(SGGPO). - Sáng 16-11, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ
Tái cơ cấu nền kinh tế chậm
Về các nội dung quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cơ cấu kinh tế... Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật. Triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn tập trung, khắc phục một bước tình trạng phân tán, dàn trải.... Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng từ gần 80% năm 2011 lên 82,5% năm 2015.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư; tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm; hiệu quả đầu tư công chưa cao; thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư phát triển chưa thật hiệu quả; Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nhiều ngành, lĩnh vực và sắp xếp, đổi mới nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp chưa đạt tiến độ đề ra; tỷ lệ vốn được cổ phần hóa còn thấp.
Vẫn còn thất thoát, lãng phí
Trong lĩnh vực tài chính, các giải pháp đã được đẩy mạnh như: thực hiện cơ chế giá thị trường; hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện lộ trình tái cấu trúc và phát triển các thị trường chứng khoán, bảo hiểm; thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá... Tuy nhiên, cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao; quản lý và sử dụng ngân sách ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ; vẫn còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi ngân sách; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp; việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.
Chính sách tiền tệ, tín dụng đã được điều hành linh hoạt
Theo Chính phủ, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đã được thực hiện linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Việc điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011; thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện; hoàn thiện pháp luật về kinh doanh vàng, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát; nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9-2015 còn 2,93%...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Chất lượng tín dụng, quản trị và dịch vụ ngân hàng còn phải tiếp tục cải thiện và tăng cường ngày càng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cả nước có 131 thứ trưởng và tương đương
Theo báo cáo, tổng số cán bộ cấp thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan tăng do sắp xếp tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ. Việc tăng số lượng cấp phó các đơn vị thuộc một số bộ, ngành chủ yếu do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng. Số lượng cấp phó ở các bộ, ngành và địa phương sẽ giảm trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tính đến tháng 11-2015, cả nước có 131 thứ trưởng và tương đương (tăng 9 so với đầu nhiệm kỳ); có 238 phó chủ tịch UBND cấp tỉnh (so với quy định nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 9 người; so với đầu nhiệm kỳ nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì giảm 5 người).
HÀ MY