Ban hành khung giá đất phải sát thị trường
Tại buổi hội thảo, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, BộT N-MT, cho biết Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định về khung giá đất, làm cơ sở cho các địa phương ban hành bảng giá đất áp dụng giai đoạn 2020-2025. Bảng giá đất hiện nay quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Ví dụ, tại thủ đô Hà Nội, giá cao nhất quy định chưa tới 300 triệu đồng/m², nhưng nếu giá thị trường khoảng 1 tỷ đồng/m², như vậy quy định của Nhà nước chỉ khoảng 30% so với thị trường. Nếu thu hồi đất căn cứ vào đó thì nảy sinh khiếu nại bồi thường, đó là lý do tại sao việc khiếu nại về bồi thường không giảm, mặc dù nói rằng khi bồi thường thì theo giá thực tế. Chúng ta đang cố gắng đẩy bảng giá đất lên nhưng đang gặp trở ngại vì trong điều hành chưa giải quyết được. Đó là đẩy giá đất lên thì nghĩa vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp được giao đất, thuê đất, cấp giấy chủ quyền tăng cao; giữ nguyên tỷ lệ thu nộp như hiện nay sẽ bị kêu, không khuyến khích và thu hút được đầu tư. Như vậy giữa cơ quan chính sách về giá, thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải kết hợp như thế nào để giữ ổn định chung.
Đồng ý quan điểm trên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, việc ban hành bảng giá đất phải ít nhất bằng 80% thị trường như theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, không thể để thấp hơn. Trong trường hợp người dân phải nộp tiền cao khi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền thì giảm tỉ suất thấp lại, hoặc công nhận quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất phải nộp tiền theo bảng giá cao thì nộp tiền một nửa. Những điều chỉnh này là do Nhà nước quy định. Còn không, vẫn tiếp tục một hệ thống tài chính đất đai như hiện nay là “giả vờ”, “không thật”, đẻ ra nhiều hệ lụy.
Kiến nghị tháo gỡ “30 nút thắt”
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM có 4 nhóm giải pháp phải xử lý. Đầu tiên, phải xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai có tầm nhìn và quản lý thông qua kế hoạch 5 năm và hàng năm chặt chẽ, khoa học, linh hoạt. Việc quy hoạch phải gắn với các quy hoạch chuyên ngành, để đảm bảo cơ cấu sử dụng đất hợp lý, kêu gọi đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Quy hoạch sử dụng đất phải gắn liền quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thường xuyên cập nhật quá trình sử dụng đất, bổ sung nhu cầu sử dụng đất phát sinh, đồng thời quyết liệt thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai, xí phần chiếm dự án, tác động không tốt đến xã hội.
Đặc biệt, đồng chí Võ Văn Hoan cho biết việc cần kíp là khẩn trương tháo gỡ nút thắt có liên quan đến triển khai dự án đầu tư. Hiện nay triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn. “Những nút thắt đó, có những nội dung liên quan đến pháp luật, đến các luật khác nhau, làm cho chính chúng ta rất lúng túng, các cơ quan có trách nhiệm không còn dám mạnh dạn năng động, sáng tạo, kiến nghị giải quyết như những năm trước đây. Khi thanh tra, kiểm tra vào thì chỉ nhìn căng theo quy định. Bây giờ ai dám sáng tạo và năng động? Sự mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật làm cho chúng ta rất khó khăn trong việc trở bộ triển khai công việc. Những nút thắt không tháo gỡ sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư. Chúng ta tự máy móc đặt ra những quy định mà không lường được những khâu, những việc và trách nhiệm của các cơ quan dẫn đến thay qua đổi xuống, chỉnh qua chỉnh lại liên tục. Khi cơ chế làm khó cho doanh nghiệp, triển khai dự án chậm, tức là đầu tư không hiệu quả, kinh tế đất không hiệu quả, làm trì trệ thị trường bất động sản, trì trệ việc đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ của TPHCM”, đồng chí Võ Văn Hoan giãi bày tại buổi hội thảo. TP sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ những vướng mắc. Hiện nay thống kê có 30 nút thắt, tuần tới TP sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp để bổ sung thêm nếu có, tiến hành phân loại, vấn đề nào thuộc thẩm quyền Trung ương thì kiến nghị Trung ương tháo gỡ, thẩm quyền của TP thì TP sẽ xử lý, công khai để tránh hiểu lầm.
Đối với bảng giá đất, đồng chí Võ Văn Hoan cho biết, TP đã họp và nêu quan điểm mặt bằng TP khác mặt bằng chung cả nước, sẽ bổ sung điều chỉnh tăng thêm, hằng năm điều chỉnh tăng 5-7%, vì thực tế giá đất thị trường biến động rất nhanh và rất lớn so với các địa phương khác. Khi điều chỉnh tăng sẽ tạo một mặt bằng mới, chính sách bồi thường khác, thị trường sẽ khác và thuế cũng khác. Lúc đó, việc áp dụng bồi thường để định hướng thị trường phát triển ổn định nhưng thuế có thể điều chỉnh, nộp 30% hoặc 50% là do nhà nước quyết định, tạo điều kiện cho người dân an tâm…
Chưa có giải pháp kiểm soát “dự án ma” |