Bài 3:Lợi ích của trà với sức khỏe

Bài 3:Lợi ích của trà với sức khỏe

Các loại trà đã được sử dụng làm thuốc cách đây hơn 4.000 năm. Theo Đông y, lá trà có vị đắng, chát, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu thực, lợi tiểu, an định tâm trí, làm cho tinh thần thư thái, da thịt mát mẻ, trừ mụn nhọt, cầm tả lỵ, giúp giảm chứng chóng mặt xây xẩm. Dùng ngoài, nấu nước trà để ngâm rửa vết bỏng hay lở loét, có tác dụng sát khuẩn, giúp mau lên da non...

Thức uống thân thuộc

Trà các loại là những sản phẩm lấy từ cây trà. Năm 1753, nhà thiên nhiên học người Thụy Điển Carl von Linne đã cho rằng có 2 giống trà là Camellia sinensis và Thea sinensis (có nghĩa là trà Trung Quốc). Ngày nay, 2 chi Camellia và Thea đã được các nhà thực vật học thống nhất làm một, và có tên khoa học Camellia sinensis (L.) O.Kuntze (Thea sinensis L.), thuộc họ trà (Theaceae).

Từ lá trà, người ta chế biến thành nhiều loại trà khác nhau, nhưng chủ yếu là 3 loại: trà xanh, trà đen và trà oolong. Trà xanh là loại trà chế biến mà không ủ lên men, trà đen là loại trà được chế biến bằng cách để cho lên men, trà oolong được sản xuất trên quy trình lên men một nửa, có tác dụng của cả trà xanh và trà đen, có hương vị đặc biệt hơn. Trà xanh là loại trà còn giữ được màu xanh của diệp lục và có mùi vị đặc biệt. Vitamin C trong trà xanh nhiều gấp 10 lần trong trà đen, chất tanin hòa tan thì nhiều gấp 2 lần.

Sao trà bằng phương pháp thủ công ở đỉnh Tà Xùa Ảnh: Nguyễn Đình

Sao trà bằng phương pháp thủ công ở đỉnh Tà Xùa         Ảnh: Nguyễn Đình

Trà xanh có giá trị dinh dưỡng cao, vì các hoạt chất trong trà ít bị biến đổi. Khi nấu trong nước sôi, trà xanh vẫn giữ được màu xanh. Cánh trà cũng xanh và đôi khi lại có những ánh màu thay đổi từ xanh bạc đến xanh thẫm tùy loại trà. Người ta cho rằng màu cánh trà càng nhạt thì càng tốt, nếu màu cánh trà càng sẫm thì chất lượng trà càng xấu. Mùi vị của trà xanh cũng khác hẳn trà đen. Nước hãm trà xanh có vị chát, nếu pha đặc có thể có vị đắng. Hương của trà xanh rất đặc trưng, tự nhiên mà ngát dịu, dễ chịu.

Chỉ nên uống nước trà ấm (khoảng 45-50OC), không nên uống nước trà quá nóng (trên 60OC), vì sẽ có liên quan với các bệnh lý của thực quản và dạ dày. Trong mùa lạnh, có thể thêm ít gừng để uống.

Các loại trà cần tới những điều kiện chế tác đặc hiệu để không làm mất đi các tính chất dinh dưỡng quý giá trong trà. Người xưa thường chọn dùng các thứ nước sạch ở đầu nguồn, ở khe núi cao, nước sông sạch và trong, nước ngòi không bị vẩn đục, nước mưa sạch... để pha trà. Ngày nay, người ta chọn các loại nước càng có ít muối khoáng càng tốt, tránh dùng nước máy. Nước để pha trà phải đạt 4 tiêu chuẩn: không đục, không màu, không mùi, không vị. Không dùng nước đang sôi 100OC, hoặc sôi quá lâu để pha trà, sẽ làm mất phẩm chất của trà.

Chỉ dùng nước mới đun sôi lần đầu, để nguội khoảng 2-3 phút (còn nóng khoảng 70-80OC), sau đó dùng pha trà và ngâm thêm khoảng 2-3 phút. Dùng 2g trà cho 1 tách trà (100ml), hoặc 20g cho bình pha trà dung tích 1 lít. Trung bình, một người trưởng thành sử dụng 6-10g trà mỗi ngày là được. Các nghệ nhân thưởng trà cho rằng: Trà được hãm trong bình pha trà chế tác từ vật liệu đất nung, xốp, để giữ được vị trà lâu bền. Các loại trà có nguồn gốc từ Nhật Bản, thường dùng bình pha trà làm bằng gốm sứ, để bảo tồn được các chất chiết ly từ trà.

Dược liệu quý

Hiện nay, người ta biết được trong lá trà có chứa gần 400 hoạt chất, được xếp làm 13 nhóm: các chất đường, các chất pectin, các tinh dầu, các alcaloid, cafein (hay thein), theobromin, theophylin, adenin, guanin, các protein và acid amin (có đến 17 acid amin), các sắc tố (caroten, xanthophin), các acid hữu cơ, các chất nhựa, các chất khoáng vô cơ (Fe, P, K, Ca, Zn, Mn, Fl…), các vitamin (A, B1, B2, B6, B12, C, PP, E…), các glucoside, các enzym và tanin (15-30%).

Các nghiên cứu khoa học về tác dụng của trà với sức khỏe đã cho biết tanin trong trà có tác dụng như một kháng sinh mạnh. Do đó uống nước trà sẽ giúp ngừa được tiêu chảy và lỵ trực trùng. Các chất polyphenol có trong trà (EGCG) có tác dụng chống ôxy hóa (antioxydant) mạnh hơn vitamin C đến 100 lần, hơn vitamin E đến 25 lần, và gấp 2-3 lần chất revasterol, là những chất làm trung hòa các gốc tự do trong cơ thể. Ngoài ra, chất catechin trong trà còn có tác dụng ngăn cản tia cực tím, một tác nhân gây nổi ban trên da và có thể gây ung thư da.

Uống trà là thú vui tao nhã đối với nhiều người Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn
Uống trà là thú vui tao nhã đối với nhiều người               Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn

Các chất polyphenol của trà kết hợp với hàm lượng cao chất fluorid trong lá trà sẽ giúp ngăn chặn sâu răng, chống hôi miệng. Nguồn vitamin phong phú cùng các acid amin có trong lá trà làm cho nước trà trở thành một thức uống bổ dưỡng, đẩy mạnh quá trình trao đổi chất cho cơ thể, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các loại đường có trong lá trà là nguồn bổ sung năng lượng cho cơ thể. Các chất khoáng vô cơ giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh, có lợi cho việc hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết, chống loãng xương có hiêu quả. Cafein và theophyllin trong lá trà có tác dụng kích thích não, hệ tuần hoàn và hô hấp.

Chúng tăng cường sức làm việc của trí óc và của cơ làm tăng hô hấp, tăng cường và điều hòa nhịp tim. Ngoài ra, chúng còn giúp tiêu hóa được tốt hơn và giúp lợi tiểu. Gần đây, một số công trình nghiên cứu còn ghi nhận rằng trà có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh ung thư, cao huyết áp, béo phì, chống phóng xạ.

Như vậy, thường xuyên uống các loại nước pha trà 4-10 tách (400-1.000ml) trong một ngày, sẽ rất có ích cho cơ thể trong việc phòng và chữa bệnh, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
Trong cơ thể chúng ta có một số enzym là chất chống ôxy hóa, thấy ở trong hồng cầu, trong gan… gọi là chất chống ôxy hóa nội sinh. Nhưng các chất này không đủ để phân giải các gốc tự do (free radical), là yếu tố tạo ra tình trạng ôxy hóa trong cơ thể, làm cơ thể mau bị lão hóa, sinh ra nhiều loại bệnh tật. Các gốc tự do có trong cơ thể người và cũng có trong môi trường sống (khí độc, thuốc trừ sâu, phân bón, năng lượng, nhiệt độ…) nên khi ta hít vào hoặc ăn uống các chất này cũng là đưa thêm các yếu tố bất lợi cho cơ thể.
 
