Hồi ký của nhân vật số một ngành tình báo Đông Đức

Bài 5: Điệp viên nguyên tử

 
Bài 5: Điệp viên nguyên tử

Một trong những điệp viên khiến tôi khâm phục nhất trong suốt cuộc đời hoạt động của mình chính là Claus Fuchs, nhà vật lý nổi tiếng thường được nói đến với tư cách một gián điệp về nguyên tử lớn nhất, người đã từng tham gia vào việc chế tạo bom nguyên tử tại Los Alamos và thông báo cho Liên Xô về các giai đoạn phát triển của nó. Ông cũng là nhân chứng của vụ nổ khổng lồ vào ngày 16-7-1945, khi cột nấm của bom nguyên tử tượng trưng cho sự hủy diệt khủng khiếp bốc lên trên sa mạc Arizona.

  • Trách nhiệm của lương tâm

Từ lâu tôi đã quan tâm đến việc Fuchs, người sống tại Dresden với tư cách một nhà bác học được công nhận và thành viên của Ủy ban Trung ương của Đảng XHCN thống nhất Đức ngay sau khi được thả khỏi nhà tù của Anh vào năm 1959. Tôi không thể nào chịu được với ý nghĩ cho rằng con người với chặng đường đời khác thường như vậy lại có thể mang theo kinh nghiệm hoạt động xuống mồ mà không nói với ai. Chỉ vài năm trước khi ông mất, tôi mới có thể thuyết phục ông phá vỡ sự im lặng.

Bài 5: Điệp viên nguyên tử ảnh 1

Một cuốn sách về điệp viên nguyên tử Claus Fuchs

Với cách ăn nói cùng cử chỉ của mình, Claus Fuchs hoàn toàn không phù hợp với những quan niệm về một điệp viên thành công trong sự nghiệp. Vầng trán cao, đôi mắt chăm chú nhìn thận trọng sau cặp kính không gọng chỉ thuyết phục người ta về cảm tưởng đây là một nhà bác học điển hình. Đó chính là ấn tượng mà ông tạo được ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cặp mắt của ông chỉ bắt đầu sáng lên khi nói về thuyết lượng tử hay về những tính toán về mặt toán học của các dao động trong quá trình nổ bom plutonium. Ông quả thật là một nhà nghiên cứu đến tận xương tủy.

Fuchs đã đem kiến thức và khả năng của mình để phục vụ Liên Xô do chỉ ở đây họ mới nhìn thấy khả năng chiến thắng “đế chế thứ ba” và đóng góp sự giúp đỡ quyết định cho Liên Xô và các đồng minh trong Đại chiến Thế giới hai.

Theo ngôn ngữ nghề nghiệp của chúng tôi thì những người hoạt động tình báo vì lý tưởng và những niềm tin chính trị sâu sắc không phải gọi là gián điệp mà gọi là chiến sĩ tình báo. Đối với tôi, Fuchs là một chiến sĩ tình báo thực sự mặc dù ông không được đào tạo đặc biệt, hầu như không có chút kinh nghiệm và tất nhiên là không được rèn luyện cần thiết cho công việc khó khăn này. Khi còn là sinh viên, Fuchs đã tiếp cận với phong trào cộng sản và sau năm 1933 ông đã ra nước ngoài rồi nhận được học vị bác học tại Edinburg.

Vào năm 1941, qua người bạn của mình là nhà bác học về kinh tế Yurgen Kuchinski, ông bắt liên lạc được với cơ quan tình báo quân sự của Liên Xô - GRU. Với tư cách một công dân Anh, từ năm 1943 đến 1946 ông có mặt trong đoàn đại biểu tham gia vào nghiên cứu dự án Manhatta tại Mỹ dưới sự chỉ đạo của Robert Oppenheimer.

Vào thời gian đó, khi những người cha đẻ của bom nguyên tử còn được tung hô như những anh hùng trước khi bom được ném xuống Nhật Bản, Fuchs đã hiểu rằng, loại vũ khí này chính là phương tiện đe dọa trong tay những kẻ hiếu chiến chống cộng, những kẻ đã coi Liên Xô không phải là đồng minh mà là một kẻ thù tiềm năng.

Fuchs nói: “Tôi không bao giờ coi mình là một gián điệp. Tôi chỉ không thể hiểu được vì sao phương Tây lại không thể chia sẻ kiến thức về bom nguyên tử với Moscow. Tôi cho rằng, các cường quốc cần phải công bằng trong việc sở hữu loại vũ khí hủy diệt này. Tôi chưa bao giờ coi mình là có tội khi cung cấp cho Moscow những tài liệu mật. Nếu như tôi không làm điều này thì đó mới chính là một sai lầm không thể tha thứ ”.

Fuchs nói rất dè dặt về sự tham gia của cá nhân mình trong việc sản xuất bom nguyên tử của Nga. Chỉ bốn mươi năm đã qua kể từ vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô tại vùng thảo nguyên Kazakhstan ngày 29-8-1949, các nhà bác học Xô Viết mới thừa nhận là nếu không có thông tin của Claus Fuchs thì sự độc quyền của Mỹ về vũ khí nguyên tử không thể bị phá vỡ nhanh đến như vậy.

  • Lộ diện vì không quen dối bạn

Hầu như không thể tin được phương pháp giản đơn mà Fuchs đã dùng để trao thông tin của mình. Trong thời gian làm việc ở Anh, người có cảm tình nhất trong số những liên lạc viên của ông là Ruth Verner. Thường thì Fuchs và Ruth đạp xe vào trong rừng và tại đây nhà vật lý trao tay cho cô thông tin được viết trên giấy.

Sau khi trở về từ Mỹ, Fuchs làm việc tại Viện Nghiên cứu về vật lý nguyên tử của Anh tại Charuell với tư cách lãnh đạo bộ phận vật lý lý thuyết trước khi bị bắt vào năm 1950. Bắt đầu từ sự phản bội của một nhân viên mật mã của GRU tại Canada mùa thu năm 1945, phương Tây đã tổ chức một loạt các vụ bắt bớ.

Sau vụ bắt nhà vật lý nguyên tử Anh là Allan Nunn May, đến lượt Ethel và Julius Rosenberg bị bắt vào mùa hè năm 1949. Hai vợ chồng này đã bị xử tử trên ghế điện vào tháng 7-1953 sau khi Tổng thống Eisenhower hai lần khước từ ân xá. Giữa những mốc thời gian này là vụ bắt Claus Fuchs đầu năm 1950.

Trong các cuộc hỏi cung, nhân viên mật vụ Anh không phát hiện được chút sơ hở nào của Fuchs và họ đã muốn xóa bỏ hết nghi ngờ về ông cho đến khi người bạn là phó giám đốc viện nghiên cứu tại Charuell trực tiếp hỏi.

Do không quen nói dối bạn bè nên ông có những thái độ dao động và điều này đã khiến ông bị lộ chân tướng. Tôi cho rằng đây là một nước cờ đặc biệt mà nhân viên mật vụ Anh đã làm khi nhận thấy không thể đạt được gì ở Fuchs bằng các biện pháp thông thường. Vì chân thật trong tình bạn mà ông phải nhận án 14 năm tù, trong đó phải ngồi mất 9 năm trước khi được thả. 

LINH NGA tổng hợp

Thông tin liên quan

Bài 4: Đối đầu trên mặt trận phản gián 

Bài 3: “Quặng” thông tin từ quê nhà

Bài 2: Những cú sốc

Bài 1: Cài người vào nước Mỹ

Tin cùng chuyên mục