
Thời gian làm vợ Mao Trạch Đông, chưa bao giờ Giang Thanh chính thức bước ra vũ đài chính trị cùng với chồng. Tuy nhiên khi Lý Nột càng lớn thì vị trí của Giang Thanh cũng dần lớn theo. Bản Tam cương ước pháp càng ngày càng không có tác dụng với Giang Thanh nữa. Giang Thanh thoát ra khỏi đám mây mù và bắt đầu bước lên vũ đài chính trị.
- Giang Thanh “lộ kiêu hùng”

Gia đình Giang - Mao
Mao Trạch Đông phu nhân chỉ là một loại danh phận, không phải là một loại chức vụ. Cuối cùng tổ chức xem đi xét lại nhiều lần rồi sắp xếp cho Giang một chức vụ không to không nhỏ nhưng thích hợp với sở thích của Giang Thanh: Phó Cục trưởng Cục Văn nghệ Ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đây, Giang Thanh bắt đầu mưu tính lấn vào chính trị.
Sự kiện thể hiện sự kiêu hùng đầu tiên của Giang Thanh là việc phê phán phim “Truyện Vũ Huấn” (Triệu Đan thủ vai chính), bộ phim được khắp nơi khen ngợi. Giang Thanh đã thôi thúc Mao Trạch Đông đi xem cho bằng được. Mao Trạch Đông sau khi xem phim xong cho rằng: đây là phim tuyên truyền chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản. Giang Thanh nghe thế vô cùng vui sướng và bắt đầu tiến hành chiến dịch phê phán “Truyện Vũ Huấn”.
Với sự chấp bút của một số cộng sự, Giang Thanh viết ra văn kiện “Ghi chép điều tra lý lịch của Vũ Huấn” phủ định phim “Truyện Vũ Huấn” về căn bản. Có thể nói, loại phê phán này là sự xuất đầu lộ diện của trào lưu tư tưởng “tả”, sau này ngày càng phát triển bành trướng thành bản tính độc ác của “Cách mạng văn hóa”. Sau đó, Giang Thanh tiếp tục ra mặt trong việc phê phán công trình nghiên cứu “Hồng lâu mộng” của Du Bình Bá.
Đến năm 1956, Giang Thanh được bổ nhiệm làm Bí thư phụ trách đời sống của Mao Trạch Đông và chức vụ đó tương đương với cấp thứ trưởng. Vị trí của Giang Thanh ngày càng quan trọng hơn và Giang cũng đòi Mao Trạch Đông phải công bằng với mình trong nhiều việc.
Giang Thanh cũng đã “đọ tài cao thấp” với Vương Quang Mỹ, lúc đó là vợ của Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Trong một lần Giang Thanh thấy những bức hình của Vương Quang Mỹ cùng chồng đón Tổng thống Indonesia đăng trang trọng trên “Nhân Dân nhật báo (tháng 9-1952) bèn nổi lửa giận. Nghĩ rằng mình là “đệ nhất phu nhân” mà từ trước tới nay chưa bao giờ lộ mặt trên báo này. Ngay sau đó, được sự cho phép của Mao Trạch Đông, Giang Thanh đã cùng ông đón tiếp Tổng thống Indonesia và ngay hôm sau hình ảnh của Giang Thanh cũng được xuất hiện một cách trang trọng trên Nhân Dân nhật báo. Bức ảnh đó là tín hiệu quan trọng, Giang Thanh từ sau rèm bước ra sân khấu phía trước. Sự trói buộc của “Tam cương ước pháp” đối với Giang Thanh đã sắp hết hiệu lực.
- Những sự kiện mang dấu ấn “Giang ký”
Giang Thanh lúc này một tay nắm phê phán, một tay nắm sáng tác, dùng lời của Giang Thanh là “đại phá, đại xây”. Sau những sự kiện phê phán gây chấn động báo giới, Giang Thanh trở lại xây những tác phẩm nghệ thuật để thể hiện dấu ấn của mình. Từ vở kịch “Cây đền đỏ” đến “Lửa đầm dậy sóng” (hay “Cái đầm nhà họ Sa”), Giang Thanh đều chỉ đạo tất cả mọi công việc, từ điều chỉnh kịch bản đến lựa chọn diễn viên.
Giang Thanh cũng một tay “đạo diễn” luôn Đại hội Kinh kịch diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 5 đến 31-7-1964 để tổng kết “Đại sáng tác mười ba năm” ở Trung Quốc. Tại buổi tổng kết đại hội, Giang Thanh đã công khai lộ mặt. Bà ta với dáng vẻ đứng trên cao hạ cố xuống dưới, lên giọng người “cầm cờ” đọc một bài có nhan đề “Đàm luận về cách mạng Kinh kịch”. Lần nói chuyện này của Giang Thanh đứng về mặt ý nghĩa, so với bức ảnh chụp chung với Mao Trạch Đông đăng tải trên Nhân Dân nhật báo trong lần tiếp vợ chồng Tổng thống Indonesia quan trọng hơn nhiều. Giang Thanh một mặt khen những vở kịch do chính mình dàn dựng nên tại Thượng Hải, một mặt kịch liệt phê bình các sáng tác khác.
Một sự kiện khác, được xem là mở màn cho Đại cách mạng văn hóa sau này, chính là việc phê phán “Hải Thụy bãi quan” do Ngô Hàm viết (kể về nhân vật Hải Thụy đã trực diện phê bình hoàng đế). Nếu như Mao Trạch Đông từng khen Hải Thụy, mong muốn mọi người học tập tinh thần phê bình của Hải Thụy thì Giang Thanh sau khi xem xong lại nói bừa lên rằng hoàng đế trong kịch là chiếu vào Mao Trạch Đông và Hải Thụy chính là Bành Đức Hoài (người đã bị Mao Trạch Đông cách chức). Với kiểu “tìm ẩn ý” như thế, Giang Thanh cố tình quy tội cho “Hải Thụy bãi quan” là có “sai lầm chính trị quan trọng”, là “cỏ độc rất lớn”.
Đến đêm giao thừa của “Cách mạng văn hóa”, khi sợi dây đàn “đấu tranh giai cấp” càng vặn càng căng, đối với Giang Thanh ngày càng có lợi. Được sự ủng hộ của Khang Sinh, sau đó Mao Trạch Đông cũng đồng ý đem vở kịch lịch sử mới viết “Hải Thụy bãi quan” ra phê phán. Giang Thanh coi như đã có “thượng phương bảo kiếm” trong tay. Dưới sự trợ lực của Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên (lúc đó được xem là cây bình luận văn nghệ trẻ xuất sắc của tờ Giải Phóng nhật báo), Giang Thanh bắt tay vào viết một văn kiện nhằm phê phán tư tưởng của “Hải Thụy bãi quan”. Và trong thời gian 8 tháng, sau nhiều lần thảo luận, nhiều hồi sửa đi sửa lại, cuối cùng Giang cũng nặn ra được một thiên “hùng văn”.
Báo chí Trung Quốc bước vào năm 1965 với hàng loạt bài phê bình nồng nặc “thuốc súng”. Chính trong cái làn sóng gào thét “cần phải phê phán”, “triệt để phê phán” như thế , ngày 7-4, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra “Phê chuẩn lại việc lãnh đạo Bộ Văn hóa”, miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo của Tế Yến Minh và Hạ Diễn. Tiếp đó, phát súng mở màn của Cách mạng văn hóa đã nổ khi trên báo Văn Hối Thượng Hải ngày 10-11 đăng bài phê phán trường thiên đầu đề “Bình luận vở kịch lịch sử Hải Thụy bãi quan” ký tên Diêu Văn Nguyên làm cả báo giới Trung Quốc phừng phực dậy sóng. Giang Thanh đã thực sự vào cuộc.
Mạnh Minh lược ghi
Bài 5: Trên vũ đài Cách mạng văn hóa
-------------
(*) Người dịch: Nguyễn Doanh Hải, sách do NXB CADN phối hợp với Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa phát hành.
Thông tin liên quan
- Bài 1: Khởi bước đường tình
- Bài 2: Ngôi sao trên kịch trường
- Bài 3: Hành trình đến với Mao Trạch Đông