Chất chống ôxy hóa có nhiều trong các loại rau, củ, quả. Đó là các vitamin như vitamin C, vitamin E, beta-caroten, các chất flavonoid… Các chất này cũng có nhiều trong trà xanh và rượu vang đỏ. Trong trà xanh, polyphenol là chất chống ôxy hóa có hiệu quả. Khi chúng ta ăn rau quả và uống trà xanh tức là chúng ta tiếp nạp thêm vào cơ thể các chất chống ôxy hóa, để trung hòa các gốc tự do, chống lại các rối loạn có thể gây ra các loại bệnh như ung thư, tiểu đường, tăng cholesterol xấu (LDL) trong máu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, suy nhược thần kinh, nhiễm trùng, phòng ngừa được các tai biến đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

 

Các nhà khoa học cho rằng mỗi ngày uống 4-10 tách trà sẽ giúp cơ thể chống được nhiều loại bệnh của thời đại công nghiệp. Uống 3-5 tách trà xanh mỗi ngày có tác dụng hạ thấp nguy cơ bị tử vong do các bệnh tim mạch, giúp tăng tuổi thọ. Và lợi ích của trà xanh đặc biệt rõ rệt ở phụ nữ.

 

Theo phân tích, trong một tách trà xanh (100ml) có chứa khoảng 10-40mg polyphenol. Các nhà khoa học cho rằng mỗi ngày uống 4-10 tách trà sẽ giúp cơ thể chống được nhiều loại bệnh của thời đại công nghiệp. Công trình nghiên cứu vào năm 1994 của tiến sĩ Shinichi Kuriyama và các cộng sự, thuộc Đại học Tohoku (Sendai, Nhật Bản), với 43.530 người Nhật Bản ở độ tuổi 40-79 (gần 14% trong nhóm này đã tử vong trong suốt 11 năm nghiên cứu), đã cho thấy, uống 3-5 tách trà xanh mỗi ngày có tác dụng hạ thấp nguy cơ bị tử vong do các bệnh tim mạch, giúp tăng tuổi thọ. Và lợi ích của trà xanh đặc biệt rõ rệt ở phụ nữ.

Tuy nhiên nếu chúng ta uống trà quá nhiều (trên 10 tách, tức trên 1.000ml/ngày) và kéo dài, thì có thể gây nhiễm độc mạn tính, biểu hiện các triệu chứng như: mất ngủ thường xuyên, mất cảm giác ngon miệng, có thể bị rối loạn thần kinh, gầy yếu.

Các trường hợp sau đây nên kiêng uống trà: không nên uống trà lúc đói bụng; không uống trà quá đặc; không uống trà để qua đêm; không uống trà ngay sau bữa ăn (vì chất tanin trong trà sẽ kết hợp với chất sắt và protein trong thức ăn, làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng này), nên uống trà xa bữa ăn tối thiểu 30 phút; không uống trà trước khi đi ngủ vì sẽ gây khó ngủ; không uống trà trong thời gian đang uống thuốc chữa bệnh, nếu chưa có ý kiến của thầy thuốc.

Những người bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ nhỏ, người bị mất ngủ, chức năng tuyến giáp không bình thường, đang bị nổi hạch, loét dạ dày và ruột, táo bón, những người đang dùng thuốc làm tan máu đông, phụ nữ cho con bú hoặc đang có thai, tất cả đều không nên uống trà.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY
Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM

>> Bài 1: Theo dấu trà cổ

>> Bài 2: Những rừng trà trong mây

Tin cùng chuyên mục