Những người tiên phong của kỷ nguyên toàn cầu hóa

Bài 3: Cha đẻ của Lipton

Bài 3: Cha đẻ của Lipton

“Trà Lipton” là một cái tên gọi mà có lẽ tất cả những người yêu thích uống trà trên thế giới đều biết đến. Cha đẻ của nó chính là ông Thomas Lipton, người gốc Ireland.

  • Học cách kinh doanh hiện đại
Bài 3: Cha đẻ của Lipton ảnh 1

Thomas Lipton

Bài 3: Cha đẻ của Lipton ảnh 2
                 và trà Lipton

Thomas Lipton sinh năm 1850 tại Glasgow, xứ Scotland, nơi cha mẹ ông tới lập nghiệp sau cuộc khủng hoảng khoai tây trầm trọng ở quê nhà (1845-1848) khiến không ít kẻ lâm vào cảnh phá sản, phải rời bỏ quê hương cầu thực. Cha của Thomas làm việc cho một xưởng giấy, đến cuối những năm 1850 thì cùng với vợ mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Sau này Thomas Lipton cho hay, trong suốt sự nghiệp kinh doanh của ông, mẹ luôn là tấm gương đồng thời là một cố vấn tuyệt vời.

Mười tuổi, Thomas Lipton nghỉ học, bắt đầu những công việc vặt trong tiệm tạp hóa của gia đình, tại một xưởng in hay một tiệm may. Ngay từ lúc đó ông đã có ý thức tiết kiệm từng đồng shilling nhỏ “để kinh doanh về sau này”. Kinh doanh là niềm vui và tham vọng lớn nhất đời ông.

Năm 1865, ở tuổi 15, mặc dù cha mẹ hết lòng ngăn cản, Thomas Lipton vẫn lên tàu sang Mỹ. Cuộc sống ở miền đất mới không dễ dàng như người ta tưởng. Suốt bốn năm trời, cậu Thomas làm việc trong các đồn điền trồng thuốc lá, trồng lúa, bán hàng… trên khắp nước Mỹ và cuối cùng thì tìm được một chân trong một cửa hàng lớn ở New York. Đây là quãng thời gian có tính chất quyết định đối với cuộc đời của Lipton. Chính tại New York, Thomas đã học được những cách thức bán hàng hiện đại: vào cửa tự do, giá bán niêm yết, hàng hóa trưng bày bài bản, quảng cáo mạnh mẽ… Những gì trông thấy thực sự gây ấn tượng mạnh với Thomas. Cậu quyết định trở về Scotland giúp đỡ cha mẹ phát triển kinh doanh. Đó là vào năm 1869…

Tại quê nhà, sau hai năm giúp cha chuyển đổi từ cách bán hàng cũ sang kinh doanh “theo kiểu Mỹ” nhưng  không thành, Thomas Lipton quyết định mở cửa hàng riêng. Đó là cửa hàng đầu tiên, mở đầu cho chuỗi 300 cửa hàng mà ông sẽ tạo dựng trong 20 năm kế tiếp, thoạt đầu là ở Glasgow, sau đó lan ra khắp Scotland, rồi đến các thành phố lớn trên toàn nước Anh. Áp dụng “bài bản” đã học được ở New York , ông chủ trẻ không nề hà bất cứ việc gì để có thể lôi kéo khách hàng đến đông đảo. Tin tức về một cửa hàng sắp khai trương luôn được loan báo “ầm ĩ” (kể cả việc trưng bày một bánh phô mai khổng lồ cần tới sữa của 800 con bò, vắt trong suốt 6 ngày!). Thomas Lipton cũng không ngần ngại mời đến cả những họa sĩ thiết kế tài năng nhất để quảng bá cho thương hiệu của mình. Quảng cáo đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt sự nghiệp kinh doanh của Lipton.

  • Tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới

Vào cuối những năm 1880, Thomas Lipton trở thành một người rất giàu có. Nhưng ông chỉ biết có làm việc và làm việc. Năm 1871 ông lập gia đình, sinh một đứa con, rồi chia tay với vợ hai năm sau đó. Sau khi mẹ ông mất vào năm 1889, Thomas Lipton về sống ở London trong một ngôi nhà lớn. Là “nhà giàu mới nổi”, ông không được giới thượng lưu Anh “nhìn nhận”. Chuyện này sẽ xảy đến muộn hơn…

Kể từ khi tiệm bán hàng đầu tiên mở cửa, trong suốt 20 năm, Thomas Lipton luôn để tâm tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới. Có một sản phẩm thu hút sự chú ý của ông từ lâu, đó là trà. Biểu tượng của “lối sống Anh”, trà trước hết là một thức uống đắt giá, chỉ dành cho tầng lớp khá giả. Làm cho trà đến được với quảng đại quần chúng, đó là mục tiêu của Thomas Lipton. Năm 1889, bỏ qua các nhà trung gian thường lệ, ông nhập trực tiếp một lượng trà lớn từ Ấn Độ và cho bán với giá phải chăng trong các cửa hàng của mình.

Thành công lớn không ngờ. Năm tiếp theo, ông nhập trà Ceylan, nơi trước đó ông đã mua lại nhiều đồn điền cà phê với giá rẻ để chuyển sang trồng trà. Điều này cho phép Thomas Lipton kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất trà, từ khâu thu hoạch tới khâu chế biến rồi phân phối. Năm 1893, toàn bộ các hoạt động này được tập hợp lại trong hãng trà Thomas J. Lipton Co. Được đóng gói thành từng bao nhỏ, trà Lipton nhanh chóng được bày bán trong 300 cửa hiệu của Lipton, rồi trong tất cả các cửa hàng của nước Anh với giá phải chăng, dưới khẩu hiệu đã trở thành nổi tiếng “Từ vườn trà tới thẳng ấm trà”. Danh tiếng trà Lipton nổi như cồn.

  • Chiếm lĩnh thị trường mới

Ngay từ những năm 1890, Thomas Lipton đã tiến hành khảo sát thị trường nước Mỹ, bắt đầu từ các thành phố lớn nằm trên bờ biển miền Đông. Không chỉ có trà, “vương quốc Lipton” mở rộng sang cả các đồn điền cà phê, ca cao, trái cây, các loại gia vị hương liệu, các cửa hàng rượu, các nhà máy chế biến thịt, làm bánh… Với “tam giác” Anh - Mỹ - Ấn Độ, sau đó là Pháp, có thể coi Thomas J. Lipton Co. là một trong những hãng thực phẩm xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới. Đấy cũng là một trong những công ty thực phẩm đầu tiên bao gồm đầy đủ các khâu của một dây chuyền kinh doanh, từ sản xuất tới phân phối. Nữ hoàng Anh Victoria đã chọn Lipton là nhà cung cấp trà chính thức của hoàng gia và phong tặng Thomas Lipton tước quý tộc năm 1898…

Thương hiệu Lipton giờ đây thuộc về hãng Unilever. Còn người khai sinh ra nó đã mất năm 1931. Cho tới tận giờ đây, trà Lipton vẫn là một trong những thương hiệu trà được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới: 52 tỷ tách mỗi năm, tức 1.649 tách mỗi giây đồng hồ….

 NGUYỄN VŨ (theo Les Echos)


Bài 1: Paul-Julius Reuter và hãng thông tấn xuyên lục địa
Bài 2: Malcom McLean - Làm đảo lộn nền thương mại thế giới
Bài 4: Ferdinand de Lesseps và hai con kênh đào

Tin cùng chuyên mục