Đó là những đánh giá được nhìn nhận tại hội nghị “Sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2019” diễn ra sáng 10-5.
Kiểm tra thường xuyên, liên tục
Ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó trưởng Phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP, cho biết trong tổng số 1.974 đơn vị giáo dục trên địa bàn TP có 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống đang hoạt động. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm ở khu vực trường học, quy mô các vụ ngộ độc giảm qua từng năm.
Trong quý 2 năm 2018, Ban Quản lý ATTP đã thanh tra, kiểm tra 317 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học. Kết quả chỉ có 7 cơ sở bị xử lý vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 100 triệu đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Ban Quản lý ATTP phối hợp với Sở GD-ĐT, phòng y tế và phòng GD-ĐT 6 quận (3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh) kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại 582 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học. Kết quả, có 562 cơ sở đạt điều kiện ATTP, chiếm tỷ lệ 96,6%.
Đánh giá về công tác triển khai, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, nhấn mạnh trường học là đối tượng được quan tâm nhiều nhất về vấn đề ATTP. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, bà Phong Lan cho biết hiện nay công tác quản lý chưa đặt nặng vấn đề xử phạt mà chủ yếu hướng dẫn, giải thích và tư vấn cho các trường để tăng cường chất lượng ATTP trong trường học. “Từ chỗ khuyến khích, nhắc nhở, công tác đảm bảo ATTP sẽ dần chuyển qua bắt buộc, lấy kết quả thí điểm ở một số quận, huyện làm cơ sở nhân rộng đại trà toàn TP. Sắp tới sẽ công khai tên các cơ sở vi phạm cũng như biểu dương những nơi làm tốt để người dân cùng tham gia giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Tăng cường vai trò giám sát
Ông Phan Trí Dũng, chuyên viên phòng GD-ĐT quận 11, cho rằng hiện nay hầu hết đơn vị trong hệ thống trường công lập đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện “Chuỗi thực phẩm an toàn” cũng như thành lập ban quản lý ATTP tại trường học. Tuy nhiên, đối với khu vực ngoài công lập, đa số các trường đều không xây dựng kế hoạch thực hiện ATTP, không thành lập ban quản lý ATTP của đơn vị nên không có sự phân công trách nhiệm cụ thể. Nhiều trường ngoài công lập không chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm không thuộc “Chuỗi thực phẩm an toàn”, không nắm rõ các quy định về đảm bảo ATTP nên thực hiện chưa đúng quy định, không chủ động rà soát chất lượng thực phẩm đưa vào trường học mà lệ thuộc vào nhà cung cấp.
Ở góc độ quản lý, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đề nghị các trường học thực hiện công khai tên nhà cung cấp thực phẩm, giá thành cũng như thành phần dinh dưỡng trong từng suất ăn của học sinh. Bên cạnh đó, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, trong năm học 2019-2020, các trường tăng cường vai trò giám sát của phụ huynh, trong đó thường xuyên tạo điều kiện, phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra chất lượng bữa ăn trong trường học. “Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước phụ huynh và cơ quan quản lý về ATTP trong trường học. Những đơn vị đã bị xử lý vi phạm, đề nghị chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm”, bà Bùi Thị Diễm Thu bày tỏ.