Băn khoăn chuyện dạy con về giới tính

Mới đây, đứa con gái 3 tuổi của tôi sau khi từ trường học trở về đã dõng dạc kể cho mẹ nghe thế nào là “lạm dụng tình dục”.

Mới đây, đứa con gái 3 tuổi của tôi sau khi từ trường học trở về đã dõng dạc kể cho mẹ nghe thế nào là “lạm dụng tình dục”.

Bé kể cô còn dặn tất cả các bạn trong lớp dù là nam hay nữ đều phải cẩn thận, không cho bất kỳ ai đụng chạm vào ngực hoặc bộ phận sinh dục của mình, trừ cha mẹ ruột của mình ra. Tôi hỏi con bé biết vì sao cô dặn thế không thì bé trả lời không biết. Suốt cả đêm, con bé không ngủ mà cứ đòi tôi giải thích thêm về các khái niệm như thế nào là quan hệ tình dục, làm sao phân biệt bày tỏ tình cảm thật sự với lạm dụng, vì sao phải bảo vệ ngực và bộ phận sinh dục của mình… khiến người làm mẹ như tôi vô cùng sửng sốt.

Với độ tuổi của con tôi, cháu còn chưa có khả năng biểu đạt hết nội dung một câu chuyện trọn vẹn, vậy mà nay đã sớm tiếp cận những từ ngữ vốn chỉ dành cho thế giới người lớn như quan hệ, lạm dụng, bộ phận sinh dục. Nhận thức của con như tờ giấy trắng, khái niệm người tốt/kẻ xấu chỉ vừa mới định hình, dù tôi cố gắng giải thích thế nào vẫn cảm thấy không ổn. Bày tỏ băn khoăn này với cô giáo đang dạy lớp con, trái với lo lắng của tôi, cô tỏ ra rất bình tĩnh: “Gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em nên cô hiệu trưởng đặc biệt nhắc nhở tụi em phải cảnh báo học trò của mình. Cô và mẹ cứ giải thích, bé tiếp thu được đến đâu hay đến đó, vì có còn hơn không chị à”.

Lời giải thích của cô không những không giúp tôi cảm thấy bớt lo lắng mà lại khiến tôi mất phương hướng trong việc xác định giới hạn kiến thức dạy con. Dạy các con biết cách tự bảo vệ, yêu thương cơ thể mình ngay từ những năm đầu tiên của bậc học mẫu giáo là việc cần thiết. Song, khi khái niệm tốt - xấu trong nhận thức của các bé chưa hoàn chỉnh thì bất cứ lời buộc tội hay cảnh báo nào đều dễ nảy sinh tác dụng tiêu cực. Nhất là khi các bé đang trong những tháng đầu tiên làm quen môi trường lớp học, bắt đầu có những mối quan hệ xã hội mới ngoài ba mẹ là trường lớp, bạn bè, thầy cô giáo, chú bảo vệ, cô nhân viên y tế trong trường. Thế giới xung quanh chỉ vừa được mở rộng, nếu thầy cô hoặc ba mẹ sớm gieo vào đó những hình ảnh xấu (dù với mục đích cảnh báo), những câu chuyện kiểu như nếu bị xâm hại con sẽ thế nào, cách đề phòng và chống cự người có hành vi xấu ra sao sẽ khiến bé cảm thấy lo lắng, cảm giác trường học không phải nơi an toàn và hành vi xấu có thể diễn ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu.

Làm mẹ, tôi luôn tâm niệm không dạy con bằng sự bảo bọc mà dạy con cách  nhìn và cảm nhận, phản ứng với thế giới quanh mình. Riêng vấn đề lạm dụng đang được cả xã hội quan tâm, rất mong các trường học cân nhắc hình thức và mức độ truyền tải thông tin đến học trò. Xin hãy thể hiện cho phụ huynh thấy bản lĩnh giáo dục của mình, hãy là nơi không chỉ truyền tải kiến thức mà còn là nơi các con được an toàn trong học tập và vui chơi, được sống đúng với lứa tuổi của mình và tin tưởng vào sự chăm sóc, dạy dỗ của các thầy cô giáo.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục