Bão Katrina bộc lộ mặt trái của xã hội Mỹ

Bão Katrina bộc lộ mặt trái của xã hội Mỹ

“Chúng ta đang phải giải quyết một trong những thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên bố như vậy khi cắt ngắn kỳ nghỉ hè để vội vã quay về Nhà Trắng chỉ đạo chiến dịch đối phó với bão Katrina.

  • Bão Katrina-Thảm họa thế kỷ của nước Mỹ

Gần một tuần sau khi bão Katrina - cơn bão lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ tràn vào bờ biển vùng Vịnh Mexico, vẫn chưa có số liệu chính xác về số người chết và mức độ thiệt hại vật chất.

Bão Katrina bộc lộ mặt trái của xã hội Mỹ ảnh 1

Lực lượng vệ binh quốc gia quá mỏng cho công cuộc cứu hộ chỉ biết đứng nhìn.

Nhưng giới chức Mỹ đã thừa nhận số người thiệt mạng chắc chắn lên tới hàng chục nghìn và thiệt hại ít nhất là 100 tỷ USD (theo ước tính của tổ chức “Risk Management Solutions” (RMS), một công ty chuyên cố vấn tài chính và bảo hiểm cho việc xử lý thảm họa, thiên tai kinh tế) và lớn hơn rất nhiều so với mức 10-25 tỷ USD cũng do RMS dự báo khi cơn bão vừa xảy ra. New Orleans, một thành phố với 500.000 dân nằm dưới mực nước biển đã trở thành “thành phố ma”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld nhận định, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, thành phố này mới có thể phục hồi. Các chuyên gia y tế và môi trường cảnh báo thời tiết nóng bức, muỗi họanh hành, nguồn nước bị ô nhiễm và nhất là việc hàng nghìn người đang phải sống trong các điều kiện sinh hoạt tạm bợ... sẽ tạo thành “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều dịch bệnh bùng phát như dịch tả, sốt rét, virus và nhiều dịch bệnh khác.

Các chuyên gia Viện Dầu lửa Mỹ (API) đánh giá, ngoài những tổn thất lớn về người và tài sản, bão Katrina cũng khiến ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi hoạt động bình thường. Vùng Vịnh Mexico, nơi được coi là trung tâm của ngành công nghiệp lọc dầu của Mỹ, 8 khu liên hợp lọc dầu lớn tạm ngưng hoạt động. Hơn 50.000 km đường ống dẫn dầu ở khu vực này bị cơn bão làm hư hỏng nặng.

Nếu ước tính trên là chính xác, đây sẽ là thảm họa tự nhiên thảm khốc nhất xảy ra tại Mỹ kể từ sau vụ động đất và hỏa hoạn ở San Francisco năm 1906 khiến 6.000 người thiệt mạng. Một chiến dịch cứu trợ quy mô lớn có một không hai đang được gấp rút tiến hành nhằm sơ tán hàng triệu người ra khỏi vùng thảm họa. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ phải kêu gọi thế giới cụ thể là Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cứu trợ khẩn cấp. Mỹ cũng đã chấp thuận đề nghị trợ giúp của LHQ.

  • Hậu quả xã hội còn lớn hơn thiệt hại vật chất

Bão Katrina bộc lộ mặt trái của xã hội Mỹ ảnh 2

Điều kiện sống tồi tệ của người bị nạn thể hiện năng lực yếu kém của Chính quyền Mỹ trong việc đối phó với thiên tai.

Bão Katrina đã như một vết cắt mổ phanh những ung nhọt của xã hội Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Bush bị cáo buộc rằng họ đã phản ứng quá chậm trước thiên tai. Lối sống thực dụng và ích kỷ của người Mỹ bị phơi bày.

Trước thảm họa thiên nhiên, mạnh ai người ấy chạy. Không những thế, thành phố New Orleans còn rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cơn bão với các tệ nạn cướp của, giết người và cưỡng hiếp.

