Hậu trường chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ

Bài 4: Tiểu xảo tranh cử

Bài 4: Tiểu xảo tranh cử

Trong mùa vận động tranh cử, sẽ là không bình thường cho ứng cử viên nào không nói xấu đối phương (đối thủ đảng đối lập hoặc cả đối thủ trong cùng đảng tham gia giành tư cách đại diện). Người ta gọi đó là negative campaigning - chiến dịch thực hiện nhằm làm mất tư cách và uy tín đối thủ.

Từ vu khống đến bôi bẩn

Negative campaigning không là sản phẩm hiện đại. Ứng cử viên Thomas Jefferson từng bị buộc tội hèn nhát thời Cách mạng Mỹ, lừa phỉnh một bà góa để chiếm tài sản thừa kế và có vô số thói hư tật xấu.

Trong chiến dịch tranh cử 1884, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland bị buộc tội có con hoang. Và trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, không kỳ tranh cử nào xuất hiện nhiều thủ đoạn bẩn bằng mùa tranh cử 1972 giữa đại diện Cộng hòa Richard Nixon và các ứng cử viên Dân chủ.

Bài 4: Tiểu xảo tranh cử ảnh 1

Nixon trong chiến dịch vận động tại Pennsylvania
năm 1968

Đầu mùa tranh cử 1972, một trong những gương mặt Dân chủ được xem có khả năng thắng trước ứng cử viên - tái tranh cử Richard Nixon là Thượng nghị sĩ Edmund Muskie.

Trước cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire ngày 7-3-1972, thăm dò cho thấy Muskie có thể giành 65% phiếu. Tuy nhiên, cuối cùng Muskie chỉ đạt 47%. Thất bại trên là kết quả của một kịch bản ném đá giấu tay do bộ máy vận động tranh cử Nixon thực hiện.

Một tuần trước ngày bầu cử sơ bộ New Hampshire, chủ bút William Loeb của tờ Manchester Union Leader cho in ảnh một bức thư gửi mình, mang nội dung rằng Muskie từng dùng nhiều thủ đoạn chèn ép cộng đồng cư dân Mỹ gốc Canada - Pháp.

Cạnh ảnh bức thư là bài “xã luận” ký tên Loeb, lên án việc Muskie gọi cộng đồng Canada - Pháp là “Canuck” (người Canada gốc Pháp - từ hàm ý khinh thị). Hôm sau, Loeb trích đăng lại một bài viết từ Newsweek trong đó có đoạn kể rằng vợ Muskie từng đùa bỡn không đứng đắn với các phóng viên.

7 tháng sau, Washington Post phát hiện rằng “bức thư Canuck” là do chính tùy viên Nhà Trắng Kenneth Clawason (nguyên phóng viên Washington Post) viết và bí mật đưa cho Loeb. Và “bức thư Canuck” chỉ là một tiểu xảo trong vô số trò bẩn mà bộ máy vận động tái tranh cử Nixon thực hiện trong mùa 1972.

Sau vụ bức thư, báo chí còn làm rùm beng vụ “có nhiều cử tri cho biết họ nhận được điện thoại vào nửa đêm với yêu cầu bỏ phiếu cho Muskie”. Một lần nữa, điều này cũng là trò vu khống nhằm khủng bố tinh thần đối thủ.

Chiến dịch “truy sát” Muskie tiếp tục tiến hành tại vòng bầu cử sơ bộ Florida. Ba ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ Florida, người ta bỗng thấy xuất hiện loạt thư, từ “văn phòng Các công dân vì Muskie” (một tổ chức thuộc bộ máy tranh cử của Muskie), gửi đến nhiều tổ chức chính trị khác thuộc Dân chủ, với nội dung rằng Hubert Humphrey (một ứng cử viên khác của Dân chủ) từng xộ khám tội lái xe khi say rượu vào năm 1967 (trong xe, còn có một ả gái gọi - lá thư viết!).

Lần này, tác giả bức thư dỏm là Donald Segretti thuộc bộ sậu của đổng lý văn phòng Nhà Trắng H. R. Haldeman. Ngoài ra, Segretti còn cho dán poster bêu xấu Muskie trên các trụ điện thoại và cây trên suốt xa lộ Florida.

