
Theo ước tính mới đây nhất của LHQ, người dân trên toàn cầu đang sở hữu gần 500 triệu đơn vị các loại vũ khí nhỏ và hạng nhẹ từ các hoạt động mua bán vũ khí bất hợp pháp. Rất nhiều quốc gia tập trung ở các nước đang phát triển, Nga và thậm chí cả một số nước ở châu Âu, đang đặt trong tình trạng báo động về nạn buôn bán loại hàng hóa kéo theo nhiều thảm kịch cho con người này.
Nhan nhản các loại vũ khí thông thường
Theo ông Valery Fedorov, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Pháp chế liên bang Nga, hàng trăm tấn thuốc nổ, các loại vũ khí hạng nhỏ, thậm chí cả tên lửa đất đối không vác vai Stinger của Mỹ và Igla của Nga đang “chu du” khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh của Duma Nga, Gennady Gudkov, cho hay so với những năm 90 của thế kỷ trước, số lượng vũ khí trên thị trường chợ đen có giảm đôi chút và giá của chúng hiện đắt đỏ hơn trước rất nhiều. Một khẩu súng ngắn tự động TT do Nga sản xuất hiện bán trên thị trường chợ đen với giá 2.500 USD/khẩu, trong khi 15 năm trước giá của nó chỉ vào khoảng 15 USD.

Súng carbine M4 thậm chí chỉ được bán với giá vài xu USD.
Tuy nhiên, giá cả còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khu vực. Càng gần nơi có chiến sự, giao tranh, giá vũ khí càng rẻ”, ông Gudkov giải thích. Để chứng minh cho luận điểm này, ông Gudkov dẫn chứng: Những khẩu súng lục ổ quay được mua với giá rất “bèo” tại Krasnodar, một TP ở phía Nam nước Nga, bên bờ sông Kuban. Sau cuộc xung đột kéo dài 5 ngày giữa Gruzia và Nga năm ngoái, người dân nước Cộng hòa Abkhazia thuộc Nga và người dân Nga đã thu nhặt được hàng chục ngàn đơn vị các loại vũ khí. Vài ngày sau khi cuộc giao tranh kết thúc, một lượng lớn vũ khí này đã được đem ra mua bán tại Kuban.
Trước khi nổ ra vụ xung đột, các loại vũ khí cá nhân mà các sĩ quan Gruzia sử dụng thường được bán với mức 1.700 USD/món hàng. Sau thời gian căng thẳng giữa 2 nước, loại hàng này bị rớt giá thê thảm chỉ từ 340 - 510 USD/món. Những khẩu súng máy cầm tay trang bị cho cá nhân như súng carbine M4 thậm chí chỉ còn bán với giá vài xu USD… Hiện thị trường buôn bán vũ khí chợ đen vẫn tiếp tục rầm rộ phát triển tại Kuban.
Tại một số quốc gia châu Âu, tình hình kiểm soát buôn bán vũ khí bất hợp pháp cũng không lấy gì làm khả quan. Tại Ba Lan, nước có tỷ lệ người dân sở hữu vũ khí thấp nhất châu Âu, cứ 1.000 người thì có 3,5 người có vũ khí. Trong khi đó, tại Đức tỷ lệ sở hữu vũ khí tại nước này cao gấp 6 lần Ba Lan. Bên kia Đại Tây Dương, Chicago - TP có tỷ lệ tội phạm cao nhất của Mỹ - cũng “không chịu kém cạnh”. Năm 2008, 1/2 trong tổng số hơn 13.000 các loại vũ khí bị sung công là các loại bán tự động và tự động - loại vũ khí thường được gọi là “vũ khí tấn công”. Tuần vừa qua, riêng tại bang California, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tịch thu, sung công gần 30.000 các loại vũ khí, trong đó rất nhiều loại “vũ khí tấn công”.
Hiểm họa từ “thị trường chợ đen hạt nhân”
Các chuyên gia tin rằng chính phủ các nước sẽ phải tiếp tục chung sức, đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến xóa bỏ “thị trường vũ khí chợ đen” được nuôi dưỡng bởi các quốc gia khu vực Baltic và ở khu vực biên giới giáp với Ukraine - dân buôn lậu gọi là “biên giới xanh” - nơi vũ khí được vận chuyển dễ dàng. Tuy nhiên, hiện một số cường quốc như Mỹ, Nhật còn cho rằng thị trường vũ khí chợ đen thông thường đã có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định nhưng thị trường chợ đen hạt nhân còn là hiểm họa đối với nhân loại, với an ninh toàn cầu.

Tên lửa đất đối không vác vai Stinger của Mỹ có mặt khắp mọi nơi.
Sau vụ tấn công khủng bố 11-9 tại Mỹ, các nhóm khủng bố trên thế giới tuyên bố sẽ sử dụng mọi phương tiện để tiếp tục cuộc chiến chống phương Tây. Kể từ đó, người ta phát hiện ra sự tồn tại của “một thị trường chợ đen hạt nhân” và điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân. Còn nhớ, trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Prague (CH Czech) hồi tháng 4-2009 về mục tiêu xây dựng thế giới không có vũ khí hạt nhân, ông Obama khẳng định “khủng bố hạt nhân là nguy cơ trực tiếp và cực đoan nhất đối với an ninh toàn cầu”.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Một phần tử khủng bố có vũ khí hạt nhân có thể gây ra sự hủy diệt quy mô lớn và mạng lưới al-Qaeda từng tuyên bố đang tìm kiếm một quả bom hạt nhân và sẵn sàng sử dụng quả bom này”. Cảnh báo về sự tồn tại một thị trường chợ đen hạt nhân đã được đưa ra từ nhiều năm trước. Cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei trong một cuộc nói chuyện tại Đại học Hebrew ở Jerusalem (Israel) vào tháng 7-2004 cho hay hiện có ít nhất 20 công ty, trong đó có ít nhất 1 công ty của Mỹ, đang hoạt động trên thị trường chợ đen hạt nhân và sẵn sàng cung cấp “hàng” cho các quốc gia có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước những nguy cơ về khủng bố hạt nhân, Mỹ dự kiến sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân vào tháng 4-2010. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận biện pháp ngăn chặn các vụ khủng bố hạt nhân, phổ biến vũ khí hạt nhân và buôn bán các nguyên liệu phân hạch có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân tại thị trường chợ đen. Một hội nghị trù bị để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh trên sẽ được tổ chức ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) trong thời gian tới để thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân và các dự thảo văn kiện sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào năm tới. Các bên chưa tham gia Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) như Ấn Độ, Pakistan và Israel sẽ tham gia hội nghị trù bị này. Đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác quốc tế chống khủng bố hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân
ANH VĂN (Theo Pravda, Asahi)