Hồi ký của nhân vật số một ngành tình báo Đông Đức

Bài 2: Những cú sốc

Bài 2: Những cú sốc

Cuối những năm 1970, sự cộng tác chặt chẽ giữa Cơ quan bảo vệ hiến pháp của Tây Đức với FBI đã dẫn đến việc phổ biến điều khoản “Registration” làm ảnh hưởng lớn tới mạng lưới điệp viên của chúng tôi ở phía bờ bên kia Đại Tây Dương. Đòn nặng nề hơn cả đối với chúng tôi chính là vụ phát hiện và bắt giữ Eberkhard Luttis (mật danh là Brest), kẻ sau khi bị bắt đã khai báo cho phương Tây tất cả những gì mà hắn biết.

  • Phản bội của điệp viên Brest
Bài 2: Những cú sốc ảnh 1

Markus Wolf và bà vợ Andrea Stingl tại Berlin vào đầu năm 2006

Luttis là một trong số không nhiều sĩ quan của Bộ An ninh mà chúng tôi đã lựa chọn để hoạt động bí mật và đã được đào tạo đặc biệt. Với tên gọi và tiểu sử được nghĩ ra cho phù hợp, chúng tôi đã cử hắn sang Tây Đức vào năm 1972. Tại Hamburg, hắn vào làm việc tại một hãng vận chuyển quốc tế và chẳng bao lâu có được cương vị lãnh đạo tại chi nhánh ở New York. Đặc điểm công việc đã giúp hắn khai thác cho chúng tôi những thông tin cần thiết về việc vận chuyển vũ khí trang thiết bị và di chuyển đơn vị quân đội của Mỹ. Đồng thời, hắn cũng bắt tay vào việc tuyển mộ và chỉ đạo các điệp viên mới.

Sau khi bị cảnh sát Hamburg bắt vào cuối năm 1979, Luttis không những khai báo chi tiết về phương pháp hoạt động mà còn cả cách liên lạc chính của chúng tôi. Luttis cũng khai ra cả liên lạc viên của mình và người này cũng bị bắt ngay lập tức. Chỉ hai năm sau, chúng tôi mới có thể giải cứu cho người này bằng việc trao đổi các điệp viên của phương Tây. Sau vụ này, chúng tôi cũng buộc phải rút dần khỏi Mỹ tất cả những điệp viên bí mật đã được hợp pháp hóa, trong số đó có cả một sĩ quan và một cặp vợ chồng bác học.
 
Sau những tổn thất nặng nề từ sự phản bội của Luttis, chúng tôi đã không thể định cư người thêm tại Mỹ được nữa. Những cố gắng nhằm đền bù lại tổn thất đều thất bại ngay từ đầu. Việc áp dụng phương pháp kết hôn trong phần lớn các trường hợp đều cực kỳ khó khăn. Trường hợp đàn ông độc thân nhờ lấy vợ để có được giấy tờ cần thiết ở Mỹ lại phức tạp hơn nhiều so với ở Tây Đức. Chúng tôi phải công nhận là phương pháp “truy lùng theo mạng lưới” của FBI hiệu quả đến nỗi các nhân viên được chúng tôi đưa vào Mỹ đều phải chịu độ mạo hiểm rất cao. Các bộ phận của chúng tôi tại Washington và tại LHQ ở NewYork thường có đặc điểm chung là có chi phí quá cao trong bố trí nhân lực và giấy tờ trong khi lại hoạt động kém hiệu quả. Chúng tôi biết chắc rằng họ luôn nằm dưới sự theo dõi nghiêm ngặt của FBI. Thực tế đã khẳng định là các bộ phận này cũng bị xoi mói không kém chút nào so với của phía Liên Xô.

  • Vị giáo sư ngờ nghệch

Markus Wolf đã vài lần phải ra đứng trước tòa vì những hoạt động phục vụ chính quyền cộng sản trong quá khứ. Tuy nhiên, Markus Wolf kiên quyết không khai một lời nào về các điệp viên nổi tiếng của mình. Markus còn “cảnh báo” lại những người xét xử: nếu họ không chịu để những đồng nghiệp cũ của ông được yên, ông sẽ “buộc phải nhớ lại những điều mà những người chiến thắng không hề muốn!”.

Có những trường hợp bản thân những người có thông tin bí mật lại vượt qua được mạng lưới phản gián Mỹ để tự mình đến đề nghị hợp tác thông qua Đại sứ quán CHDC Đức. Vào đầu những năm 1980, xuất hiện một nhân vật muốn bán thông tin bí mật về tàu ngầm nguyên tử. Qua đánh giá ban đầu thì đây là một tài liệu hoàn hảo và người của chúng tôi đã ấn định cuộc gặp gỡ với anh ta tại Mexico, nơi giáo sư Sea của Trường Đại học Kỹ thuật Dresden sẽ đến tham dự một hội nghị với tư cách chuyên gia. Toàn bộ kế hoạch đã được tiến hành hết sức cẩn thận.

Tuy nhiên, giáo sư Sea đã tận dụng chuyến đi này, trên đường trở về từ Mexico lại ghé lại thăm một hội nghị khoa học tại Boston vào đầu tháng 11-1983. Điều này tất nhiên là nằm ngoài kế hoạch của chúng tôi và ông ta đã bất ngờ bị bắt tại đây. Nhân viên của tôi thề thốt rằng họ đã cương quyết cấm Sea tới nước Mỹ. Không biết vì tính cẩu thả hay tính phiêu dật xa rời thực tế mà nhà bác học này đã bỏ qua tất cả những lời cảnh báo của chúng tôi. Và kế hoạch được chuẩn bị hết sức cẩn thận nhằm đề nghị điệp viên nước đôi nói trên cộng tác cuối cùng lại biến thành một màn kịch ầm ĩ chống lại chúng tôi. FBI tỏ vẻ hoan hỉ còn các phương tiện truyền thông đại chúng của Mỹ lại làm rùm beng một cách giận dữ lên rằng, Đông Đức điềm nhiên hoạt động gián điệp trong khi bộ trưởng ngoại giao nước này đang cố gắng thúc đẩy những mối quan hệ tốt và Chủ tịch hội đồng quốc gia cũng đang muốn có được lời mời đến thăm Mỹ.

Luật sư Fogel đã tìm kiếm tất cả những khả năng nhằm cứu nguy cho vị giáo sư đại học ngờ nghệch trong khi chúng tôi cũng nhận được lệnh phải giúp đỡ tối đa bằng mọi giá cho luật sư trong vụ này. Sau nửa năm, chúng tôi được biết giáo sư Sea có thể được trả tự do với số tiền chuộc 1 triệu USD. Khi dường như tất cả đã được sắp xếp và các nhân vật để trao đổi cũng đã được chuẩn bị - 23 tên gián điệp phương Tây và tên phản động Sharanski để đổi lấy một người Bulgari, một nhân viên tình báo trẻ của Ba Lan, một nữ công dân CHDC Đức làm việc trong các cơ quan của Liên Xô và vị giáo sư của chúng ta - thì đột nhiên chúng tôi được biết vị giáo sư này đã nghĩ lại và quyết định ở lại nước Mỹ. Hai tuần sau, ông ta lại đổi ý và muốn được trao đổi. Vụ trao đổi được diễn ra trên cầu Glinicle và tất nhiên nó lôi kéo sự chú ý rầm rộ của báo chí và truyền hình.

Bài 3: “Quặng” thông tin từ quê nhà

LINH NGA tổng hợp

-----------------
Bài 1: Cài người vào nước Mỹ

Tin cùng chuyên mục