LTS: Kinh tế khó khăn, giá cả lạm phát, lương thấp, tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng là bối cảnh chung của các nước phát triển hiện nay. Nhưng những tập đoàn tư bản và các ngân hàng thương mại, những người trực tiếp gây ra tình trạng tồi tệ của nền kinh tế và gián tiếp bần cùng hóa người lao động thì không phải trả giá cho những việc làm của họ. Chỉ có người lao động đang trực tiếp nếm trải những khó khăn của nền kinh tế. Người lao động từ Mỹ cho đến các nước EU như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý… đã đứng lên biểu tình phản đối sự bất công trong xã hội, trong đó nổi bật nhất và bất ngờ nhất là phong trào “Chiếm lấy phố Wall” diễn ra đã hơn một tháng qua ngay trên đất Mỹ.
Nhiều nhà nghiên cứu thực tiễn khẳng định những yêu sách người lao động đặt lên bàn các nhà lãnh đạo như: yêu cầu phân phối của cải xã hội một cách công bằng, xây dựng một xã hội vì con người không phải vì lợi nhuận, thiết lập một xã hội do giai cấp công nhân và nhân dân lao động kiểm soát… chính là nguyện vọng xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa.
Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về cuộc đấu tranh của nhân dân lao động Mỹ và các nước khác hiện nay trên toàn thế giới, Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng giới thiệu loạt bài “Bản chất CNTB nhìn từ phong trào Chiếm lấy phố Wall: Vì lợi nhuận hay vì con người?”.
Bài 1: Người lao động phản đối bất công
Cuộc biểu tình của người lao động ở thành phố New York với tên gọi: “Hãy chiếm phố Wall” nhằm mục đích chấm dứt sự thao túng của các thể chế tài chính và các tập đoàn tư bản đối với nền chính trị đất nước, không chỉ là phản ứng của lực lượng lao động trước thất bại của chính quyền trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn là sự vùng lên của nhân dân lao động chống lại những bất công trong xã hội tư bản, dù giới lãnh đạo và truyền thông Mỹ chưa thừa nhận sự thật này.
Hoặc đứng lên, hoặc làm nô lệ
Phản ứng của người lao động Mỹ lần này khác với với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào thời điểm đó, họ nhẫn nại chờ đợi các giải pháp của chính phủ. Đa số những người bị tịch biên nhà cửa vì không còn tiền để trả nợ ngân hàng, đã lặng lẽ ôm đồ đạc ra đường, chỉ một số ít phản kháng nên mới có bức ảnh đoạt giải bức ảnh thế giới 2008, miêu tả một cảnh sát với súng lăm lăm trong tay đi vào ngôi nhà vừa bị tịch biên. Một số ít quá thất vọng đã tự kết liễu cuộc đời mình.
Họ cũng rải rác biểu tình phản đối kế hoạch cứu trợ của chính phủ dành cho các ngân hàng vỡ nợ và các tập đoàn kinh tế lớn với khẩu hiệu: Hãy cứu lấy người lao động chứ không phải cứu các nhà tư bản giàu sụ. Tại Anh, Pháp, người lao động âm thầm xếp hàng rồng rắn xin việc làm ở các trung tâm giới thiệu việc làm, nhẫn nại tiết kiệm chi tiêu với hy vọng các chính phủ sớm có giải pháp khôi phục kinh tế.
Giờ đây, người lao động Mỹ không còn âm thầm chịu đựng nữa. Cuộc biểu tình của người lao động ở New York, và hiện đã lan ra toàn nước Mỹ, cho thấy họ đã vùng lên, đối đầu trực tiếp với chính quyền. Người biểu tình phẫn nộ, không chỉ vì 1% người giàu chiếm giữ 99% số tiền ở phố Wall, mà còn vì cơ chế đã tạo ra sự bất công đó.
Trong bài viết đăng trên số đầu tiên của “Tạp chí Wall Street bị chiếm đóng” của những người biểu tình “Hãy chiếm phố Wall” thực hiện, nhà báo Chris Hedges, viết: “Hoặc bạn đứng lên theo cách duy nhất mà chúng ta có thể làm, cách được xem là bất tuân dân sự, để ngăn cản sự cướp bóc của tầng lớp tội phạm ở phố Wall và sự phá hủy nhanh chóng hệ sinh thái đang nuôi dưỡng con người, hoặc trở thành người thụ động trước những tội ác khủng khiếp. Hoặc là bạn nếm trải, cảm nhận và hít thở bầu không khí tự do và nổi loạn, hoặc là bạn chìm trong sự tuyệt vọng và sự thờ ơ. Hoặc bạn là kẻ nổi dậy hoặc là một nô lệ”.
Phản đối sự thao túng của giới tài phiệt
“Aristotle đã dạy dân chủ là khi người nghèo khổ chứ không phải những người sở hữu nhiều tài sản trở thành những người cai trị. Đó là cái nhìn cổ xưa nhưng rất sâu sắc, có thể không có nhiều người biểu tình biết, nhưng khái niệm chiếm phố Wall đã tiềm ẩn một cuộc đấu tranh hướng tới thay đổi nước Mỹ, từ một nền chính trị bị kiểm soát bởi các trùm tư bản trở thành một nền dân chủ đại diện David C. Johnston, nhà báo đoạt giải Pulitzer” |
Báo New York Times của Mỹ phỏng vấn rất nhiều người biểu tình và đa số họ khẳng định: chúng tôi cần một thế giới khác, không phải thế giới mà ở đó các tập đoàn tư bản có tất cả và thâu tóm cả chính phủ. Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Michael Moore, người đã làm bộ phim Chủ nghĩa tư bản: Câu chuyện tình, khẳng định tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington rằng, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay chính là chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21. Và ông là một trong những người tham gia tích cực vào cuộc biểu tình.
Lúc đầu cuộc biểu tình của họ không gây được chú ý của công luận, nhưng sau hai tuần, với những khẩu hiệu: “Chúng tôi là nhân dân”, “Chúng tôi là 99%” (nhấn mạnh tỷ lệ 99% nắm giữ 1% tài sản và 1% dân số nắm giữ 99% tài sản), cùng với công cụ mạng xã hội, họ đã thu hút được sự chú ý của cả nước, đặc biệt là giới trí thức. Họ cũng hy vọng cuộc biểu tình sẽ lan rộng ra toàn quốc. Theo báo chí Mỹ, đây là cuộc biểu tình có tổ chức với quy mô lớn. Và quan trọng, dư luận thế giới đang nhìn vào sự vụ này để xem thái độ của Chính phủ Mỹ như thế nào.
Nhà báo đoạt giải Pulitzer David Cat Johnston viết trên trang web Truthdig, cho rằng cuộc biểu tình hãy “Chiếm lấy phố Wall” không giống bất cứ cuộc biểu tình nào ông từng chứng kiến ở Mỹ trong suốt 40 năm qua và lý do của nó cũng khác rất nhiều.
Điểm khác biệt là cuộc biểu tình ở phố Wall tập hợp lực lượng lao động, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trí thức, dưới khẩu hiệu: “Các ngân hàng đã phá hủy nước Mỹ, hãy chấm dứt sự thao túng của giới tài phiệt đối với nền chính trị của Mỹ”.
Nhà báo Mỹ Nicholas Kristof, người từng đưa tin về các cuộc nổi dậy từ Cairo cho đến Morocco, đã so sánh phong trào biểu tình ở Mỹ mà chính ông cũng gọi là “cuộc nổi dậy mới nhất” với các cuộc nổi dậy ở các nước Arập và khẳng định: điểm giống nhau chính là chỗ, có một làn sóng thất vọng của giới trẻ đối với hệ thống chính trị và kinh tế mà người biểu tình coi như đang đổ vỡ, tham nhũng, vô trách nhiệm và không đáp ứng nguyện vọng nhân dân, không bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Sẽ có thay đổi lớn trong nền chính trị nước Mỹ?
Những người biểu tình ở New York và khắp nơi trên nước Mỹ, đặc biệt khi họ chấp nhận trải qua những tháng giá lạnh cho đến mùa xuân của năm bầu cử hoặc nếu cảnh sát được ra lệnh chấm dứt cuộc biểu tình trong bạo lực, thì những điều đó sẽ bảo đảm rằng, cuộc biểu tình sẽ còn lan rộng hơn nữa. Cuộc biểu tình cho thấy dấu hiệu một sự thay đổi lớn trong nền chính trị nước Mỹ bằng việc tạo một điểm chung giữa các tầng lớp nhân dân khác nhau.
Những nhận định trên của Johnston thật sự là lời kêu gọi người dân Mỹ đứng lên chấm dứt hệ thống chính trị phục vụ giới tư bản và thiết lập hệ thống chính trị phục vụ cho nhân dân. Nhiều nhà nghiên cứu thực tiễn khẳng định, đó chính là bản chất cơ bản của chế độ XHCN. Nhưng đối với người Mỹ, hàng chục năm sống trong sự tuyên truyền của truyền thông tư bản rằng, chế độ XHCN là bức màn sắt, không dân chủ, đàn áp, họ không có cơ hội hiểu hết bản chất của chế độ XHCN.
Nhà báo Jack Hood của World Socialist Web Site đã phỏng vấn rất nhiều thanh niên Mỹ tham gia biểu tình ở Sacramento, nơi từng nổi tiếng là thành phố lều bạt trong năm 2009, khi hàng chục ngàn người bị các ngân hàng đuổi khỏi nhà và phải sống trong các lều bạt.
Đa số họ đều khẳng định mình đã đặt nhiều hy vọng vào đảng Dân chủ và ông Obama nhưng giờ đây họ biết rằng phép màu của “Ông già Noel” không có thật. Họ cho rằng trong thực tế, chính ông Obama và hai đảng Cộng hòa cùng Dân chủ đang tấn công vào tầng lớp lao động, nên dù đảng nào vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm tới cũng không thay đổi được gì.
Jack Hood kết luận trong bài viết của mình: Ảo tưởng về đảng Dân chủ sẽ dẫn đến sự thất bại và sụp đổ của cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”, chỉ có phong trào XHCN của quần chúng được tổ chức chặt chẽ chống lại CNTB mới có khả năng chấm dứt những bất công đã đưa đến phong trào biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”.
VIỆT TRUNG
Bài 2: Quốc sách chỉ dành cho giới chủ tư bản
Kinh tế khó khăn, giá cả lạm phát, lương thấp, số người thất nghiệp gia tăng là bối cảnh chung của các nước phát triển hiện nay. Nhưng những tập đoàn tư bản và các ngân hàng, những người trực tiếp gây ra tình trạng tồi tệ của nền kinh tế và gián tiếp bần cùng hóa người lao động thì không phải trả giá cho những việc làm của họ. Chỉ có người lao động đang trực tiếp nếm trải những khó khăn của nền kinh tế. Đó là lý do tại sao phong trào phản kháng đang lan rộng từ châu Âu sang Mỹ.
- Sống trong nghèo đói
Mới tháng 9, cường quốc kinh tế số 1 thế giới đã sốc khi Cục thống kê nước này công bố tỷ lệ người nghèo ở Mỹ đã tăng lên 46,2 triệu người trong năm 2010. Đây là con số cao nhất kể từ khi Cục thống kê bắt đầu thu thập dữ liệu tỷ lệ nghèo đói vào năm 1959. Xét về tỷ lệ phần trăm, số liệu năm 2010 cho thấy tỷ lệ nghèo đói tại Mỹ là 15,1%, tăng mạnh so với 14,3% trong năm 2009.
Theo hãng tin AP của Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 9% nếu thống kê theo số người đăng ký thất nghiệp chính thức, còn nếu tính cả người có việc bán thời gian và những người không đăng ký thất nghiệp, con số này lên đến 16,2%, tương đương 40 triệu người trong độ tuổi lao động. Một số tập đoàn kinh tế nhận tiền cứu trợ của chính phủ nhưng không mở rộng sản xuất để tạo thêm việc làm cho người lao động mà cất tiền vào két sắt, một số khác lấy tiền đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu ở các nước đang phát triển, những nơi mang lại lợi nhuận cao nhất cho họ.
Đầu tư của các tập đoàn tư bản Mỹ được các nước đang phát triển hoan nghênh nhưng họ trả lương công nhân các nước này rẻ mạt và người lao động ở trên chính quê hương của họ lại không có việc làm. So sánh mức lương công nhân nhà máy lắp ráp ô tô sẽ thấy sự chênh lệch rất lớn: ở các nước đang phát triển, công nhân hãng sản xuất ô tô được trả 250 USD/tháng, còn tại Mỹ các ông chủ phải trả lương công nhân ít nhất 10 USD/giờ. Không có lý do gì họ mở rộng sản xuất ngay trên đất Mỹ.
Tại Anh, con số thống kê chính thức được công bố ngày 12-10 cho thấy, số thất nghiệp hiện đã lên đến 2,57 triệu người, chiếm đến 8,1% lực lượng lao động, mức cao nhất trong vòng 17 năm qua, kể từ cuộc suy thoái kinh tế tại Anh năm 1991. Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tiếp tục tăng cao. Tính đến tháng 8-2011 có 991.000 thanh niên thất nghiệp, chiếm 21,3% tổng số người mất việc làm.
Theo AFP, con số này là bằng chứng cho việc các công ty sa thải hàng loạt nhân công trong bối cảnh cầu giảm mạnh, khiến họ phải thu hẹp phạm vi sản xuất. Chính vì tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ nên một số thanh niên đã gây ra cuộc bạo loạn hồi tháng 8 năm nay tại Luân Đôn.
Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế năm 2008 chưa kết thúc, một cuộc khủng hoảng nữa lại đến: khủng hoảng nợ công. Các chuyên gia khẳng định cuộc khủng hoảng này sẽ khó khăn hơn lần trước. Và họ đã đúng, bởi nó là hậu quả khôn lường vì lòng tham của các nhà tư bản. Để khắc phục tình trạng khó khăn của các ngân hàng và các tập đoàn, chính phủ nhiều nước đã tung gói cứu trợ hàng trăm tỷ đô với hy vọng họ sẽ tái cơ cấu sản xuất, tạo thêm việc làm, giúp tăng chi tiêu.
Vào thời điểm đó, người lao động đã xuống đường với khẩu hiệu hãy cứu lấy người nghèo, không phải các ông chủ giàu sụ đang làm sụp đổ nền kinh tế. Nhưng các chính phủ đã không lường trước được lòng tham của các nhà tư bản, cũng như chính họ trước đó bị thuyết phục bởi những lời ngon ngọt của các ông chủ tư bản.
- Ép lao động trong nước
* Trong cuộc biểu tình của người lao động Mỹ bước sang tháng thứ 2, ngày 21-10, WSWS tường thuật Ngân hàng Goldman Sachs, một trong những ngân hàng làm sụp đổ hệ thống tài chính nước Mỹ và sau đó được nhận cứu trợ hàng chục tỷ USD, thông báo họ sẽ dành 10 tỷ USD để thưởng cuối năm cho các quan chức ngân hàng này trong khi họ báo kinh doanh lỗ 428 tỷ USD trong quý 3 năm nay. WSWS nhận định kế hoạch thưởng cuối năm của Goldman Sachs minh chứng sự bất bình đẳng rất lớn giữa 1% và 99%. |
Lòng tham của các nhà tư bản là nguyên nhân chính khiến tình trạng của người lao động tồi tệ hơn, nhưng sai lầm của các chính phủ cũng góp phần không nhỏ vào quá trình bần cùng hóa người lao động ở các nước tư bản. Sau khi dùng tiền thuế của dân bằng nhiều hình thức, đặc biệt bán trái phiếu chính phủ để có tiền bổ sung những gói trợ cấp cho các ngân hàng thương mại và các tập đoàn tư bản không mang lại hiệu quả, dẫn đến tình trạng nợ công tăng cao, chính phủ các nước quyết định cắt giảm chi tiêu để cắt giảm nợ công.
Và quyết định cắt giảm đầu tiên bao giờ cũng đánh vào những người về hưu như ở Anh và Pháp, vào những người làm công ăn lương nhà nước, cắt giảm các chính sách an sinh xã hội của người lao động như hầu hết các nước Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp… đang làm.
Trong khi đó, nhằm bảo vệ lợi nhuận tối đa của mình, nhiều tập đoàn kinh tế quyết định cắt giảm lương công nhân với lý do hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh và dọa nếu công nhân không chấp nhận cắt giảm lương, họ sẽ phải đối mặt với việc sa thải hàng loạt. Mới tháng 9 vừa qua, công nhân nhà máy Fonderies du Poitou ở miền Trung nước Pháp, chuyên cung cấp các chi tiết lắp ráp cho các hãng xe hơi của Pháp như Renault, Peugeot, bị yêu cầu cắt giảm 23% lương hoặc bị sa thải hàng loạt. Như vậy mỗi công nhân chỉ được hưởng 1.200 EUR thay vì 1.500 - 1.600 EUR.
Ngoài ra, tập đoàn Manupet cũng ra lệnh xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô giá rẻ ở Mexico, Anh, Bulgaria và dĩ nhiên đi kèm đó là lương công nhân thấp và các điều kiện làm việc tồi tệ. GM, PSA… cũng cắt giảm lương để cơ cấu lại sản xuất. Nhưng ít người biết, ngành công nghiệp ô tô Pháp trong năm 2009 được nhận gói cứu trợ 6 tỷ EUR để cơ cấu lại sản xuất và mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm. Nhưng PSA và Renault đã kịp thời sử dụng số tiền đó để tăng lợi nhuận và nay họ vẫn tuyên bố giảm lương và sa thải công nhân.
- “Đầu tư” chiến tranh
Trong khi đời sống nhân dân ngày càng xuống dốc, chính phủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha… lại dốc sức cho những cuộc chiến tranh. Các cuộc chiến bao giờ cũng được ngụy trang dưới danh nghĩa bảo vệ nhân quyền, nhưng không ai không tin đó là vì lợi ích của các nước này và cụ thể hơn là của các trùm tư bản các nước này.
Cuộc chiến chiếm đóng Iraq bắt đầu năm 2003, Mỹ tiêu tốn khoảng 845 tỷ USD, phân nửa trong số đó chi cho các loại vũ khí. Điều này có nghĩa là các trùm sản xuất vũ khí của Mỹ đã bán được lượng vũ khí trị giá hơn 400 tỷ USD. 1/3 số còn lại chi cho các dịch vụ an ninh và số này dĩ nhiên vào túi các nhà thầu an ninh tư nhân Mỹ. Sau khi lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein, các nhà thầu quốc phòng của Mỹ cũng trúng những gói thầu tái thiết Iraq trị giá 60 tỷ USD.
Kênh truyền hình CNN, CBS còn cho biết, từ tháng 5-2003 đến tháng 5-2004, tổng cộng 12 tỷ USD từ quỹ phát triển của Iraq và dự án tài trợ Iraq của Mỹ đã biến mất và đến giờ chưa ai tiến hành điều tra xem số tiền này đã vào túi ai. Chưa kể đến lợi ích mà các tập đoàn dầu khí của Mỹ đạt được từ các mỏ dầu Iraq.
Trong khi đó, cuộc chiến này đã làm thiệt hại nền kinh tế vĩ mô của Mỹ tổng cộng 3.000 tỷ USD và số tiền Chính phủ Mỹ chi cho chiến tranh được lấy từ tiền đóng thuế của người lao động. Những gì diễn ra ở Iraq cũng đang được lặp lại ở Libya.
Việt Trung
Bài 3: Tiếng nói của 99%
Ngay sau khi bùng nổ phong trào đấu tranh của người lao động ở các nước phát triển, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã liên lạc với Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt, ông Len Aldis, cùng nhiều bạn trẻ tại Mỹ, Anh để trao đổi về suy nghĩ của thanh niên ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới về phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, cũng như nguyện vọng về một xã hội tốt đẹp hơn sẽ như thế nào.
- Không thể ngồi yên
Theo ông Len Aldis, hệ thống ngân hàng Mỹ sụp đổ dẫn đến các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới bị sức ép. Có thể nói, chính chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã đưa đến hậu quả như ngày hôm nay và giờ người dân các nước phải gánh chịu hậu quả của sự sụp đổ. Hàng triệu người mất nhà cửa khi họ không còn đủ khả năng trả các khoản nợ cho ngân hàng. Hàng triệu người mất việc làm, phải sống dưới mức nghèo khổ và không nhận được sự chăm sóc y tế cơ bản.
Trong khi đó, gánh nặng nợ công ở một số quốc gia đang đè nặng lên vai những người lao động và tầng lớp trung lưu. Cơn bão này chắc chắn sẽ còn càn quét mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tất cả đang xảy ra tại một quốc gia giàu có nhất thế giới.
Nước Anh sắp vào đông. Đây là thời điểm trong năm người lớn tuổi được nhận một khoản tiền gọi là “phí cho thời tiết giá lạnh”, giúp họ có thể trả tiền điện, gas cho nấu nướng, sưởi ấm và thắp sáng. Đáng buồn thay, dù vậy đây cũng là khoảng thời gian hàng ngàn người về hưu chết mỗi năm - tỷ lệ tử vong cao hơn mức bình quân - do họ phải lựa chọn giữa “sưởi ấm” hay “thực phẩm”. Do khủng hoảng tài chính, khoản tiền trên năm nay đã bị cắt, trong khi giá lương thực leo thang hơn mức dự kiến. Tiền thuê nhà, thực phẩm, điện, nước, thuế và chi phí đi lại, các mặt hàng cơ bản cho cuộc sống hàng ngày, đều tăng. Trong những tháng tới đây, tình hình dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Mọi người đã bắt đầu phản ứng. Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” thể hiện nguyện vọng của người dân nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều TP khác tại Mỹ. Rõ ràng, người dân Mỹ đã gửi đi một thông điệp: họ sẽ không ngồi yên để một lần nữa hứng chịu những hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế, trong khi những kẻ gây ra khủng hoảng vẫn nhởn nhơ, rũ bỏ trách nhiệm. “Chiếm lấy phố Wall” hiện đã lan rộng sang nhiều quốc gia, nhiều khu vực trong đó có châu Âu. Giờ đây, những chủ ngân hàng và không ít các chính phủ, đang hết sức lo lắng. Họ quan ngại bởi đó không còn là một phong trào bình thường.
Khi nào kết thúc và câu hỏi có lẽ hợp lý hơn vào lúc này là nó sẽ kết thúc như thế nào? Không ai biết được câu trả lời. Chúng ta không hề thấy bất cứ dấu hiệu nào về sự kết thúc của cuộc đấu tranh trên các đường phố tại rất nhiều quốc gia.
Và tại St Paul, trái tim tài chính của thủ đô London nổi tiếng thế giới, rất nhiều du khách đã được chứng kiến cơn thịnh nộ của người dân trước những gì đang xảy ra với họ, gia đình họ và hàng triệu gia đình người Anh khác. Những người biểu tình đã mang theo lều bạt, lập “một ngôi làng” nhỏ ở St Paul. Và hàng ngày, khi những ông chủ ngân hàng và các nhân viên văn phòng đến nhà băng, công sở hay thị trường chứng khoán London, họ phải đi qua những con người khổ sở đó với thông điệp họ muốn gửi đi: Quá đủ rồi!
- Chán ngấy vì bị cướp bóc
Tony, một trong những người tổ chức chiến dịch “Chiếm lấy nước Anh” đang cắm trại bên ngoài tòa thị chính London nói: Những gì chúng tôi đang cố gắng đạt được cũng chính là điều mà hàng ngàn người từ các dân tộc khác nhau trên khắp thế giới mong muốn. Chúng ta là 99% những người đang phải làm nô lệ cho 1%. Chúng tôi chán đến tận răng việc bị cướp bóc, chúng tôi mệt mỏi bởi những lời nói dối của các chính phủ và các ngân hàng, thất vọng với việc các ngân hàng được cứu trợ rồi chi hàng triệu bảng Anh để thưởng nhau. 99% nhân dân trên toàn cầu chắc chắn đang mệt mỏi vì điều đó. Chúng tôi không thể tin được các nhà chính trị và giới chủ ngân hàng đang thỏa thuận và quyết định tương lai của chúng tôi. Chúng tôi phải tự quyết định tương lai của mình. Bằng cách cùng nhau đứng lên chúng tôi sẽ thành công. Chúng tôi đã có cộng đồng quốc tế cùng hành động với mình. Ý thức của nhân dân đã thức tỉnh toàn thế giới. Phương tiện truyền thông của các chính phủ rất miễn cưỡng khi đưa tin về những gì chúng tôi đang làm, nhưng chắc chắn họ sẽ phải làm điều đó vì phong trào biểu tình của người lao động hiện nay đã bùng nổ mạnh mẽ đến mức họ không thể không chú ý… Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh này.
Một trong những người tham gia biểu tình ở khu vực St Paul của thành phố London khẳng định: “Tôi muốn nhìn thấy quyền lợi của nhân dân được đặt lên trên lợi nhuận. Tôi muốn nhìn thấy chúng ta rút quân khỏi Iraq, Afghanistan, dùng số tiền chúng ta đã chi cho việc giết người vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục và cho những người đang cần nó. Vấn đề với CNTB nằm ở chỗ nó dựa trên việc bóc lột con người, những người là đồng bào của nó trên đất nước này hay trên khắp thế giới. Chúng ta cùng là nhân loại và chúng ta không nên cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của các nước khác hoặc khai thác kiệt sức lực lượng lao động và bóc lột nhân dân. Sự bất bình đẳng trong xã hội đã vượt qua sức chịu đựng và chúng ta phải đứng lên”.
- Nền dân chủ thật sự là nền dân chủ của nhân dân
Khi được hỏi về thái độ của giới trẻ ở Mỹ đối với phong trào “Chiếm lấy phố Wall”. Benjamin Dictor, một sinh viên 24 tuổi đang học tại Đại học luật Cardozo, Mỹ, trả lời: Tôi cho rằng giới trẻ ở Mỹ ủng hộ một cách đặc biệt đối với phong trào “Chiếm lấy phố Wall”. Đối với nhiều người ở độ tuổi của tôi, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến họ mất việc làm. Nhiều người trong chúng tôi từng được đảm bảo rằng nếu tốt nghiệp đại học thì chắc chắn sẽ có việc làm tốt. Tuy nhiên, rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi hiện nay nhận thấy rằng, sau khi ra trường họ không thể tìm được việc trong khi tiền nợ từ thời sinh viên vẫn còn đó. Tôi nghĩ rằng vì những điều đó, các bạn trẻ cảm thấy có mối liên hệ với những người biểu tình ở phố Wall.
Trả lời câu hỏi thanh niên Mỹ hiện nay sống và làm việc như thế nào, Benjamin nói: Thế hệ chúng tôi là thế hệ người Mỹ đầu tiên trong một thời gian dài dự báo rằng sẽ có mức sống thấp hơn thế hệ cha ông. Còn ước mơ và hy vọng: Tôi cống hiến cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh vì quyền của người lao động. Tôi đang học năm cuối ở trường luật tại New York. Ở trường tôi đang tham gia vào phong trào công đoàn với chú ý đặc biệt vào quyền của người lao động nhập cư. Ước mơ của tôi là đóng góp càng nhiều càng tốt cho phong trào này.
Theo Benjamin, hệ thống dân chủ thật sự của chính phủ là nền dân chủ của người lao động. Người Mỹ luôn tuyên bố mình đánh giá cao những nguyên tắc dân chủ, nhưng họ lao động 10 tiếng đồng hồ nơi làm việc mà không có quyền gì và không được tham gia vào cái gì. Chúng tôi phải đấu tranh để mang lại dân chủ cho xã hội và trong việc phân phối lại thành quả lao động. CNTB và cái mà họ gọi là nền dân chủ tự do xuất hiện hàng ngày đến mức không thể chịu nổi. Sẽ có nền dân chủ của giai cấp công nhân ở nước Mỹ, khi giai cấp công nhân nổi dậy giải phóng chính mình từ những kẻ sử dụng nền dân chủ tự do để khai thác công sức người lao động.
“Giống như mỗi thế hệ trước, chúng tôi có cơ hội và nghĩa vụ để hình dung và tranh đấu cho một thế giới tốt hơn. Chúng tôi có đủ sức mạnh để chấm dứt sự bóc lột. Rốt cuộc, chúng tôi có nhiệm vụ khẳng định thế hệ tiếp theo sẽ không bị khuất phục bởi sự chuyên chế của CNTB. Tôi cống hiến cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh và hy vọng của tôi là giới trẻ trên toàn thế giới sẽ tham gia cùng với chúng tôi”, Benjamin nói.
QUỲNH NHƯ - ĐỖ VĂN
Bài 4: Phần nổi của cuộc đấu tranh giai cấp
“Chiếm lấy phố Wall” bắt đầu nổ ra gần 6 tuần trước và hiện đã lan rộng hơn 1.500 TP trên khắp nước Mỹ và toàn cầu. Mục đích ban đầu của cuộc biểu tình nhằm bày tỏ sự bất bình với nền kinh tế Mỹ và quy tắc đồng tiền trong hệ thống chính trị của cường quốc số 1 thế giới. Tuy nhiên, bà Merle Ratner, nhà hoạt động xã hội người Mỹ, điều phối viên Chiến dịch hỗ trợ và công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, lại có nhận định sâu hơn về “Chiếm lấy phố Wall”. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bà Merle Ratner gửi riêng cho Báo Sài Gòn Giải Phóng.
- Tiếng nói của một thế hệ
Hầu hết những người tham gia “Chiếm lấy phố Wall” từ ngày đầu là những thanh niên được giáo dục, là thế hệ đầu tiên phải đối mặt với chất lượng sống tồi tệ hơn so với thế hệ ông bà, cha mẹ của họ. Họ phải sống trong một thời kỳ khó khăn: khó khăn trong việc tìm việc làm, được chăm sóc y tế và trả các khoản nợ học phí khổng lồ cho trường đại học. Một số thanh niên còn là người vô gia cư. Họ là một phần trong số gần 50 triệu người Mỹ đang phải tìm cái ăn từng bữa (CBS TV News đưa tin ngày 21-10-2011). Từ một nhóm thanh niên nhỏ, số lượng người tham gia tăng nhanh chóng với đủ mọi thành phần từ các nghiệp đoàn chưa từng ủng hộ bất cứ một cuộc biểu tình nào cho đến các cựu chiến binh, người cao tuổi. Những người trung niên chưa bao giờ tham gia phản đối chính phủ cũng đã lên tiếng ủng hộ “Chiếm lấy phố Wall”.
“Chiếm lấy phố Wall” đã tạo nên lịch sử. Charles Geisst, một giáo sư tài chính của Đại học Manhattan và tác giả của “Phố Wall: Lịch sử” cho hay: Chưa có một lời phản đối nào về đám đông chiếm phố Wall. Ông tin tưởng rằng cuộc biểu tình này sẽ vượt về quy mô so với các cuộc biểu tình trước đây và sẽ lan rộng trên cả nước Mỹ và thế giới. (Bài viết của David Weidner đăng trên Wall Street Journal ngày 20-10-2011). Khi Wall Street Journal, tờ báo về tài chính đã cho đăng đánh giá này, bạn có thể chắc chắn rằng giai cấp cầm quyền đang hết sức quan tâm về cuộc biểu tình ở phố Wall.
Rất nhiều người Mỹ đã phản ứng tích cực với phong trào này. Theo một thăm dò gần đây của Tạp chí Time, 54% người dân Mỹ ủng hộ “Chiếm lấy phố Wall” với mục đích phản đối các chính sách “thiên vị người giàu, gói cứu trợ các ngân hàng của chính phủ và để đồng tiền ảnh hưởng đến hệ thống chính trị”. Nhưng cốt lõi của các vấn đề trên chính là cảm giác Mỹ đang trở thành một quốc gia giàu có hơn bao giờ hết nhưng của người giàu và cho người giàu.
- Chủ nghĩa tư bản... bần cùng hóa người dân Mỹ
“Chiếm lấy phố Wall” cũng như nhiều cuộc biểu tình khác đều là chất xúc tác để nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng của CNTB đang làm bần cùng hóa người dân Mỹ.
Nhiều học giả nói với chúng tôi rằng đây là thế hệ đầu tiên phải đối mặt với thực trạng không thiếu lao động tại Mỹ. Rất nhiều, đặc biệt là những người trẻ tuổi, phải đối mặt với tương lai bất định. Khi các ngân hàng và các công ty tài chính khiến nền kinh tế thế giới mất kiểm soát bởi những chiêu thức bất hợp pháp và vô trách nhiệm, mọi thứ đã trở nên vô cùng tồi tệ. Cuộc khủng hoảng về thế chấp là “giọt nước làm tràn ly” gây ra cơn địa chấn cho các nhà đầu tư.
* Ngày 25-10, cảnh sát Mỹ đã trấn áp mạnh tay cuộc biểu tình “chiếm lấy phố Wall” tại TP Oakland, với đạn hơi cay, lựu đạn gây choáng (không gây sát thương nhưng khiến người đứng gần bị choáng váng). Phía cảnh sát Oakland cho biết họ buộc phải hành động sau khi một nhóm khoảng 400-500 người biểu tình tấn công họ và phủ nhận việc sử dụng đạn cao su và lựu đạn gây choáng. Trong khi đó, một số nhân chứng cho rằng khoảng 100 xe cùng cảnh sát chống bạo động đã được điều động đến các khu lều của người biểu tình để trấn áp. Đại diện phong trào “Chiếm lấy Oakland” cho hay 85 người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ (AFP). |
Thế nhưng, những tội phạm tài chính đã và đang gây ra nỗi đau chất chồng cho người dân Mỹ vẫn nhận được sự giải cứu từ chính phủ. Một trong rất nhiều tổ chức đó là Goldman Sachs với 10 tỷ USD lấy từ tiền thuế của người dân Mỹ. Bất chấp thực tế lợi nhuận sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2011, Goldman Sachs vẫn dành 10 tỷ USD cho quỹ thưởng của tập đoàn. Nếu tiền thưởng được chia đều cho 30.000 nhân viên của tập đoàn (thực tế là không bao giờ có chuyện đó), mỗi người sẽ được nhận 333.000 USD. Trong khi đó, tiền lương của Giám đốc điều hành Goldman Sachs hiện đã tăng lên mức 2 triệu USD/năm và hàng triệu USD khác từ lợi tức cổ phiếu. (Bài viết của Gary Rivlin đăng trên RSN ngày 11-10).
Cần phải biết Goldman Sachs và hàng loạt các công ty lớn khác là các tổ chức đóng góp phần lớn cho các chiến dịch tranh cử của các ứng viên đảng Cộng hòa và Dân chủ. Các chính trị gia muốn giành phần thắng trong các cuộc bầu cử phải phụ thuộc vào những khoản tài trợ của các tập đoàn, nhất là hiện nay cái giá cho chiến thắng một chiến dịch tranh cử ở Thượng viện Mỹ đã tăng lên 8,5 triệu USD.
Những người dân đang chiếm phố Wall và ở nhiều TP khác hiểu rằng đồng tiền chi phối chính trị là vết nhơ của nền dân chủ mà Mỹ luôn tự hào. Điều đó đã đẩy đến một thực tế gần như tất cả tài sản của Mỹ đang nằm trong tay những người giàu, trong khi phần còn lại đang ngày càng nghèo khổ. Lý thuyết gọi là khoảng cách giàu nghèo hoặc gia tăng sự bất bình đẳng xã hội. Còn thực tế, rất nhiều người dân Mỹ đang mất nhà cửa, không đủ tiền đi khám bệnh và mua thực phẩm.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới mẻ ở Mỹ bởi đất nước chúng tôi luôn có người nghèo. Phân biệt chủng tộc khiến người da màu luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn cả so với các chủng tộc khác. Tuy nhiên, những người được xem là giới trung lưu ở Mỹ hiện cũng đang có xu hướng “rớt” xuống mức nghèo. Rất nhiều hàng xóm của chúng tôi đã bị mang nặng tâm lý chán nản, bi quan; tỷ lệ người tự tử, bạo lực đang gia tăng. “Chiếm lấy phố Wall” có thể xem là một liều thuốc giải độc cho làn sóng bất mãn và ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm. Phong trào đã thể hiện rõ quyết tâm “nói không” với CNTB và mong muốn đầy nhân văn: con người là trung tâm trong tương lai. Người dân Mỹ đau đớn nhận ra rằng CNTB đã giáng cho họ một đòn đau đớn. Tuy nhiên, điều mà họ chưa thể thấu hiểu hoàn toàn đó là đau khổ của họ không chỉ do những cá nhân tham lam chỉ coi trọng khối tài sản khổng lồ của họ hơn tình thương đối với nhân loại mà còn xuất phát từ bản chất của CNTB. CNTB luôn nhắm đến tối đa hóa lợi nhuận và giá trị thị trường. Ngay cả một giám đốc điều hành xuất sắc về mọi mặt cũng sẽ bị các cổ đông của công ty đó sa thải nếu như lợi nhuận của công ty đi xuống. Tham lam và bất bình đẳng là gene di truyền của CNTB và chúng sẽ chỉ bị loại bỏ khi thay đổi hệ thống chính trị và kinh tế triệt để.
Những người tham gia “Chiếm lấy phố Wall” đã tạo nên kết cấu quản trị cho riêng họ dựa trên mô hình tập thể dân chủ cơ bản. Cố gắng của họ về một tổ chức công bằng hơn có thể không đi được đến đích, nhưng đã đưa đến những gợi mở về CNXH: đoàn kết, tình người và bình đẳng. Một xã hội dựa vào nhu cầu của 99% người dân chứ không phải mong muốn của 1% là một phần trong quá trình tạo dựng một sự thay thế cho CNTB. Đối với giai cấp công nhân - một phần của 99% đang phải bán sức lao động và không sở hữu riêng một công ty nào - nhu cầu về một xã hội thay thế CNTB thật sự rất cấp bách. Đó là lý do tại sao khái niệm CNXH thế kỷ 21 ở châu Mỹ sẽ được đón nhận nhiều và nhiều hơn nữa từ những con người đã thức tỉnh từ cơn ác mộng phố Wall.
* Tựa bài và tít phụ do Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt
Merle Ratner
Đỗ Văn (dịch)
LTS: Trong 4 số báo vừa qua (từ ngày 24-10-2011), Báo Sài Gòn Giải Phóng đã cung cấp cho quý độc giả những thông tin và nhận định về cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ở các nước công nghiệp phát triển, mở đầu bằng phong trào Chiếm lấy phố Wall và phần nào lý giải được câu hỏi: Bản chất của CNTB: Vì lợi nhuận hay vì con người? nhìn từ phong trào này. Hôm nay chúng tôi tạm kết thúc loạt bài bằng bài phỏng vấn nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Bill Fletcher, Jr. nhằm giúp độc giả có thêm thông tin khách quan về cuộc đấu tranh ngay trong lòng nước Mỹ, nơi được xem là thành trì của CNTB; và nhận thức của người Mỹ về CNTB và CNXH. Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này vào dịp thích hợp và rất vui lòng nhận được bài cộng tác của các chuyên gia, các học giả trong và ngoài nước về vấn đề này.
Bài cuối: Tương lai thuộc về Chủ nghĩa Xã hội
* PV: Thưa ông Bill Fletcher! Theo ông, ý nghĩa của phong trào “Chiếm lấy phố Wall” là gì và nó thể hiện điều gì?
* Ông BILL FLETCHER: Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” là phong trào đấu tranh rất lớn chống lại sự bất công trong kinh tế. Đây là một phong trào rộng lớn không có những mục đích rõ ràng nhưng nó đại diện cho điều mà tôi gọi là cực tả chống chủ nghĩa tư bản. Phong trào này nhắm tới nhiều mục tiêu hơn những yếu tố của hệ thống, nó đang khẳng định rằng có điều gì đó sai lầm trong hệ thống TBCN và bản thân CNTB đang rất độc hại. Phong trào bùng phát sau nhiều năm kinh tế đi xuống làm đời sống người lao động lao đao. Nhưng điều đặc biệt đáng chú ý là những điều kiện ngày càng trở nên khó khăn cho thanh niên có tri thức, những người vừa tốt nghiệp đại học và nhận ra rằng không chỉ có rất ít cơ hội tìm việc làm, họ còn phải trả nợ ngân hàng đã vay trước đây để trang trải học phí. Vì lý do này mà có rất nhiều thanh niên bị sốc và họ đang giận dữ.
Một điểm khác nữa là phong trào “Chiếm lấy phố Wall” chỉ giống như những cuộc biểu tình đã từng diễn ra ở Madison, Wisconsin hồi đầu năm nay, nhưng nó sẽ không diễn ra mạnh mẽ nếu như không có nguồn cảm hứng từ các cuộc nổi dậy đòi dân chủ của nhân dân các nước Arập.
* Như vậy nếu không được tổ chức chặt chẽ và không có nhà lãnh đạo thống nhất như hiện nay, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” sẽ không thành công. Theo ông làm thế nào để phong trào đi đến thành công?
* Thật khó có thể nói phong trào này sẽ đi đến đâu. Theo ý kiến khiêm tốn của tôi, nếu phong trào không liên kết lại và xây dựng một tập hợp các yêu cầu, nó có thể sẽ tan rã. Hiện nay chưa có một tổ chức nào có khả năng nắm bắt tất cả sức mạnh này nhưng những gì nó có thể làm là truyền cảm hứng cho các tổ chức và phong trào khác. Vì vậy có một điều nó đã làm được là kích thích phong trào công đoàn. Tôi đang hy vọng phong trào công đoàn sẽ có đủ sức mạnh và nghị lực để trở thành một tổ chức mạnh mẽ đấu tranh đòi nhiều quyền lợi hơn là chỉ đòi công bằng trong kinh tế, hy vọng họ sẽ tổ chức và vận động những người lao động thất nghiệp đứng lên hành động.
* Bất bình đẳng ở Mỹ là lỗi của kinh tế thị trường hay của CNTB. Phải chăng CNTB đã lợi dụng kinh tế thị trường để thu lợi nhuận cho các ông chủ tư bản?
* Kinh tế thị trường là một công cụ của CNTB. Trong trường hợp nhất định, những người theo CNXH đã sử dụng nó, nhưng đã điều tiết, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái, tiêu cực đối với xã hội. Bất bình đẳng được hình thành bên trong hệ thống TBCN nhưng mức độ bất bình đẳng phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau bao gồm cả sức mạnh tương đối của những người cánh tả, phong trào công đoàn và các phong trào xã hội tiến bộ khác. Nó cũng phụ thuộc vào những mối đe dọa mà những nhà tư bản tin rằng họ đang đối mặt. Khi họ cảm thấy bị đe dọa, vài người trong số họ sẽ khuyến khích thỏa hiệp giai cấp, nhưng một số khác sẽ dùng phương thức đàn áp. Vì vậy, có thể nói gọn như thế này: Bất công là hậu quả của CNTB.
Ở đâu có kinh tế thị trường ở đó sẽ có khuynh hướng bất công. Điều này không có nghĩa là người ta có thể thoát khỏi nền kinh tế thị trường qua một đêm. Thay vào đó, một mặt, phải có một nghiên cứu xem cần làm gì để giảm thiểu thiệt hại, mặt khác thúc đẩy các mối quan hệ xã hội cách mạng đặt nền tảng trên quan điểm hướng tới một xã hội không giai cấp.
* Theo quan điểm của ông, hệ thống nào sẽ thay thế CNTB? Ông có nhìn thấy khả năng sẽ là CNXH?
* Rosa Luxemburg, một nhà cộng sản Đức đầu thế kỷ 20 khẳng định rằng, những điều thay thế CNTB hoặc là tiến đến CNXH, hoặc là thoái lui trở về thời kỳ man rợ. Tôi tin bà đã nói đúng vào thời điểm đó và trong thời đại ngày nay nhận định ấy càng chính xác. CNTB là một hệ thống độc hại đến nỗi không biết rõ rằng nó có cho phép con người bước ra thế kỷ 21 dưới bất kỳ hình thức văn minh nào. Vì vậy chắc chắn phải là CNXH. Nhưng CNXH phải đổi mới và dân chủ. Đó phải là một hệ thống nơi nhân dân thật sự kiểm soát nhà nước và là nơi có cách tiếp cận tích cực để phá hủy các quan hệ xã hội phản động. Đó phải là hệ thống mà công nhân thật sự điều hành xã hội và không chỉ là những nơi làm việc cá nhân. Đó phải là hệ thống, nơi cuộc cạnh tranh lành mạnh của các tư tưởng chứ không phải nơi mà CNTB lại có cơ hội hồi sinh.
Thế kỷ 20 đã từng trải qua một giai đoạn lịch sử của CNXH. Có cả quan điểm cực đoan tồn tại bên trong những cuộc cách mạng XHCN, ví dụ như quan điểm cho rằng nếu đã đi trên con đường XHCN thì không thể quay trở lại. Điều này được chứng minh là không đúng sự thật. Không chỉ có thể quay trở lại, mà bên trong CNXH vẫn còn những mầm mống cho sự tồn tại của CNTB. Những mầm mống này không thể đấu tranh bằng bạo lực, nhưng có thể đấu tranh thông qua cuộc cách mạng huy động các giai cấp bị bóc lột tham gia vào việc điều hành xã hội thật sự. Họ cũng phải đấu tranh thông qua giáo dục và đối thoại, như trong trường hợp của phong trào “Chiếm lấy phố Wall”. Qua đây thấy rõ bản chất của CNTB là độc hại, là vì lợi nhuận của một nhóm người, không vì lợi ích của CON NGƯỜI và của toàn xã hội.
Tương lai hoàn toàn thuộc về CNXH. Nhưng CNXH trong thời đại mới sẽ khác hơn những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20. Có khả năng sẽ có nhiều cuộc thử nghiệm khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Tất cả cần phải được nghiên cứu, tổng hợp và rút ra bài học kinh nghiệm.
| |
VIỆT TRUNG thực hiện