
Trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình mới, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giữ ổn định hệ thống các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, chỉ thực hiện việc sắp xếp khi thực sự cần thiết. Trung tâm y tế tuyến huyện, quận, thị xã được tổ chức lại thành trung tâm y tế khu vực, trở thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở y tế tỉnh, thành phố. Hệ thống trạm y tế xã phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực về cơ bản vẫn được giữ nguyên đảm bảo tính ổn định và liên tục. Khi cần sắp xếp, địa phương có thể gộp các trạm y tế lại nhưng phải giữ điểm khám, chữa bệnh tại các khu vực cũ, để người dân không bị ảnh hưởng trong tiếp cận dịch vụ. Đáng chú ý, với việc bỏ cấp quận, huyện thì công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế tại các xã, phường đã được chuyển cho Phòng Văn hóa - Xã hội thực hiện, chịu trách nhiệm về các lĩnh vực như: y tế dự phòng, khám chữa, bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, dân số, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, y dược cổ truyền, dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, thiết bị y tế…
Trong bối cảnh này, Bộ Y tế đã chủ động, kịp thời triển khai các chương trình tập huấn chuyên sâu cho lãnh đạo và cán bộ y tế tại các địa phương, nhằm làm rõ các nội dung liên quan đến công tác quản lý về các lĩnh vực nêu trên. Đánh giá về sự thay đổi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, tỷ lệ phân quyền rất lớn, chỉ riêng lĩnh vực dược đã có tới 56% thủ tục được chuyển giao về địa phương, đồng nghĩa với việc địa phương phải nâng cao năng lực điều hành, tổ chức và giám sát hệ thống y tế cấp cơ sở. Bởi nếu phân cấp, phân quyền mà không đi kèm nâng cao trách nhiệm, năng lực tổ chức giám sát chặt chẽ thì dễ dẫn tới sự chồng chéo, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống y tế.
Chuyển đổi mô hình chính quyền là một tiến trình tất yếu, đòi hỏi các chính sách y tế phải linh hoạt, “hàng rào” vững chắc để bảo vệ sức khỏe của người dân. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa trung ương và địa phương, giữa lãnh đạo ngành và đội ngũ nhân lực tại cơ sở. Hơn nữa, để không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức nhân dân, đòi hỏi hệ thống y tế ở các địa phương phải thực sự đủ mạnh, từ nhân sự, cơ sở vật chất đến quy trình vận hành. Bộ Y tế nên tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người dân.