Và bẩn hơn, trong một cuộc họp báo của Muskie, Segretti còn cho tung ra đàn chuột được cài dải băng ghi hàng chữ “Muskie là tên mạt hạng chuột cống”!

Khoảng một năm sau, ngày 3-10-1973, Ủy ban thượng viện về các hoạt động chiến dịch tranh cử tổng thống kết luận rằng tất cả trò đểu nhằm vào Muskie hoặc các ứng cử viên Dân chủ khác trong mùa tranh cử 1972 đều là công trình của Donald Segretti - một luật sư được trả 16.000 USD/năm bằng một kênh bí mật từ Nhà Trắng nhằm thực hiện trò bẩn cốt gây mâu thuẫn trong nội bộ Dân chủ. Segretti bị xử 6 tháng tù.

Mặt trái chiến dịch tranh cử

Mùa 1972 đúng là bằng chứng rõ nhất của mặt trái chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Song song thực hiện chà đạp đối phương, bộ máy tái tranh cử cũng “phấn son lòe loẹt” cho Nixon, trong mùa vận động mà bối cảnh chính trị có nhiều bất lợi cho Nixon (đặc biệt cuộc chiến Việt Nam).

Những chuyển động chính sách của Nixon trong mùa tranh cử đều là kịch bản soạn kỹ, trong đó có chuyến kinh lý Trung Quốc và “sứ mạng hòa bình” sang Liên Xô. Với thủ thuật vừa đấm vừa xoa trong chính sách với phe cộng sản, ngày 8-5, Nixon ra lệnh đánh phá cảng Hải Phòng.

Một tuần sau, tờ New York Times chỉ trích mạnh hành động quân sự nhằm vào Bắc Việt Nam. Một tuần sau nữa, trên một trang quảng cáo New York Times, người ta thấy có mẩu quảng cáo đề tựa “Công chúng chống lại New York Times” cùng thông tin rằng các cuộc thăm dò cho thấy dân Mỹ hoàn toàn ủng hộ việc Nixon nặng tay với Bắc Việt. Mẩu quảng cáo được ký với tên của “14 công dân Mỹ”.

Sau này, người ta phát hiện rằng phân nửa trong 14 công dân kia là thân nhân hoặc bằng hữu của những người làm việc trong bộ máy vận động tranh cử Nixon. Ngày 26-4-1973 (vài tháng sau khi Nixon tái đắc cử), Washington Post lại tiết lộ rằng Ủy ban tái tranh cử tổng thống (CRP) của Nixon cũng từng gửi 2.000 - 4.000 phiếu thăm dò đến một đài truyền hình Washington nhằm làm ảnh hưởng tỷ lệ thăm dò ủng hộ công chúng trong sự kiện Hải Phòng.

Nếu cần kể thêm trò láu cá nào nữa của Nixon, có lẽ không thể không nhắc đến Đạo luật chiến dịch bầu cử liên bang (FECA), được Nixon chuẩn y ngày 7-2-1972, ngay thời điểm bước vào mùa tranh cử. FECA hạn chế tiền dùng cho chiến dịch quảng cáo truyền thông.

Tuy nhiên, trước đó, năm 1971, bộ sậu Nixon đã quyết định không thuê công ty quảng cáo chuyên nghiệp thực hiện chiến dịch cho mình mà tự thành lập nhóm riêng, gọi là Nhóm tháng 11 (November Group - tháng 11 chỉ thời điểm tổng tuyển cử).

Chính Nhóm tháng 11 là nơi tung chiến dịch “làm đẹp” Nixon ở vụ “đi Trung Quốc” và sau đó là “đi Liên Xô”, tạo ra hình ảnh một chiến sĩ vì hòa bình thế giới với nỗ lực hàn gắn quan hệ Đông-Tây thời chiến tranh lạnh…

Bài 5: Bóng dáng trùm tài phiệt

Phúc cẩm

Thông tin liên quan

 Bài 1: “Bắn” chậm thì chết!
Bài 2: Kỹ nghệ tiếp thị ứng viên tổng thống
Bài 3: Áo thun, mũ, cà vạt… cũng tham gia tranh cử!

Tin cùng chuyên mục