Báo động “lệch pha”

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM họp với các trường có đào tạo các ngành khối y dược trên địa bàn TP để nhắc nhở họ phải chú trọng chất lượng đào tạo, trong đó phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, phòng thực hành, đội ngũ giảng viên…

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM họp với các trường có đào tạo các ngành khối y dược trên địa bàn TP để nhắc nhở họ phải chú trọng chất lượng đào tạo, trong đó phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, phòng thực hành, đội ngũ giảng viên…

Ở góc độ quản lý của ngành, đây là việc phải làm, phải thẩm định kỹ trước khi cho phép mở ngành đặc thù này để đào tạo hoặc phân bổ chỉ tiêu. Điều đáng giật mình ở đây là năm nay, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lại thêm một mùa bội thu tuyển sinh ngành y dược. Mừng hay lo?

Trong khi các ngành nghề khác thuộc nhóm kỹ thuật, công nghệ, sản xuất… teo tóp, tuyển sinh èo uột, chỉ đạt trên dưới 1% hoặc cao hơn là 5% - 7% thì ngành sức khỏe (dược, điều dưỡng, y sĩ) tiếp tục giữ phong độ - cao ngất ngưởng. Nếu năm học 2012 - 2013, các trường TCCN tuyển sinh ngành sức khỏe chiếm trên 47,6% thì năm nay tỷ lệ này dao động ở ngưỡng 40% - 50% tổng số học sinh nhập học của các trường. Nhiều trường không ngần ngại chia sẻ, nhờ số lượng học sinh đăng ký học ngành y dược chiếm khoảng 50% hoặc cao hơn trong tổng chỉ tiêu đào tạo từ 1.500 đến 2.000 học sinh đã “cứu” trường khỏi chết đuối. Nhiều trường TCCN phân trần, họ mở hơn 10 ngành học nhưng học sinh chỉ đổ xô vào học ngành này và không thể không đào tạo theo nhu cầu của người học.

Trước mùa tuyển sinh hệ giáo dục chuyên nghiệp, đại diện Bộ GD-ĐT cảnh báo ngành y dược đã có dấu hiệu bội thực và các trường đừng tiếp tục đổ xô đào tạo ngành này nữa. Chuyện đã rõ như thế nhưng tại sao các trường vẫn được phân bổ chỉ tiêu đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe ở mức “khủng”? Theo giải thích của Sở GD-ĐT TPHCM, việc xác định cụ thể nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này còn lúng túng, bị động. Hơn nữa nhu cầu mở ngành y dược của các trường lại rất lớn. Dù đã thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường (ĐH, CĐ, TCCN) có đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe trên địa bàn TP nhưng đến giờ này, việc xác định nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vẫn dò dẫm, thiếu tính định hướng. Như thế thì lỗi tại ai và ai phải chịu trách nhiệm trước thực tế đào tạo tràn lan ngành y dược trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung? Trong khi y sĩ, y tá, điều dưỡng viên… ra trường thất nghiệp dài dài và chỉ có khoảng 50% làm đúng ngành nghề thì các trường vẫn hăm hở chiêu sinh, quảng bá với đủ chiêu trò để thu hút người học. Do thiếu thông tin hoặc bị tư vấn, chiêu dụ, nhiều học sinh vẫn cắm đầu vào học và cũng không nắm rõ mình được đào tạo như thế nào, chất lượng đến đâu (!?). Thật không thể tin được là có nhiều y tá, y sĩ tương lai không biết cầm kim tiêm như thế nào cho đúng. Đơn giản là họ không có điều kiện thực hành nghề đúng nghĩa và ở trường chỉ học chay trên những mô hình giả.

Nếu cứ thả nổi “công nghệ dạy và thu tiền” như hiện nay, bất chấp sản phẩm đào tạo ra có được xã hội chấp nhận và tuyển dụng hay không thì không chỉ lãng phí mà còn tạo sự lệch pha trong đào tạo nguồn nhân lực. Đó là lời cảnh báo của các chuyên gia giáo dục, đào tạo. Bao giờ tình trạng đào tạo tràn lan, mở ngành y dược quá dễ dãi được chấn chỉnh để người học chọn đúng địa chỉ và thực học, thực hành?

HÀ KHANH

Tin cùng chuyên mục