Có lẽ sự nhận định về nền giáo dục của chúng ta hiện nay chứa đựng nhiều bất cập và nguy hiểm hơn là ngày càng tụt hậu quả là không sai. Theo tôi, cái gốc rễ mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được, chính là quan hệ thầy - trò, bởi quan hệ này tạo nên cách dạy - cách học; tạo nên tư duy linh hoạt, sáng tạo hay thụ động, máy móc; tạo nên con người mới hay là lỗi thời, lạc hậu.
Lối dạy thầy đọc - trò chép hiện vẫn còn phổ biến ở nhiều cấp học. Ngay từ tiểu học, trung học thì kiểu dạy học này vẫn là “cơ bản, chủ yếu”, thầy cô yêu cầu các em học thuộc lòng một bài thơ, thậm chí bài văn cho đến khi các em thuộc làu làu nhưng vẫn không hiểu gì hết. Đến bậc cao đẳng, đại học thì sinh viên trở thành những “máy chép, máy học” cực kỳ hiệu quả. Chuyện học đại học mà phải ghi chép trong một buổi từ 8 - 10 trang giấy không còn là chuyện lạ, vậy thì làm gì có thời gian để phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học? Điều này dẫn đến những hiện tượng học sinh, sinh viên bị điểm 0 vì “em không thuộc chữ cái đầu dòng của bài văn, bài thơ…”. Rồi cả hiện tượng học sinh đưa nhân vật lịch sử thời phong kiến sang thời hiện đại, đưa tác giả này vào tác phẩm khác... Chúng ta cần giúp người học cách học chứ không phải là học nhiều hay học ít.
Không gian tâm lý thầy - trò quá lớn. Học sinh phàn nàn về chuyện giáo viên không thân thiện, nghiêm khắc đến mức thái quá, dẫn đến một bộ phận học sinh cứ sợ thầy (cô) mỗi khi thầy lên lớp. Xây dựng trường học thân thiện, thầy cô mẫu mực là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên hiện tượng một số thầy cô giáo lại đối xử với học trò theo kiểu thời cổ - lấy người thầy làm trung tâm thì sự liên hệ ngược cũng khó mà phát huy được. Chúng ta khuyến khích học sinh truy bài giáo viên, nhằm phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của học trò thì cách dạy kiểu gia trưởng, áp đặt, ám thị này sẽ không thể khơi dậy được tiềm năng học trò. Hiện tượng học sinh ngày đầu đến trường tiểu học đã bị cô giáo phạt đứng úp mặt vào tường nên sợ quá, hôm sau không dám đến lớp, không thích đi học, vẫn luôn xảy ra ở đầu năm học; rồi cô giáo dùng băng keo dán miệng học trò…
Hiện tượng thầy giáo có những hành động tùy tiện trên bục giảng, cá mè một lứa trong quan hệ với học trò không còn là chuyện hiếm, từ việc phát ngôn (tao - mày) đến chuyện nói tục, chửi thề đã dẫn đến trò không ra đạo trò, thầy không ra đạo thầy. Cho dù ở đối tượng nào đi chăng nữa thì việc dạy chữ đi đôi với dạy người cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, chẳng lẽ những người trưởng thành, lớn tuổi không cần phải giáo dục?
Đổi mới giáo dục là rất cần thiết, gồm nhiều bước, nhiều khâu, nhưng để xác định và thực hiện các mục tiêu cụ thể cần phải bám sát những nguyên tắc trong giáo dục, phải nhằm hình thành ở người học kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng, phát triển trí tuệ và những phẩm chất nhân cách cần thiết khác. Điều này, trước hết cần gỡ rối từ cách quan hệ thầy - trò trên nhiều phương diện trong môi trường học đường.
Th.S NGUYỄN VĂN CÔNG