Dự kiến 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra thật sự chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường ĐH-CĐ, ngay cả các trường ngoài công lập. PV Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến.
GS-TS Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình:
Nên giữ nguyên cách tính điểm sàn như năm trước. Tức là dựa trên phổ điểm chung toàn quốc, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập để đảm bảo chất lượng. Có thể nới rộng thêm điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực nhằm tạo cơ hội cho thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn...
NGƯT-TS Triệu Văn Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ:
Cách tính cũng như tiêu chí xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT trong những năm qua là hợp lý. Mức điểm sàn phải đạt ít nhất như mọi năm mới có thể đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Nếu năm nay chất lượng thí sinh cao hơn, điểm thi cao hơn thì có khi điểm sàn phải lấy cao hơn. Còn thi 3 chung thì nên có một điểm sàn chung thống nhất trên toàn quốc. Sau này, khi các trường được phép tuyển sinh riêng, lúc đó điểm sàn sẽ do các trường tự xác định trên cơ sở đảm bảo chất lượng.
PGS-TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông:
Việc cho rằng cách xác định điểm sàn là nguyên nhân khiến các trường ngoài công lập khó tuyển sinh theo tôi là chưa xác đáng. Bởi vẫn cùng một nguyên tắc tính điểm sàn như nhau, nhưng những năm trước các trường ngoài công lập vẫn tuyển được sinh viên, chỉ riêng năm 2012 việc tuyển sinh mới trở nên quá khó khăn. Nguyên nhân khủng hoảng tuyển sinh của trường ngoài công lập trong năm 2012 ở chỗ khác, trước hết đó là việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu những năm trước, chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT quyết định thì năm 2012, việc xác định chỉ tiêu hoàn toàn do các trường đưa ra dựa trên 2 tiêu chí là giảng viên và cơ sở vật chất. Trong khi đó, các trường công lập luôn có lợi thế hơn về 2 tiêu chí này, giảng viên nhiều, cơ sở vật chất tốt nên chỉ tiêu sẽ cao, từ đó thu hút số lượng lớn thí sinh vào học. Nguyên nhân thứ hai là do việc kéo dài thời gian xét tuyển. Vì thời gian xét tuyển kéo dài nên lại là cơ hội tiếp theo để các trường công hút hết thí sinh. Giữa trường công và trường ngoài công lập, chắc chắn sự lựa chọn của thí sinh sẽ là trường công, dù đó là trường chưa có thương hiệu tốt. Nhiều trường ngoài công lập hiện nay thật sự chưa đủ sức hấp dẫn đối với thí sinh.
Bộ GD-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu cách tính điểm sàn vừa khoa học vừa phù hợp với thực tiễn và phải tìm rõ nguyên nhân các thí sinh có từ điểm sàn, không vào ĐH-CĐ ngoài công lập thì họ đi đâu.
TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập:
Thường thì các trường đều tuyển từ trên xuống dưới, vì vậy Bộ GD-ĐT đã đưa ra sàn dưới thì sàn trên không có ý nghĩa gì, nên bản chất của 2 điểm sàn chính là 1 điểm sàn mà thôi. Hiện nay đang có nhiều quan điểm mới về điểm sàn như điểm sàn là điểm bình quân 3 môn thi, hay điểm sàn phải căn cứ vào phổ điểm của từng môn thi trong từng năm... Đó là những quan điểm mà Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu. Nếu theo những quan điểm này, điểm sàn mới có thể thấp hơn điểm sàn trước đây, tức là có thể dẫn đến giảm chất lượng đầu vào, đó là điều mà bộ phải cân nhắc.
Với chủ trương 2 điểm sàn của bộ, tôi cho rằng những trường có điểm chuẩn cao thì không ảnh hưởng gì nhưng những trường khó tuyển sinh có thể có lợi. Năm 2013 này, chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên (do các trường được tự xác định chỉ tiêu) nên nếu không điều chỉnh điểm sàn thì nhiều trường đã khó càng khó tuyển sinh hơn nữa, có lẽ do phải chịu sức ép nên bộ đã đưa ra phương án 2 điểm sàn?
Việc bộ đưa ra phương án 2 điểm sàn chỉ là cách gọi tên khác, còn nói thẳng ra đó chính là hạ điểm sàn. Tuy 2 điểm sàn nhưng bản chất chỉ là 1 điểm sàn. Những điều kiện ràng buộc đối với sàn dưới (như chỉ được xét tuyển đợt 3, kèm theo xét kết quả thi tốt nghiệp…) theo tôi là “buồn cười”. Thực chất, mỗi trường đều có điểm xét tuyển riêng, đó chính là điểm sàn vào trường của họ.
LÂM NGUYÊN