
Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tên tuổi Ferdinand de Lesseps gắn liền với kênh Suez, con kênh đào được ví như động mạch của nền kinh tế thế giới.
Làm nhà ngoại giao hay người đào kênh?

Ferdinand de Lesseps
Ngày 17-11-1869, từ trên chiếc thuyền buồm lớn, hoàng hậu Hà Lan, hoàng đế Áo, đại công tước nước Nga, thái tử nước Phổ, các vị đại sứ, nguyên soái, những nhân vật nổi tiếng của làng áp-phe thế giới…, tất thảy 3.000 người, chứng kiến lễ khánh thành kênh đào Suez. Sau 15 năm thương thảo ngoại giao cật lực, cuối cùng một giấc mơ từ rất lâu đã trở thành hiện thực…
Số phận của Ferdinand de Lesseps cũng thật kỳ lạ. Ông sinh năm 1805 tại Versailles (Pháp), trong một gia đình làm nghề ngoại giao “cha truyền con nối”. Học trò xuất sắc, kỵ sĩ tài ba, Ferdinand de Lesseps trải qua thời thơ ấu giữa nước Ý - nơi cha ông đang làm việc - và nước Pháp quê nhà. Không phải kỹ sư, cũng chẳng phải nhà tài chính, không ai có thể nghĩ rằng đó sẽ là người thực hiện và thực hiện được công việc vĩ đại ấy - khơi thông con kênh đào - dù cho vì việc đó mà ông phải đi tới khắp nơi trên thế giới, từ New York (Mỹ), Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ), tới London (Anh) hay Alexandrie (Ai Cập)…
Giữa những năm 1820, theo lời khuyên của cha và chú, de Lesseps nhập học trường ngoại giao. Sau khi làm việc ở Lisbonne (Bồ Đào Nha), Tunis (Tunisie), Alger (Algerie)…, ông đảm trách vai trò lãnh sự Pháp tại Ai Cập. Đây là thời kỳ sẽ để lại ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời của ông sau này. Chính tại đây ông đọc được cuốn sách của kỹ sư Le Père gửi Hoàng đế Bonaparte nói về việc đào một con kênh băng qua dải đất Suez, một ý tưởng vốn “xưa như trái đất”, từng được các pharaon Ai Cập nhắc tới từ nhiều thế kỷ trước. Ông bị thu hút bởi ý tưởng có phần “rồ dại” này.
Năm 1849, sau một số sự kiện, Ferdinand de Lesseps từ bỏ nghiệp ngoại giao. Cũng trong thời gian này, ông kết hôn với Agathe Dalamalle, người sẽ sinh cho ông 5 đứa con trai. Chán nản, ông trở về trang trại của mình ở Indre, làm công việc đồng áng. Ông tận dụng thời gian ở đây nghiên cứu tỉ mỉ về dự án đào kênh Suez. Ông cũng gửi một bản tường trình về việc này tới phó vương Ai Cập nhưng không nhận được hồi âm…
Con kênh làm nên tên tuổi

Cảnh trên kênh đào Panama
Năm 1854, Said Pacha, người bạn cũ của ông chính thức lên ngôi phó vương Ai Cập. Được đón tiếp trọng thị ở Alexandrie, ông nói chuyện với vị hoàng thân trong nhiều ngày về con kênh đào. Ngày 30-11-1854, vị phó vương trao cho Ferdinand de Lesseps độc quyền thành lập, quản lý công ty đào kênh Suez và khai thác con kênh nối giữa hai biển này. Vấn đề còn lại là tìm nguồn tài chính và sự ủng hộ của các quốc gia liên quan.
Nhờ sự ủng hộ của phó vương Ai Cập, dự án được nhiều nhà tài chính lớn của châu Âu tham gia, như nhà quý tộc Rothschild, anh em Péreire… Phải nói rằng giới tài chính đã nhanh chóng nhận thức được lợi ích của con kênh: Không còn phải đi vòng qua Nam Phi nữa, con kênh sẽ góp phần làm tăng trưởng nền thương mại và kinh tế thế giới. Dự án làm kênh cũng thuyết phục được giới kỹ nghệ và các kỹ sư.
