Báo động ngộ độc nấm

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời tiết mưa nhiều và ấm vài tháng trước đây là điều kiện thuận lợi cho các loài nấm phát triển, do đó thời điểm này hay xảy ra các vụ ngộ độc khi sử dụng nấm tự nhiên trong bữa ăn. Đáng lưu ý, các vụ ngộ độc do nấm xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trong đó phần lớn bệnh nhân ngộ độc đều có nguy cơ tử vong cao.
Báo động ngộ độc nấm

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời tiết mưa nhiều và ấm vài tháng trước đây là điều kiện thuận lợi cho các loài nấm phát triển, do đó thời điểm này hay xảy ra các vụ ngộ độc khi sử dụng nấm tự nhiên trong bữa ăn. Đáng lưu ý, các vụ ngộ độc do nấm xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trong đó phần lớn bệnh nhân ngộ độc đều có nguy cơ tử vong cao.

        Nguy kịch vì nấm rừng

Nằm mê man ở Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai là 5 bệnh nhân, cả người lớn và trẻ nhỏ bị ngộ độc nấm trong 2 gia đình ở Võ Nhai, Thái Nguyên. TS-BS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, mặc dù các cơ quan y tế đã cảnh báo rất nhiều về nguy cơ ngộ độc nấm rừng, cũng như các loại nấm lạ nhưng trung tâm vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân, chủ yếu là người dân tộc bị ngộ độc nấm và đều chuyển tới bệnh viện khá muộn nên thường rất nguy hiểm tới tính mạng.

Bác sĩ Sơn cũng cho biết, tất cả 5 bệnh nhân ở Thái Nguyên bị ngộ độc nấm rừng đang điều trị ở trung tâm khi nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch, với các biểu hiện như: nôn nhiều, tiêu chảy quá nhiều, sốc, tụt huyết áp, mất nước, trụy mạch. Qua điều tra cho thấy, các bệnh nhân này bị ngộ độc sau khi ăn canh nấm tán trắng hái ở rừng.

Đáng chú ý, loại nấm tán trắng gây ngộ độc chỉ khác nấm rơm thông thường ở chỗ phía gốc có đoạn phình lớn, còn mùi vị đều thơm ngon và ngọt. Loại nấm này chứa độc tố amanitin (cyclopolypeptide) có độc tính cao. Mỗi chiếc nấm có thể gây chết một người trưởng thành nếu không cấp cứu kịp thời.

Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm đang trong tình trạng nguy kịch.

Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân bị ngộ độc nấm, nguy cơ tử vong rất cao nên điều trị rất khó khăn, tốn kém. Hầu hết bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê, tế bào gan bị hủy hoại làm men gan tăng rất cao. Đối với những trường hợp này, bệnh nhân phải được lọc máu liên tục mới có cơ may cứu sống.

Do đó, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thế này vô cùng tốn kém, ước chừng khoảng 300 đến 400 triệu đồng/ca. Tính riêng chi phí cho mỗi lần lọc máu đã tốn khoảng 15 - 16 triệu đồng với bệnh nhân có BHYT.

        Tránh xa các loại nấm sặc sỡ, khác lạ

Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay thời tiết ẩm ở nhiều địa phương phía Bắc khiến các loại nấm phát triển rất tốt. Trong khi đó, các vùng núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên, đồng bào dân tộc lại có thói quen thu hái và sử dụng các loại nấm tự nhiên để làm thực phẩm. Đây chính là yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngộ độc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Thống kê cho thấy, trong vòng 5 năm qua, cả nước đã xảy ra gần 150 vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng nấm độc làm thức ăn, khiến hơn 550 người bị ngộ độc, trong đó có gần 60 ca tử vong.

Các loại nấm màu sắc sặc sỡ có nguy cơ gây độc rất cao

Các loại nấm màu sắc sặc sỡ có nguy cơ gây độc rất cao

PGS-TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, những loại nấm gây ngộ độc thường có hình dáng gần với nấm ăn được như nấm tán trắng, nấm trắng hình nón, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm mũ khía nâu… Trong khi đó, người dân tộc thường có quan niệm, nấm sặc sỡ mới độc còn nấm trắng thì an toàn. Ngoài ra, họ thường thử độc bằng cách cho mèo, chó, gà ăn thử nấm, sau 1 - 2 giờ nếu không thấy các con vật bị ngộ độc thì đó là nấm lành.

Tuy nhiên, các nấm rừng thường phát độc chậm, thậm chí 15 - 20 giờ sau ăn, nên dù cẩn thận cho gia súc ăn trước nhưng người dân vẫn có thể bị ngộ độc. Trong số các loại nấm độc thì độc nhất là nấm lục (hay nấm độc xanh đen), khi bị ngộ độc loại nấm này, khoảng 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới có biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội và thời điểm này hầu hết chất độc đã vào máu nên nguy cơ tử vong rất cao.

TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, khuyến cáo, người dân tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn dù chỉ một lần. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho biết, khi bị ngộ độc nấm có thể sơ cứu bằng cách sử dụng biện pháp cơ học gây nôn cho bệnh nhân. Sau đó, cho người bệnh uống than hoạt tính liều 1 gam/kg cân nặng người bệnh, đồng thời cho uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.

Tiếp đó, khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến khi có triệu chứng ngộ độc, nếu dưới 6 giờ có thể điều trị ở trung tâm y tế xã, huyện, trên 6 giờ phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu mới hy vọng cứu sống được người bệnh.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục