Báo Sài gòn giải phóng đi trước một bước trong kinh doanh

Báo Sài gòn giải phóng đi trước một bước trong kinh doanh

LTS: Để đạt được tầm vóc như ngày nay, các thế hệ làm báo SGGP đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đoạn hồi ức dưới đây của đồng chí Nguyễn Thị Vân - mà thế hệ những nhà báo hậu sinh gọi thân thiết là “cô Bảy Vân” - đã phác họa phần nào quá trình chập chững đi lên của báo SGGP.

Tôi về Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1980, sau ngày giải phóng Sài Gòn và ngày thành lập báo khoảng 4 năm 7 tháng. Thế nhưng báo vẫn còn nằm trong thời kỳ bao cấp, giấy chạy từng tấn, tiền chạy từng đồng để bảo đảm cho báo ra từng ngày và chăm lo đời sống cho trên 500 cán bộ, phóng viên và công nhân Nhà in.

Báo Sài gòn giải phóng đi trước một bước trong kinh doanh ảnh 1

Phó Chủ tịch HĐBT           Phạm Hùng thăm báo SGGP     (năm 1985)

Lúc bấy giờ cả nước đều sống trong bao cấp, các tờ báo cũng vậy. Báo Sài Gòn Giải Phóng được Trung ương cho mua giấy giá quy định của Nhà nước để xuất bản 10.000 tờ/ngày. Trong khi đó thành phố mới giải phóng, dân số 3,5 triệu người. Hơn 30 năm đối tượng này ngày đêm đều tai nghe mắt thấy luận điệu tuyên truyền chống cộng của bọn tay sai Mỹ. Giờ đây báo Đảng phải làm gì với nhiệm vụ chính trị nặng nề này? Thành ủy cũng thấy rõ điều đó nên Thành ủy quan tâm giúp đỡ tờ báo, ưu tiên cho báo thêm giấy để tăng số lượng 15.000 tờ nữa. Vậy là 100 người dân mới được 1 tờ báo. Đồng thời Thành ủy ra quyết định số 1/QĐ ngày 23-9-1975 bổ sung quyết định 25/CP của Trung ương, hướng dẫn báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế nhằm 3 kết quả: a/ Sản phẩm hiện vật (số lượng báo). b/ Lợi nhuận góp cho Nhà nước. c/ Thu nhập của toàn thể cán bộ, công nhân viên.

Trong khi báo cả nước sống trong bao cấp mà Thành ủy có hướng cho báo đi như vậy là một sự mở đường hết sức mới mẻ. Cho nên báo Sài Gòn Giải Phóng vừa làm nhiệm vụ chính trị đồng thời vừa làm nhiệm vụ kinh tế trong những ngày đầu. Tuy nhiên, với số lượng đó, Biên ủy (tên Ban Biên tập thời đó - TS) vẫn còn ray rứt trước trách nhiệm nâng cao sự hiểu biết cách mạng cho đồng bào nên phải in thêm và báo có lúc ra 90.000 tờ/ngày; vượt chỉ tiêu 450%.

Muốn có giấy mua theo giá thị trường thì phải có tiền. Tiền đâu? Giá một tờ báo quy định là 0,5đ. In càng nhiều càng lỗ nặng. Lại còn mực in, bản kẽm nữa. Mực in mà Nhà nước cung cấp thì đặc quánh, pha chế ra thì in báo tèm nhem. Bản kẽm thì dày mo, không cho vào máy được. Giám đốc và công nhân nhà in lúc nào cũng nhăn nhó, khổ sở. Lại thêm nạn điện, khi thì cúp định kỳ, khi thì “sự cố”. Báo ngày mà 9, 10 giờ mới ra thì người ta cho là “báo thiu”. Một vấn đề “đau đầu” nữa là chế độ công tác phí, nhuận bút, nhuận ảnh, tiếp tân v.v...Theo thông tư số 12 TC của Bộ Tài chánh thì cán bộ, công nhân viên đi công tác vùng đồng bằng là 16đ/100km, tiền ăn 7đ/người/ngày. Anh em phóng viên đi xuống xã có chỗ phải đi “xe ôm”, có chỗ phải đi xuồng máy, có khi 10đ, 15đ một chặng đường, nhưng nếu gấp về nộp bài đúng ngày mà không gặp chuyến, phải thuê 50đ – 60đ, anh em lấy tiền đâu? làm gì có biên lai? Cho nên những người “Cầm cân nẩy mực” ở phòng tài vụ phải hết sức thực tế mà giải quyết cho anh em. Còn phải tranh thủ các nhà trí thức, các nhà khoa học kỹ thuật để họ viết bài cho báo nữa. Nếu nội dung tờ báo mà không đủ các chất đó thì tờ báo sẽ khô queo, còn ai thích đọc nữa!