Theo Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Michael Chertoff, hàng chục ngàn lính vệ binh quốc gia và quân đội chính quy đã được điều bổ sung tới thành phố này để duy trì trật tự. Trong ngày 5-9, lực lượng này đã bắn hạ 5 tên cướp.

Trả lời phỏng vấn, ông Chertoff ra sức tự bào chữa và nhấn mạnh rằng mức độ của cơn bão, tình trạng lụt lội vượt quá mọi dự liệu và “trên cả ước đoán của bất cứ một nhà hoạch định chính sách nào”. Ngoại trưởng C. Rice cũng ra sức biện hộ rằng không có chuyện chính phủ chậm cứu trợ do đa số nạn nhân là người da đen.

Thực tế như thế nào? Hãy nghe người trong cuộc kể lại. Khi được hỏi sao không sơ tán khi nghe tin bão tới, bà Catina Miller, 32 tuổi, bán tạp hóa ở New Orleans phàn nàn rằng gia đình bà không có xe, không có tiền và không nhờ được ai cho quá giang ra khỏi vùng nguy hiểm. Người ta phát hiện rằng số người chết do bão phần lớn là người nghèo. Họ không có đến một chiếc xe hơi để sơ tán ra khỏi vùng bão. Và họ chỉ có cách phó mặc cho số phận và chờ cứu hộ.

Bão Katrina bộc lộ mặt trái của xã hội Mỹ ảnh 3

Người dân nghèo chỉ biết trèo lên nóc xe chờ cứu trợ.

Tờ USA today cho biết, vấn đề giàu - nghèo chính quyền các bang Louisiana, Mississippi và Alabama đã biết từ lâu nhưng phớt lờ. Ngay cả khi được cảnh báo về cơn bão, chính quyền các bang này cũng chỉ làm một cách chiếu lệ. Hãng AP thống kê rằng cơn bão Katrina đã bộc lộ những vấn đề xã hội của nước Mỹ:

- Thu nhập bình quân các gia đình bị nạn là 32.000 USD/năm, thấp hơn mức bình quân toàn quốc 10.000 USD.

- Cứ 10 hộ gia đình thì có 2 hộ không có xe hơi , so với tỷ lệ 10/1 trung bình toàn quốc.

- 25% số hộ gia đình bị nạn sống dưới mức nghèo khổ.

- 60% hộ gia đình trong số 700.000 người bị thiệt hại nặng nhất là cộng đồng thiểu số.

- 12% hộ gia đình bị nạn không có cha, chỉ có mẹ nuôi con , so với 7% trung bình toàn quốc. v.v…

  • Thách thức chính trị của Tổng thống Bush

Tổng thống Mỹ George W. Bush đã bỏ dở kỳ nghỉ tại trang trại riêng và hoãn hàng loạt các hoạt động ngoại giao trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Báo giới Mỹ nhận xét nếu như vụ khủng bố 11-9-2001 là thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông Bush thì bão Katrina là thách thức lớn nhất kể từ sau khi tái cử.

Nhiều nghị sĩ đã chỉ trích ông Bush ném tiền của vào cuộc chiến Iraq trong khi lãng quên tính mạng đồng bào Mỹ của mình. Cơ quan cảnh vệ quốc gia vốn đã bị kéo căng vì sứ mệnh tại Iraq đã chứng tỏ không có đủ lực lượng để triển khai các chiến dịch cứu trợ trong nước.

Ví dụ, bang Mississippi đã mất đứt 3.800 lính cảnh vệ tại Iraq và bang Louisiana mất khoảng 3.000. Bộ An ninh Nội địa bị phê phán chỉ tập trung vào chống khủng bố, thiếu khả năng phối hợp giải quyết thảm hoạ tự nhiên. Trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới, chắc chắn Đảng Cộng hòa của ông Bush sẽ bị mất nhiều phiếu. 

TRÍ DÂN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục