Báo động giáo dục ở xứ sương mù

Một cuộc khảo sát đối với 2.135 lãnh đạo các trường học trong tháng 10 và 11 vừa qua về vấn đề tuyển dụng do Liên đoàn Giáo dục Vương quốc Anh tiến hành cho thấy 79% trường học đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.

Một cuộc khảo sát đối với 2.135 lãnh đạo các trường học trong tháng 10 và 11 vừa qua về vấn đề tuyển dụng do Liên đoàn Giáo dục Vương quốc Anh tiến hành cho thấy 79% trường học đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.

Theo đó, những người tham gia đang gặp rắc rối vì số giáo viên bỏ việc ngày càng tăng, trong khi năm ngoái chỉ có 15% thì năm nay tăng lên 33%. Một trong những lý do phổ biến khiến việc tuyển dụng khó khăn ở thủ đô London và miền Đông Nam nước Anh là do phí nhà ở và giá sinh hoạt tăng. Ngoài ra, chi phí tuyển dụng trung bình cũng tăng từ 3.000 bảng Anh lên 10.000 bảng Anh cho mỗi vị trí cần tuyển.

Đến đầu tháng 12 này, Cơ quan chuyên trách về giáo dục phổ thông ở Anh OFSTED ra báo cáo đặc biệt, quan ngại về con số 400.000 học sinh cấp hai ở miền Bắc xứ sương mù đang phải học tại những ngôi trường không được xếp loại tốt trong cuộc khảo sát năm 2015. Theo RFI, từ vài năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông ở Anh là đề tài bị chỉ trích liên quan đến những chính sách như chương trình tích hợp và xã hội hóa giáo dục phổ thông. Chất lượng giáo dục kém được xác định là do đội ngũ giáo viên giỏi bị thất thoát. Ở nước Anh, cấp hai bắt đầu từ lớp 7 đến cuối lớp 11 và các em sẽ thi để lấy bằng GCSE, được coi là đủ để bước vào đời. Trong báo cáo thường niên của OFSTED vừa được công bố, Sir Michael Wilshaw đặc biệt chú ý đến tình trạng là có trên 60% học sinh phải vào học những trường không được xếp loại tốt, kéo theo nguy cơ không đủ tiêu chuẩn để đạt điểm trung bình trong các kỳ thi GCSE. Đáng ngại hơn cả là đa số các khu vực yếu kém nằm ở các thành phố công nghiệp trước đây ở miền Trung của Vương quốc Anh, như là các vùng ngoại ô của Leeds, Manchester và Sheffield. Một trong số những lý do được chỉ ra là giáo viên giỏi ở các trường công chuyển dần sang dạy ở các trường tư. Giáo viên dạy các môn tự nhiên và kỹ thuật thiếu trầm trọng, còn giáo viên mới ra trường nếu không dạy cho trường tư thì ra nước ngoài kiếm việc làm.

Tờ Guardian dẫn một bài phân tích của chuyên gia Jessica Shepherd cho biết các trường cấp hai ở Anh đang áp dụng mô hình học viện, với nội dung tích hợp các môn học, nhưng đi vào hướng trang bị cho học sinh các kỹ năng nghề nghiệp để khi học xong là có thể biết kinh doanh, viết văn, kể cả lao động tay chân thì cũng có kiến thức quản lý công việc và tự hoạt động trong nền kinh tế năng động toàn cầu. Vào năm 2010, trên toàn nước Anh chỉ có chừng 200 trường cấp hai tổ chức theo mô hình này, nhưng đến nay con số này đã tăng chóng mặt lên gần 1.600 trường, rất nhiều trường nhà nước do các địa phương quản lý chuyển sang mô hình tự chủ nhưng lại không được kiểm soát chặt về chất lượng như trước.

Một trong số các giải pháp được London áp dụng là các trường chất lượng kém liên kết với trường giỏi để chia sẻ không chỉ kinh nghiệm mà còn cả tài nguyên giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp chữa cháy vì các trường giỏi cũng đang gặp vấn nạn thất thoát giáo viên giỏi như đã nói ở trên, tạo thành vòng luẩn quẩn khó gỡ.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục