Mới đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế có xin đầu tư một nhà máy nhiệt điện từ than bùn để vừa cung ứng cho các dự án đầu tư công nghiệp của tỉnh, nếu dư sẽ bán điện lên lưới quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cho rằng để đầu tư một dự án như vậy cần có sự nghiên cứu rất nghiêm túc, không chỉ đơn thuần xây một nhà máy lên mà còn phải tính vấn đề bảo vệ môi trường thế nào, tức là xử lý chất thải (ở đây là xỉ than) ra sao, phải tính toán đầu tư hệ thống lưới truyền tải phù hợp…
Theo Bộ trưởng, sơ đồ lưới điện đã được nghiên cứu và thông qua phù hợp với tính toán dự báo tăng trưởng kinh tế chung, do vậy nguồn và lưới đã được tính toán đầu tư đồng bộ.
Điều băn khoăn, như dự kiến tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch sẽ đầu tư hệ thống nguồn thủy điện để phục vụ cho một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp tại địa phương này, trong đó có Nhà máy bột giấy Thanh Hóa, thì tỉnh lại muốn giảm công suất nguồn vì không muốn mất nhiều diện tích đất khi làm hồ chứa nước
Nhưng với tỉnh Thừa Thiên-Huế, nếu muốn đầu tư nguồn mà chưa tính toán đồng bộ đầu tư lưới (thêm một đường dây 500kV chẳng hạn) thì lại không hiệu quả.
Câu chuyện dẫn đến sự tranh cãi. “Tôi có năng lực sản xuất nguồn điện mà nhà nước lại độc quyền về lưới phát nên tôi không thể bán điện lên lưới quốc gia dễ dàng. Đây là một nghịch lý!”.
Các nhà đầu tư nói đùa rằng trong giai đoạn hiện nay, tuy nhà nước khuyến khích mọi thành phần đầu tư vào những ngành mà nhà nước không cấm, nhưng đầu tư nguồn điện thì nên tính toán đến khả năng bán điện lên lưới quốc gia vì hệ thống lưới này đang là sự độc quyền tự nhiên, hay nói cách khác, đó là sự độc quyền lịch sử.
Chính lịch sử bao cấp của nhà nước trong một thời gian dài vừa qua tạo cho một số ngành độc quyền kinh doanh, độc quyền sản xuất và bán hàng. Người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác.
Lưới điện hiện nay chỉ có một của EVN cung cấp đến từng hộ tiêu dùng, vì vậy khi thị trường hóa ngành điện thì việc tính toán làm sao cung ứng điện cạnh tranh đến từng hộ lại rất khó khăn.
Nguồn điện thì có thể kêu gọi nhiều nhà đầu tư cùng vào nhưng không thể mỗi doanh nghiệp tự đầu tư lưới đến các hộ mua điện của mình. Ngoại trừ một số dự án nguồn quy mô nhỏ cung ứng tại chỗ cho một khu vực hay dự án nào đó, còn các nhà đầu tư có quy mô lớn đàm phán và bán điện lên lưới quốc gia không phải là một việc dễ dàng, vì lưới chỉ có một “nhà” đang khai thác.
Hiện nay, còn một số ngành đang trong tình trạng độc quyền như cấp nước, hệ thống điện thoại cố định… Bao giờ giải mã được vấn đề nêu trên mới có thể nói đến một môi trường đầu tư bình đẳng và lành mạnh một cách thật sự.
QUANG TUẤN