
Xuất hiện trên chương trình phát thanh trung tuần tháng 11, Thị trưởng New York Michael R. Bloomberg thề bằng mọi giá “tìm cho ra bọn chúng”. Bọn khủng bố chăng? Hay một nhóm Hồi giáo quá khích âm mưu tấn công Mỹ? Không! Đó là “bọn” nhả chewing-gum ngoài đường phố. Khắp vỉa hè New York, đâu đâu cũng thấy những vết “nám” đen xì!
Thành phố của những vết “nám”

Thị trưởng Michael R. Bloomberg yêu cầu người dân New York nhanh chóng hành động. Văn phòng thị trưởng New York thuê hẳn một công ty chuyên tẩy vết chewing-gum. Gumbusters of New York (“Bom công phá kẹo cao su New York”) - tên của công ty - hiện có khoảng 300 khách hàng. Nghe có vẻ khôi hài và vụn vặt nhưng vấn đề không chỉ ở việc nhổ bừa bãi chewing-gum.
Thành phố tượng trưng cho xương sống kinh tế nước Mỹ này cũng là một trong những nơi đứng đầu Mỹ về khoảng cách giàu nghèo. Tỷ lệ người thất nghiệp và bụi đời tại New York thuộc hàng số một nước Mỹ. Họ cũng là thành phần nhai “kẹo gôm” nhiều nhất nước Mỹ.
Buồn chán, đói khát, sống vất vưởng, họ chỉ còn biết nhai chewing-gum cho “đỡ buồn”. Hậu quả, người ta nhả xác chewing-gum khắp nơi, trên cửa kính nhà hàng, ghế tàu điện ngầm, lòng thòng trên cột tín hiệu giao thông và đặc biệt nằm bẹp dí trên 20.000km vỉa hè New York.
Tình hình bắt đầu “khủng hoảng” khi báo chí New York “đánh mạnh” vào công tác vệ sinh của nhà chức trách và thế là Thị trưởng Bloomberg phải lên tiếng. Chiến dịch lần này được cổ động quy mô không khác gì chiến dịch “chewing-gum 1939” mà Thị trưởng Fiorello H. La Guardia từng thực hiện thập niên 1930.
Xét về mặt lịch sử, New York có quá khứ dính dáng chewing-gum. Chính tại đây, cuối thế kỷ 19, nhà máy sản xuất chewing-gum đầu tiên trên thế giới đã ra đời.
Công nghiệp chewing-gum tại New York khai sinh nhờ tướng Mexico Santa Anna, người mang chất dẻo sản xuất từ quả hồng xiêm (sapodilla) đến đảo Staten (New York). Santa Anna đến Staten như một kẻ lưu vong, sau khi đại bại dưới tay Sam Houston và sau khi Texas trở thành một bang của Mỹ.
Tại Staten, Santa Anna gặp nhà sáng chế Thomas Adams. Năm 1869, Thomas Adams thí nghiệm chế tạo lốp xe từ chất dẻo sapodilla mà Santa Anna đưa cho mình. Thí nghiệm hỏng, nhưng một lần, khi nhai chất dẻo sapodilla để kiểm tra độ dai, Thomas Adams nhận thấy nó nếm ngon hơn loại kẹo sáp (paraffin-wax) hoặc kẹo dẻo chế từ nhựa gỗ vân sam (spruce) mà lúc đó tiệm thuốc tây thường bán.
Năm 1876, theo Từ điển bách khoa New York, Thomas Adams mở Công ty Adams Sons & Company trên đường Vesey tại Hạ Manhattan, chuyên sản xuất và kinh doanh chewing-gum. Được đóng gói với hình vẽ Tòa thị chính New York, sản phẩm Adams Sons & Company được quảng cáo là “Kẹo gôm New York của Adams, vừa dai vừa dẻo”.
Adams Sons & Company - rất lâu trước khi trở thành chi nhánh của hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer (và sau đó rơi vào tay hãng nước giải khát Cadbury-Schweppes) - đã thống trị thị trường chewing-gum nước Mỹ với những sản phẩm Chiclets, Tutti Frutti và nhiều thương hiệu khác. Chewing-gum lan rộng khắp Mỹ và bắt đầu chinh phục thế giới.
Tất nhiên, tại quê nhà New York, chewing-gum xuất hiện đầy vỉa hè. Năm 1939, tờ New York Times đăng bài viết cảnh báo, với tựa “Bãi sình chewing-gum” và một quản lý nhà hàng từng than phiền rằng “toàn bộ thành phố New York có lẽ rồi sẽ được gói trong giấy bọc chewing-gum trong một ngày không xa”. Đó cũng là thời điểm mà Thị trưởng Fiorello H. La Guardia ra tay.
La Guardia yêu cầu tất cả công ty sản xuất chewing-gum phải in hàng chữ “vứt vào sọt rác sau khi dùng” trên bao bì sản phẩm, đồng thời nặn óc suy nghĩ một câu tuyên truyền. Cuối cùng, khắp New York, đâu đâu người ta cũng thấy băng-rôn ghi “Đừng nhai cả thành phố!”.
Trong chiến dịch, có lần, người ta dùng 20.000 miếng chùi để gò lưng tẩy chỉ một vết chewing-gum ở Quảng trường Times - như kể trong quyển The Great American Chewing Gum Book của Robert Hendrickson.
Còng lưng tẩy “vết bẩn thời đại”
Có rất nhiều chewing-gum được nhổ ra và rất ít xác chewing-gum được tẩy sạch. Thậm chí, vài mẩu chewing-gum đã “bất tử”. Năm 1972, một “nghệ sĩ quèn” - như tự xưng, tên là Les Levine - đã trát vàng cho khoảng 30 mẩu chewing-gum! Tác phẩm, đặt tên Solid Gold Chewing Gum (Kẹo gôm vàng rắn), được trưng bày tại gallery Fischbach ở Manhattan.
Đến nay, chewing-gum tiếp tục hiện diện trong dòng thời gian, cùng chen chân với đời sống náo nhiệt New York. Chewing-gum vẫn ngự trị hiên ngang ngoài vỉa hè, trên ghế đá công viên, ở tường nhà thờ và đầy nhóc trong nhà vệ sinh quán bar…
Toàn cảnh, mỗi năm, người Mỹ nhai số chewing-gum trị giá 2,8 tỷ USD - theo Packaged Facts, công ty nghiên cứu thị trường Mỹ. Cứ lấy thanh chewing-gum Wrigley lừng danh toàn cầu làm chuẩn, mỗi năm, dân Mỹ nhai khoảng 56 tỷ thanh như vậy.
Gần đây, New York đã tăng thuế thuốc lá, nâng giá mỗi gói lên khoảng 7,5 USD. Bây giờ, luật mới nện luôn cả chewing-gum, nhằm hạn chế mốt nhai kẹo gôm và nhất là giảm thiểu tình trạng nhổ toèn toẹt chewing-gum ra vỉa hè.
Trước mắt, người ta vẫn thấy tại cổng ga điện ngầm Grand Central Terminal có ba “nhân viên tẩy kẹo gôm” (“degummer”) đang khòm lưng cạo chewing-gum bằng lưỡi lam. Làm việc mỗi ngày, bắt đầu từ 1g sáng, họ thuộc công ty vệ sinh chuyên cạo chewing-gum có tên Gumbusters (không phải Gumbusters of New York).
Công việc không đơn giản. Có khi vết kẹo chewing-gum rất to và dính rất chặt. “Đau khổ” nhất là chewing-gum bong bóng (bubble gum) và tệ hại không kém là “chewing-gum đuôi” (vết chewing-gum kéo dài do bị ai đó giẫm trúng và kéo lê).
Gumbusters làm không hết việc. Hết hợp đồng này lại đến hợp đồng khác. Khách hàng hiện tại của Gumbusters là rạp Carnegie Hall, rạp Magic Johnson và sân thể thao Arthur Ashe (việc chùi vỉa hè thuộc trách nhiệm chủ sở hữu ngôi nhà trước vỉa hè, bởi Cơ quan vệ sinh New York chỉ đảm nhận công trình công cộng).
Giá cạo chewing-gum tùy theo độ “đậm đặc” nhưng trung bình khoảng 0,35 USD cho diện tích một bộ vuông (929cm2) cộng thêm 18 USD mỗi gallon (3,78 lít) dung dịch tẩy. Nếu không muốn thuê “chuyên gia cạo”, khách hàng có thể sắm chiếc xe chuyên dụng (gumcart) với giá 5.900 USD và tự mà tẩy lấy cái “vết bẩn thời đại” chewing-gum.
Phúc Cẩm
Bài 1: Chewing-gum ra đời từ lúc nào?