Với tài năng ngoại giao bẩm sinh, de Lesseps tìm mọi cách lôi kéo thật nhiều người ủng hộ mình. Để làm điều này, ông đi khắp nơi trình bày về dự án: Anh, Nga, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp… Trong 3 tuần lễ ở Anh, ông đã đi thuyết trình tại 13 thành phố. Ở New York (Mỹ), Wall Street và giới báo chí đón tiếp ông nhiệt tình. Con kênh không chỉ được coi như là biểu tượng của sự tiến bộ và của đầu óc khoa học thế giới vào cuối thế kỷ 19, mà còn hứa hẹn sẽ đem lại không ít lợi nhuận…
Ngược lại, công việc ngoại giao vấp phải không ít trở ngại. Lo ngại ảnh hưởng của Pháp, nước Anh tìm mọi cách “làm khó”. Ferdinand de Lesseps đã phải mất hơn 10 năm để đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1866. Lúc này Công ty Kênh đào Suez đã huy động được 200 triệu franc Pháp nhờ sự góp vốn của 15 nước - trong đó Ai Cập là cổ đông hàng đầu chiếm 44% tổng số vốn. Năm 1859, nhát cuốc đào kênh đầu tiên được bổ xuống.
Con kênh nhấn chìm tên tuổi
Ở tuổi 64, danh tiếng của Ferdinand de Lesseps lừng lẫy khắp thế giới. Tất cả các dự án lớn đều mời ông làm cố vấn, như dự án làm đường ngầm dưới biển Manche hay kênh đào Panama. Tuy không phải là người khởi xướng nhưng ông đã ủng hộ và tham gia hết mình vào dự án thứ hai này. Uy tín của de Lesseps đã giúp cho ông có thể áp đặt những giải pháp kỹ thuật mặc dù các nhà chuyên môn lại tỏ ra dè dặt. Năm 1880, ông được bầu làm chủ tịch Công ty Toàn cầu kênh đào Panama. Lại những chuyến đi khắp hành tinh, thuyết phục cổ đông góp vốn. ..
Kết quả là một thất bại nặng nề. Phải đối mặt với hàng núi khó khăn, thiệt hại ròng của công ty lên tới 1 tỷ franc. Để che giấu sự thực nhằm được phép huy động vốn thêm một lần nữa, de Lesseps đã để cho các cộng sự đáng ngờ của mình “bôi trơn” một cách hào phóng giới báo chí và nhà cầm quyền Pháp. Xì căng đan vỡ lở năm 1889. Ferdinand de Lesseps bị kết án 5 năm tù nhưng được miễn giảm do tuổi tác. Ông mất năm 1895 trong sự lãng quên….
Kênh đào Suez thuộc Ai Cập, dài 173 km, rộng 190m, sâu 20m, nối liền thành phố cảng Port-Said nằm trên biển Địa Trung Hải với thành phố Suez thuộc biển Hồng Hải. Việc nối liền 2 biển nói trên cho phép các con tàu đi từ châu Âu đến châu Á mà không cần phải vòng qua mũi Bonne-Espérance, Nam Phi. Trước khi có con kênh đào, hàng hóa phải trung chuyển trên mặt đất giữa biển Địa Trung Hải và Hồng Hải. Ước tính hàng năm có tới 15.000 tàu chở hàng đi qua kênh đào, chiếm 14% ngành vận tải biển thế giới. Kênh Suez là nguồn thu nhập tài chính quan trọng của Ai Cập. |
Bài 5: Azim Premji - “Bill Gate” châu Á
NGUYỄN VŨ (theo Les Echos)
Bài liên quan:
- Bài 1: Paul-Julius Reuter và hãng thông tấn xuyên lục địa
- Bài 2: Malcom McLean - Làm đảo lộn nền thương mại thế giới