Gia đình ông C. và ông M. là hàng xóm, nhà đối diện nhau mấy chục năm qua. Ông C. mở quán bán phở trước nhà. Từ năm 2003 đến nay, 2 gia đình cãi vã liên miên vì khách đến ăn phở thường để xe sang phần sân nhà ông M. Hơn 10 năm, địa phương hòa giải nhiều lần nhưng bất thành.
Sáng 7-2-2016, chuyện cũ tái diễn, vợ chồng ông M. thấy xe dựng trước nhà mình nên lớn tiếng với ông C. Như “giọt nước tràn ly”, 2 bên không chỉ lời qua tiếng lại mà còn xông vào xô xát. Bị ông M. đập nón bảo hiểm vào người, con trai ông C. (tên B.) cầm ly thủy tinh đánh trúng mắt trái ông M. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự, bắt giam B. Cũng từ ngày ấy, thị lực mắt trái của ông M. chỉ còn thấy sáng tối với mức thương tật 39%. Tòa sơ thẩm tuyên phạt B. 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, buộc bồi thường 10 triệu đồng. Bị hại làm đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường.
Tại tòa phúc thẩm, B. khai do mình nóng giận, không kiềm chế nên quơ chiếc ly, chẳng may trúng ông M. chứ không cố ý. B. đồng ý mức hình phạt tòa sơ thẩm đưa ra. “Bị cáo có 2 con nhỏ, cha mẹ già bệnh tật triền miên. Vì vậy, bị cáo không có khả năng bồi thường hơn nữa. Mong bị hại bỏ qua, xin tòa cứu xét”, B. cúi mặt, nói. Còn ông M. khẳng định mình không hề xúc phạm mà chỉ đề nghị gia đình ông C. tôn trọng hàng xóm. Về nội dung kháng cáo, ông trình bày: “Đột nhiên B. xông qua nhà, cầm ly phang vào tôi. Đây là hành vi côn đồ. Hiện mắt tôi không chỉ thương tật 39% mà đã xuất hiện di chứng, mắt trái giờ không thấy ánh sáng nữa”. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm để làm rõ tỷ lệ thương tật của bị hại, từ đó xem xét trách nhiệm dân sự của bị cáo.
Ra khỏi phòng xử, hơn chục người trong gia đình ông C. kích động chửi bới, bao vây ông M. và vợ. Bảo vệ tòa phải can thiệp, giải vây. Vợ chồng ông không dám ra về, ông M. vội vàng điện thoại, dặn 2 con gái đừng về nhà vội vì hàng xóm đe dọa sẽ tạt axít. “Muốn yên thân chắc chỉ còn nước bán nhà, dọn đi nơi khác!”, vợ ông M. thở dài.
Người ta thường nói “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Song, câu chuyện xóm giềng giữa 2 gia đình ông C. và ông M. dường như không phải vậy.
KỲ LÂM