Báo động mới về mực nước biển dâng cao

.
Báo động mới về mực nước biển dâng cao

(SGGP-12G).- Trong 2 năm qua, băng tan ở Greenland và Nam Cực nhanh gấp đôi so với mức dự báo của LHQ. Trước tình trạng băng tan nhanh gây hàng loạt thiên tai đe dọa hàng trăm triệu người, các nhà khoa học LHQ vừa đưa ra cảnh báo mới rất bi kịch.

Lời kêu gọi khẩn cấp

Trong cảnh báo đưa ra ngày 10-3, các nhà khoa học cho biết, các khối băng ở Greenland và Nam Cực tan nhanh sẽ làm mực nước biển dâng thêm 1m hoặc hơn vào năm 2100, nhấn chìm nhiều thành phố ven biển, phá hủy môi trường sống của 600 triệu người ở những khu vực có nền đất thấp và các đảo quốc.

Những tảng băng băng lớn bị tan rã ngày càng nhiều

Những tảng băng băng lớn bị tan rã ngày càng nhiều

Những nước có nền đất thấp và dân số đông như Bangladesh, Myanmar và Ai Cập sẽ chứng kiến nhiều khu vực ở đất nước của họ bị biến mất. Các chuyên gia ở Bangladesh ước tính, cứ 1m nước biển dâng cao sẽ “nuốt chửng” 17% diện tích đất tại đây.

Các đảo quốc ở Thái Bình Dương như Tuvalu, nơi có 12.000 người đang sống chỉ trên mặt biển vài mét, hay như Maldives sẽ bị xóa sổ. Thậm chí, Anh cũng có thể đối mặt những thách thức tại các vùng đất thấp dọc bờ biển phía Đông, từ Lincolnshire tới khu vực cửa sông Thames. Khu vực này cũng có nhiều nguy cơ gặp nhiều bão hơn như cơn bão gây lụt năm 1953 làm 307 người chết.

Lời kêu gọi khẩn cấp gửi tới các chính phủ do 4 nhà khoa học từ Mỹ, Australia và Đức đưa ra tại một cuộc họp báo về hội nghị khoa học về thay đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch).

Họ đều là chuyên gia về mực nước biển dâng cao, gồm Konrad Steffen từ Đại học Colorado (Mỹ), tiến sĩ John Church, Trung tâm Nghiên cứu thời tiết và khí hậu Tasmania (Australia); tiến sĩ Eric Rignot từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và giáo sư Stefan Rahmsdorf từ Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Postdam (Đức).

Thực tế gấp đôi ước tính

Cách nay 2 năm, báo cáo AR4 của Ủy ban Nghiên cứu biến đổi khí hậu liên chính phủ (IPCC) thuộc LHQ đã dự báo, mực nước biển sẽ tăng 59cm vào năm 2100. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các nhà khoa học đều cho rằng báo cáo đó ước tính sai và mực nước biển thực tế đang tăng cao gấp đôi.

Báo cáo mới nhất của các nhà khoa học nói trên là khúc dạo đầu cho hội nghị về biến đổi khí hậu thế giới diễn ra tại Copenhaghen vào tháng 12 tới. Bốn nhà khoa học trên đã chỉ ra rằng tầm quan trọng sống còn để các nhà lãnh đạo thế giới cắt giảm khí thải CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, vốn đang làm trái đất nóng lên từng ngày.

Theo các nhà khoa học này, băng ở Greenland không chỉ tan mà đang tan ở mức kịch tính do nhiệt độ trái đất tăng cao. Theo giáo sư Steffen, băng ở Greenland mỗi năm tan xuống biển từ 200-300km3. Một lượng tương đương cũng tan chảy ở tất cả tảng băng của Nam Cực. Điều này dẫn tới việc mực nước biển mỗi năm dâng thêm 1mm.

Giáo sư Church dựa vào các dữ liệu vệ tinh cho thấy, mực nước biển mỗi năm dâng cao thêm 3mm, cao hơn 50% so với mức trung bình trong thế kỷ 20.

Trước đây, các nhà khoa học Anh cũng từng cho rằng, báo cáo AR4 thiếu chính xác vì vào năm 2100, mực nước biển có thể tăng thêm 2,7m .

KHÁNH MINH (theo Independent)

Tin cùng chuyên mục