Bao giờ đảm bảo cung cấp nước sạch?

Tại kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII vừa qua, các đại biểu đã thảo luận, chất vấn, quyết nghị nhiều vấn đề dân sinh như ngập nước, kẹt xe, tập trung cai cho người nghiện ma túy… Cử tri TP hài lòng về nhiều nội dung báo cáo và giải trình về việc thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Song, chuyện cung cấp nước sạch cho người dân vẫn còn là “món nợ đọng”.
Bao giờ đảm bảo cung cấp nước sạch?

Tại kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII vừa qua, các đại biểu đã thảo luận, chất vấn, quyết nghị nhiều vấn đề dân sinh như ngập nước, kẹt xe, tập trung cai cho người nghiện ma túy… Cử tri TP hài lòng về nhiều nội dung báo cáo và giải trình về việc thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Song, chuyện cung cấp nước sạch cho người dân vẫn còn là “món nợ đọng”.

Dù có thiết bị lọc nước nhưng nước giếng khoan ở huyện Bình Chánh vẫn chưa sạch. Ảnh: THANH HẢI

“Xin nhận khuyết điểm”

Theo mục tiêu TPHCM đề ra năm 2014 là 100% hộ dân đô thị được cấp nước sạch và 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhưng mục tiêu đó đã không thực hiện được. Trong nội dung trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Thành Chung đã thừa nhận rằng, dù rất nỗ lực nhưng mới ở mức 96,17% hộ dân đô thị được cấp nước sạch và 97% hộ dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh.

 Tuy nhiên khi bị đại biểu chất vấn: “Chính xác còn bao nhiêu hộ chưa có nước hợp vệ sinh?”, thì ông Chung “xin nhận khuyết điểm” và cho biết đến tháng 1-2015 mới có số liệu chính xác.

Với tinh thần chất vấn đến cùng, các đại biểu HĐND TP đã làm vỡ ra những bất cập trong việc cấp nước - một việc liên quan mật thiết với người dân. Nếu các đại biểu của dân chỉ cần nghe báo cáo chung chung, đại khái thì chắc chắn lãnh đạo Sở GTVT sẽ không đến nỗi phải “xin nhận khuyết điểm” và con số 96% - 97% hay hơn thế nữa “đã có nước sạch” cũng sẽ dễ dàng được chấp nhận.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nghiêm túc lưu ý: 40 năm sau ngày thống nhất đất  nước mà không nắm được chính xác nơi nào chưa có nước sạch, nơi nào phải mua nước với giá cao là điều “đáng tiếc và đáng trách”!

Thật vậy, ngay giữa lòng TPHCM, tại phường 12 quận Bình Thạnh đến nay người dân vẫn chưa có nước sạch! Khi báo chí đăng tải, nhiều người ngạc nhiên về thông tin này. Cư dân lô A chung cư Vĩnh Tường (đường Lộ Tẻ, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) cho biết gần 7 năm nay cư dân ở đây phải sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo. Cư dân khu phố 10 phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), cư dân khu Võ Tiên Sư (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), cư dân xã Bình Hưng (Bình Chánh)… cũng kêu vì chưa có nước sạch. Đó là chưa kể còn nhiều chung cư mới mọc lên ở các vùng ven và ngoại thành vẫn phải xài nước giếng khoan luôn có mùi hôi.

Cách nào để phủ kín mạng nước sạch?

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành cấp nước TPHCM nhiều năm qua nhằm mở rộng mạng cấp nước, tăng áp, cải tạo đường ống… Tuy nhiên, nước sạch vẫn chưa phủ kín các khu dân cư là do cách “tư duy” nơi nào đã “quy hoạch” - nói đúng hơn là đang bị quy hoạch treo - thì ngành cấp nước không đầu tư, mở rộng mạng. Cuối cùng, cư dân ở những nơi đó bị thiệt thòi.

Một nguyên nhân khác, nhiều cư dân các chung cư mới đang phải sử dụng nước “hợp vệ sinh” do chủ đầu tư cung cấp. Nói là “hợp vệ sinh” nhưng ai sử dụng nước này rồi cũng hiểu: chỉ để tắm giặt, xả bồn cầu…, chứ không thể dùng để uống hay nấu ăn do nước luôn nhiễm phèn hoặc có mùi hôi. Và dù mạng ống nước sạch của ngành cấp nước liền kề mạng ống nước “hợp vệ sinh” nhưng không thể đấu nối để cư dân được xài nước sạch vì các chủ đầu tư chung cư luôn viện dẫn nhiều lý do để họ độc quyền trong việc cung cấp nước “hợp vệ sinh” nhưng bán với giá cao.

Nguyên nhân cuối cùng: Suất đầu tư để mở rộng mạng ống cấp nước khá cao nên ngành cấp nước luôn kêu gọi “xã hội hóa”, nhưng sức dân lại có hạn. Nơi nào dân khá giả thì có thể góp 5 - 10 triệu đồng/hộ để ngành cấp nước kéo ống đến, nhưng đâu phải nơi nào dân cũng đủ lực. Thành ra, việc cấp nước sạch vẫn loanh quanh: Dân kêu không có nước sạch, ngành cấp nước kêu khó và mục tiêu “100% người dân được cung cấp nước” bị phá sản là điều không khó hiểu.

Để có con số chính xác bao nhiêu khu vực dân cư, bao nhiêu hộ dân chưa được cấp nước sạch, TP phải vẽ ra được bản đồ cấp nước toàn TP, để trên cơ sở đó có định hướng, định lượng phù hợp. Ngành GTVT TP không nên chạy theo những con số thành tích, mà cần nhìn thẳng vào thực tế: Làm cách nào để phủ kín mạng nước sạch cho TPHCM? Nơi nào cần “xã hội hóa”, nơi nào phải nhờ TP hỗ trợ, tìm kiếm nguồn vốn vay để đầu tư mạng ống… với lộ trình thích hợp.

Về lâu dài, TP cần quyết liệt để giảm dần số khu vực sử dụng nước “hợp vệ sinh”, chuyển dần sang cung cấp cho dân nước sạch. Đối với các dự án khu dân cư mới, có nguồn nước sạch cung cấp cho dân phải trở thành tiêu chí bắt buộc để xét cấp phép dự án... phải khẩn trương để trong vài năm tới sẽ phủ kín mạng nước sạch và người dân sẽ không còn cảnh thiếu nước hay xài nước “hợp vệ sinh” nhưng đậm mùi, khó ngửi.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục