Hỏi đáp bệnh thường gặp ở công nhân

Để phòng bệnh thường gặp ở công nhân
Hỏi đáp bệnh thường gặp ở công nhân

* Tôi năm nay 35 tuổi, làm công nhân may, thời gian gần đây hay bị đau thắt lưng, có khi đau nhiều không cúi được phải mua thuốc giảm đau về xoa bóp, đây là bệnh do công việc hay bệnh lý xương khớp gì khác? - Nguyễn Lê U.

- Thống kê kết quả khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân may toàn ngành, tỷ lệ công nhân bị bệnh cơ xương khớp khá cao chiếm khoảng 10-20%, trong đó bệnh đau lưng chiếm 70-80%. Trường hợp đau thắt lưng của bạn có thể do nguyên nhân cơ học liên quan đến tư thế lao động làm vùng cột sống thắt lưng cũng như nhóm cơ chống đỡ làm việc quá sức gây ra.

Ngoài ra, đau thắt lưng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh toàn thân như bệnh viêm khớp dạng thấp, loãng xương, viêm đĩa đệm cột sống do vi khuẩn, do các nguyên nhân khác như ung thư, sỏi thận, viêm loét dạ dày… Bạn nên đi khám bệnh ở những cơ sở y tế chuyên khoa để tìm nguyên nhân điều trị tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Các nguyên nhân đau thắt lưng do hoạt động hàng ngày quá sức như bưng bê các vật nặng, động tác nhắc đi nhắc lại nhiều lần, do ngồi lâu, do vận động không đúng tư thế. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể, đặc biệt là cột sống ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Đối với người phải ngồi làm việc lâu cứ 1-2 giờ phải đứng dậy tập một vài động tác có lợi cho lưng.

Bên cạnh, cần chú ý chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, giữ cân nặng ở mức lý tưởng, tránh thừa cân béo phì, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ví dụ để phòng bệnh loãng xương cũng là một trong những căn bệnh gây đau thắt lưng, nhất là ở phụ nữ thì ngay khi còn trẻ chúng ta nên để ý phòng bệnh bổ sung canxi cho xương chắc khỏe từ việc lựa chọn chế độ ăn giàu canxi như ăn cá nhỏ nguyên xương, tép nhỏ nguyên vỏ, cua đồng, trứng, sữa, các loại rau màu xanh đậm…

Ăn uống điều độ, không bỏ bữa ăn sáng, ngủ đủ giấc trên 8 tiếng một ngày, cùng với việc tập thể dục hàng ngày sẽ giúp bạn khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh về xương khớp.

* Những bệnh lý nào hay gặp ở công nhân và cách phòng tránh?  

- Công nhân thường bị các bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang tính đặc trưng của ngành nghề họ đang làm. Thống kê cho thấy, các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa ngày càng gia tăng ở công nhân. Bệnh nghề nghiệp đang được xã hội quan tâm, bằng chứng là từ ngày 1-1-2015 có 30 bệnh nghề nghiệp được chi trả bảo hiểm y tế.

Trong các bệnh nghề nghiệp thì bệnh bụi phổi là phổ biến và nguy hiểm nhất (chiếm 74%), kế đến là viêm đường hô hấp (32%) và điếc do tiếng ồn (17%), chưa kể một loạt bệnh khác như nhiễm độc benzen, bệnh do tia X và các chất phóng xạ, sạm da nghề nghiệp, viêm da… Bệnh bụi phổi rất dễ mắc và khi mắc lại khó chữa khiến người lao động mất khả năng lao động, thậm chí một số bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài các bệnh nghề nghiệp, công nhân còn dễ bị mắc nhiều bệnh như đau xương khớp, loãng xương, đau đầu, suy nhược thần kinh, viêm mũi xoang, viêm loét dạ dày, bệnh giun sán, bệnh phụ khoa, viêm da dị ứng… Đặc biệt tỷ lệ công nhân bị suy dinh dưỡng đang ở mức báo động. Khảo sát về dinh dưỡng của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho thấy có gần 30% bị suy dinh dưỡng, hơn 20% thiếu máu và trên 70% thiếu i-ốt. Nguyên nhân ngoài thu nhập thấp, công nhân còn thiếu kiến thức về dinh dưỡng. Những công nhân lao động nặng, thường xuyên tăng ca, làm đêm, nếu không có chế độ ăn uống đủ chất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật, giảm sút sức lao động và chất lượng sống.

BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng NutiFood

Để phòng bệnh thường gặp ở công nhân

Cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo người lao động làm việc trong môi trường vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm, có biện pháp kỹ thuật cách ly nguồn độc hại, khám sức khỏe trước khi tuyển dụng để bố trí việc làm thích hợp, khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để điều trị. Người lao động phải sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động trong lúc làm việc.
 
Nâng cao chất lượng bữa ăn, truyền thông tư vấn kiến thức về dinh dưỡng cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục