 3: Hành trình đến với Mao Trạch Đông ảnh 1

Mao Trạch Đông và Giang Thanh.

Rời Thượng Hải phồn hoa để đến Diên An khốc liệt, đó là chuyến đi lớn nhất trong cuộc đời Giang Thanh. Lúc này, Diên An là địa bàn hoạt động chính của các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là nơi Trung ương Đảng quyết định triệu tập hội nghị đại biểu khu Xô viết Đảng Cộng sản Diên An (diễn ra từ ngày 2 đến ngày 14-5-1937) và Mao Trạch Đông đọc báo cáo “Nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ kháng Nhật”.

Giang Thanh đến Diên An cuối tháng 8-1937. Chính ở đây, cô đã đổi nghệ danh thành Giang Thanh, hàm ý bước phát triển mới của Lam Bình (vì “thanh” cũng là màu xanh nhưng xanh đậm hơn “lam”).

Lúc này, được sự giúp đỡ của Khang Sinh, đồng hương của Giang Thanh (Hiệu trưởng Trường Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa) và sự làm chứng của Hoàng Kính (đến Diên An để dự hội nghị trên), Giang Thanh được phục hồi lại Đảng tịch và được nhận vào học ở Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11-1937.

Cũng trong thời gian này, Giang Thanh đã tiếp xúc với Mao Trạch Đông. Về điều này có nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Nhưng nguồn tin khá tin cậy từ Trách Lâm Trang (lúc đó là cố vấn dân cách của Thành ủy Thượng Hải) kể lại rằng: vào khoảng tháng 7-1938, ở “Phủ Nha Môn”, phía Đông gác chuông Diên An cử hành đại hội. Buổi sáng Mao Trạch Đông đọc báo cáo, buổi chiều diễn văn nghệ.

Trong vở kịch có tên “Đả ngư sát gia” Giang Thanh chủ diễn rất đạt, được công chúng khen ngợi. Mao Chủ tịch và các vị thủ trưởng khác cũng xem và Giang Thanh đã gây sự chú ý đối với Mao Trạch Đông. Khi Mao Trạch Đông bước vào phòng hóa trang để thăm hỏi các diễn viên, Giang Thanh đã bước lên bắt tay Mao Trạch Đông rồi sau đó nói chuyện rất thân mật.

Có một lời đồn nói về “phút ban đầu lưu luyến” giữa Giang Thanh và Mao Trạch Đông: trong một lần báo cáo ở Trường đảng, Giang Thanh vì đoán chắc người cấp cao của Đảng đến báo cáo nên chọn ngồi ở hàng ghế đầu để gây sự chú ý. Suốt buổi báo cáo, Giang Thanh làm nhiều cách để Mao Trạch Đông để mắt như đứng lên vỗ tay, hướng đúng trên đài cao vẫy vẫy tay, đập đập tay...

Lúc tổ học tập sắp kết thúc, cô khéo léo phát biểu trong mười phút, dùng những lời lẽ rất kêu, tựa hồ rất có lý lẽ. Nghe nói sau đó, Giang Thanh còn viết một bức thư gửi cho Mao Trạch Đông xin được gặp mặt và tự tay đưa thư đến tận nhà.

Dù có rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc Giang Thanh gặp Mao Trạch Đông nhưng cái đáng để quan tâm nhất có lẽ là vấn đề Giang Thanh đã tìm gặp được người cần gặp.

  • Trở thành “vợ hiền” Mao Trạch Đông

Trước khi có Giang Thanh, Mao Trạch Đông đã có 2 đời vợ là Dương Khai Tuệ (có 3 con) và Hạ Tử Trân (có 6 con). Trong thời gian đến với Mao Trạch Đông, Giang Thanh phải chịu sức ép từ Hạ Tử Trân - trên danh nghĩa vẫn là vợ của Mao Trạch Đông. Ở Diên An, tin Giang Thanh yêu Mao Trạch Đông và Mao chọn yêu Giang Thanh truyền đi nhanh đến chóng mặt.

Giang Thanh cũng giấu đi một phần con người của mình để được Mao yêu hơn. Cô chịu cam chịu cực. Mà thật ra, Giang có khá nhiều yếu tố để được yêu. Cô có nhan sắc, lại biết ca kịch và ca rất hay. Giang viết chữ đẹp và cũng viết được văn chương. Giang thích cưỡi ngựa và thích thuần phục ngựa dữ. Giang lại có tài may vá, đan áo len rất đẹp. Cô còn biết trang điểm và trang điểm rất đẹp, thích ăn mặc sao cho thể hiện những đường cong của mình, lại rất tích cực trong các công tác quần chúng và phong trào.

Tháng 4-1938 Giang Thanh được Học viện Nghệ thuật Lỗ Tấn mời về làm giáo viên dạy kịch. Tháng 8-1938, Giang Thanh nhận được một quyết định rất quan trọng, điều động về làm thư ký văn phòng Quân ủy, thực tế là được điều đến bên cạnh Mao Trạch Đông. Lúc đó Mao Trạch Đông đã trở thành lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Cuối cùng thì đám cưới của Giang Thanh và Mao Trạch Đông cũng được tổ chức, nhưng tổ chức một cách âm thầm, khách mời cũng chỉ là những người bạn chiến đấu. Mọi người đến dự đều biết về việc Mao Trạch Đông lấy Giang Thanh nhưng Mao Trạch Đông lại không nói rõ ra với mọi người.

Trước đó, nghe nói Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi thảo luận về hôn sự của Mao Trạch Đông, đã chấp thuận nguyện vọng của Mao Trạch Đông nhưng lại đưa ra một số quy định đối với vai trò của Giang Thanh trong mối quan hệ với Mao và được gọi là bản “Tam cương chước pháp”.

Tam cương chước pháp này có nhiều bản khác nhau nhưng bản được xem là tin cậy nhất được tìm thấy trong nhật ký của Vương Nhược Phi - năm đó đang là thư ký của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ghi như sau: Thứ nhất, quan hệ vợ chồng giữa Mao - Hạ còn tồn tại, đồng chí Giang Thanh không được tự coi mình là vợ của Mao Trạch Đông. Thứ hai, đồng chí Giang Thanh phụ trách chăm sóc sức khỏe và đời sống của Mao hàng ngày. Thứ ba, đồng chí Giang Thanh chỉ được quản công việc sự vụ và đời sống của Mao Trạch Đông, trong hai mươi năm cấm không được nhận bất cứ nhiệm vụ gì trong Đảng…”.

Khi về sống với Mao Trạch Đông, Giang Thanh tỏ ra là người vợ hiền ngoan. Năm 1940, Giang Thanh sinh ra Lý Nột. Mao Trạch Đông rất vui. Vị thế của Giang Thanh ngày càng được củng cố. Thế nhưng mọi chuyện đâu chỉ dừng lại ở đó.

Mạnh Minh lược ghi

Bài 4: Bước ra vũ đài chính trị
------------
(*) Người dịch: Nguyễn Doanh Hải, sách do NXB CADN phối hợp với Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa phát hành.


Thông tin liên quan:

- Bài 1: Khởi bước đường tình

- Bài 2: Ngôi sao trên kịch trường

Tin cùng chuyên mục