Thêm một khóa sinh viên (SV) vừa tốt nghiệp đại học (ĐH) trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, khó tìm được việc làm. Thế nhưng nhiều SV các tỉnh về TPHCM trọ học, khi tốt nghiệp vẫn muốn bám trụ lại TPHCM lập nghiệp. Họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Tốt nghiệp ĐH làm lao động phổ thông
Chị Trịnh Thị Huyền, quê Nghệ An, tốt nghiệp ĐH 2 năm vẫn chưa tìm được việc làm ở TPHCM. Chị cho hay ở quê không dễ xin được việc làm. Hơn 4 tháng nay, không ngày nào chị không viết hồ sơ, chạy đi nộp hồ sơ ở bất kỳ phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc nào chị nhìn thấy trên đường đi. Rồi lại trở về và chờ đợi. Để kiếm tiền ăn, tiền trọ, sinh hoạt phí hàng tháng, chị chấp nhận xếp xó tấm bằng ĐH, đi phụ quán cơm, phục vụ quán cà phê với mức lương chưa tới 8.000 đồng/giờ.
Nhiều lúc cực quá, chị tính về lại quê. Mà về quê khi không có việc làm thì phụ lòng cha mẹ nuôi ăn học, đồng nghĩa với thất bại. Nghĩ vậy nên chị ráng bám trụ lại TPHCM. 3 - 4 tháng trôi qua, vẫn không có dấu hiệu gì khả quan. Hàng ngày chị vẫn phải đi phụ bán bánh mì từ 5 giờ sáng. Rồi mới đây, không còn đủ kiên nhẫn và đã hết hy vọng, chị Huyền mới quyết định về quê.
Có rất nhiều SV ra trường đã gặp tình cảnh như vậy. Rất nhiều cử nhân mới ra trường đều đắn đo suy nghĩ: “Về quê hay trụ lại TPHCM”. Nhưng rồi đa phần đều chọn bám trụ lại TPHCM. Chị Tâm Anh, cử nhân ngành tài chính - kế toán thở dài: “Mẹ tôi ở quê đang hối thúc về xin việc. Về quê xin việc cũng hay, có chỗ ăn ở ổn định, có cuộc sống ít bon chen hơn chốn thị thành. Hơn nữa, về quê sẽ được sống gần và chăm sóc ba mẹ. Nhưng trải qua 4 năm ĐH, đã quen với nhịp sống và lối sinh hoạt ở đô thị, tôi luôn khát khao và muốn thử sức mình ở một công ty đúng với chuyên ngành đã học”. Không rõ bao giờ giấc mơ của chị mới thành sự thật…
Chị Phương Thùy, cử nhân kinh tế, cũng từng trải những ngày gian nan tìm việc. Thậm chí, có lúc chị còn phải xếp lại tấm bằng ĐH để xin vào làm công nhân may. Chị kể: “Xin vào làm công nhân mà nói mình tốt nghiệp ĐH rồi, người ta không nhận đâu”. Bây giờ, chị đã có công việc ổn định, làm kế toán cho một công ty thực phẩm, lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Nhưng rồi chi phí tiền nhà trọ, tiền ăn uống, xăng xe, giao tiếp… với mức giá cả đắt đỏ ở TPHCM, nhận lương xong cũng hết vèo. Vậy nên trong khi bạn bè ở quê đã có con bồng con bế thì chị vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Ít cơ hội
Bám trụ lại TPHCM với gánh nặng về chi phí ăn ở, sinh hoạt đắt đỏ, lại không có người thân quen hỗ trợ, nên những người mới tốt nghiệp ĐH phải bươn chải tìm chỗ làm tạm để có thu nhập, chống chọi qua ngày trước khi có được chỗ làm ổn định. Vì chưa có kinh nghiệm, không người đỡ đầu, nên họ rất khó tìm cho mình một công việc theo đúng ngành học. Để bám trụ lại TP, nhiều người buộc lòng phải làm các công việc lao động giản đơn như: tạp vụ, phục vụ quán ăn, phát tờ rơi, bán hàng…
Tuy gian khó như vậy, quyết định tiếp tục bám trụ lại TPHCM lập nghiệp vẫn luôn tồn tại trong suy nghĩ của rất nhiều tân cử nhân. Bởi có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến nhiều người chê việc làm ở quê: điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng ở quê còn khó khăn, nghèo nàn; tiền lương thấp; khó có “đất dụng võ” nên e không có cơ hội thăng tiến và không phát huy được năng lực bản thân. Quan trọng hơn, nhiều bạn đã quen với cuộc sống năng động nhộn nhịp và hiện đại ở TPHCM, nên không muốn trở về sống ở quê nhà.
Phụ huynh luôn muốn con cái khi học ra trường sẽ về quê làm và sống gần mình. Thế nhưng, con đường này lại không được nhiều người lựa chọn. Số người tốt nghiệp ĐH trụ lại TPHCM làm việc vẫn tăng dần theo từng năm. TPHCM luôn là nơi thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực từ các tỉnh. Điều này góp sức cho sự phát triển năng động của TPHCM, nhưng đồng thời cũng gây nhiều bất cập đối với tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội do tăng dân cơ học.
Bám trụ lại TPHCM không hẳn có thể thành công; về quê tìm việc cũng không hẳn là tương lai sẽ mờ mịt. Thực tế có rất nhiều người ra trường bám trụ lại TPHCM lập nghiệp đã thực hiện được mơ ước của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ cố gắng bám trụ mà bản thân không có năng lực, sẽ rất khó để tồn tại ở TP năng động bậc nhất cả nước này.
KIỀU MY - HOÀI BÃO