(SGGPO).- Theo Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) vừa được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được quyền chất vấn cả trong kỳ họp, ngoài kỳ họp và phù hợp với điều kiện Quốc hội, HĐND hoạt động không thường xuyên.
Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi chất vấn ngay tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), phiên họp Thường trực HĐND. Đối với một số trường hợp mà chất vấn chưa thể trả lời trực tiếp ngay tại phiên họp thì Quốc hội, UBTVQH, HĐND, Thường trực HĐND cho trả lời bằng văn bản.
Khi chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, HĐND thì căn cứ vào chương trình kỳ họp, Quốc hội, HĐND quyết định danh sách những người trả lời chất vấn, nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp Thường trực HĐND thì căn cứ vào số lượng, nội dung chất vấn và chương trình phiên họp để quyết định thời gian, danh sách người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đa số ý kiến trong Ủy ban này cho rằng quy định như vậy bảo đảm phù hợp với Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật Tổ chức Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. Ảnh: Lã Anh
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, chất vấn là công cụ giám sát rất mạnh, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhưng nó chỉ thực sự mạnh khi chất vấn được tiến hành trực tiếp và công khai. Do đó, tất cả các chất vấn phải được trả lời trực tiếp. Việc lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội khó bảo đảm sự khách quan, khó phản ánh hết ý chí của đại biểu và của cử tri.
Quyền không trả lời thông tin thuộc bí mật nhà nước cũng đã được nêu trong dự thảo Luật. Cụ thể, khoản 3 Điều 9 của Dự thảo Luật quy định đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Vẫn Chủ nhiệm Phan Trung Lý nói thêm: “Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn đề nghị thế nào là “bí mật nhà nước” để tránh tình trạng đối tượng chịu sự giám sát từ chối trả lời, cung cấp thông tin, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của các chủ thể giám sát”.
Một yêu cầu khác của cơ quan thẩm tra là việc quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Theo đó, đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản (như nghị quyết, kết luận, báo cáo...), trong đó phải nêu rõ những mặt đã làm được, mặt chưa làm được, hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể. Đồng thời, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận, kiến nghị của mình.
ANH PHƯƠNG