Ngoài ra, tờ báo Đảng lại rất có nhiều khách. Cả trong nước, cả ngoài nước. Số tiền đựơc duyệt chi chỉ đủ uống trà lợt với thuốc lá “Hoa Mai”, làm sao gọi là “tranh thủ”, “trọng thị” khách đây? Tiếp nhà văn Ba Lan Monica Warmensks mà không có hoa, không có quà lưu niệm thì mất mặt báo quá. Những đòi hỏi phải đáp ứng như trên đều phải “uống mật gấu” mà “xé rào” vậy thôi! Bây giờ là thời kỳ kinh tế thị trường, nhìn lại những việc làm đó, chắc có người cho là dễ ợt, nhưng trong thời đó đâu phải dễ dàng gì. Muốn có tiền làm tất cả mọi việc, các đồng chí ở khâu trị sự, khâu nhà in, anh em vừa phải vắt óc suy nghĩ làm gì để có tiền, rồi phải thắt lưng buộc bụng để đồng tiền trở nên hữu ích. Tiền phát hành lời 15% thì 8% cho anh em phát hành viên, còn 7% là nguồn thu nhập của báo. Nhà in in tiểu thuyết “X30 phá lưới” và lô tiểu thuyết khác cũng là nguồn thu nhập. Kho giấy có một máy cắt giấy cũng là “cần câu cơm” của nhà báo. Giấy lõi lẽ ra là công nhân nhà in được quyền hưởng nhưng anh em cũng góp vào quỹ chung.

Khi tôi về, 2 năm đầu, tôi phụ trách công nghiệp, thương nghiệp trong khối nội dung. Về sau Biên ủy thấy anh Ba Trinh một mình gánh nặng quá nên điều tôi sang tiếp anh Ba. Chúng tôi chia nhau, anh Ba Trinh phụ trách cơm,áo,gạo,tiền. Tôi chạy ngoài, lo sao cho có giấy gối đầu trong kho, vừa in báo, vừa in sách, đóng tập học sinh kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy.

Tôi chạy ra Nhà máy giấy Bãi Bằng là Nhà máy lớn nhất nước. Tôi nhân danh là Phó Tổng biên tập gặp các đồng chí trong Ban Giám đốc trổ tài ngoại giao. Nhưng các đồng chí nể tình lắm cũng nhượng cho chút ít thôi. Tôi phải đi tìm đồng chí Toàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh, lực lượng quan trọng trong việc khai thác lồ ô cung cấp nguyên liệu được nhà máy chia cho một số phần trăm giấy thành phẩm. Chúng tôi năn nỉ ỉ ôi để được mua số giấy đó và rủ anh em liên doanh làm tập học sinh, lãi chia đôi cho hai đơn vị.

Nhưng đâu có phải dễ như bây giờ mình kể lại vậy đâu. Muốn gặp đồng chí Toàn, tôi phải đi từ 12g trưa, đón đồng chí về ăn cơm để bàn bạc. Làm gì cũng phải có tình, ở miền Nam ra, có mấy trái xoài, có mấy cái kẹo mãng cầu cho các cháu cho thêm chút tình. Anh chị Toàn và các cháu coi tôi như người nhà, sà xuống mâm cơm dưới đất trò chuyện râm ran. Khi xong công việc chúng tôi chạy về đến nhà thở không ra hơi, uống nước đến nước chảy ra khóe miệng mà vẫn còn khát nước. Nắng mùa hè ở Hà Nội sao mà khủng khiếp quá! Một tấn giấy đem về được cho báo là bao nhiêu mồ hôi và nước bọt của chúng tôi đấy!

Để chủ động nguồn giấy in báo, Ban biên tập chủ trương xây dựng nhà máy giấy cuộn in báo và giao cho tôi thực hiện chủ trương đó. Để có máy, tôi chạy đến anh Vũ Tuân, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, nhờ anh giới thiệu chúng tôi đến Xí nghiệp cơ khí Trần Hưng Đạo mua một máy xeo giấy. Anh em kỹ thuật vào lắp đặt máy giùm. Tôi xin anh Nguyễn Văn Linh, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy, một cơ sở ở Thủ Đức, trước kia của một người tư sản định sản xuất tấm lợp nên có trên 3 hécta đất và có cả hệ thống bơm nước, lọc nước từ sông lên. Cơ ngơi rất đẹp. Tôi chạy xin mua 3 khung nhà tiền chế của anh Sáu Bảo, bộ phận phía Nam của Bộ Công nghiệp để cất nhà xeo giấy, nhà kho v.v... Anh Ba Trinh xin một kỹ sư ở Nhà máy Giấy Linh Xuân và đồng chí Công, cán bộ Văn phòng Thành ủy về phụ trách nhà máy giấy.

Lúc đầu sản xuất bằng giấy vụn, về sau chúng tôi lên Long Bình tổ chức cho Hợp tác xã trồng đay để làm nguyên liệu giấy. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên thất bại, lỗ vốn. Đồng chí Thụy, Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, người có cảm tình với báo, nghe tôi than làm đay bị lỗ, đồng chí cho chúng tôi ra vốn cùng sản xuất một đợt thuốc lá đầu lọc Vianataba, lãi chia đôi. Nhờ có số lời “trời cho” đó mà chúng tôi bù lỗ năm đó được. Vừa bảo đảm tiền lương, tiền thưởng cho anh em mà còn nộp cho ngân sách Thành ủy được 50 triệu đồng, tặng quần áo cho các đồng chí trong Ban Tổ chức Thành ủy và một số ban khác. Số tiền này lúc đó có giá trị rất lớn, các đồng chí trong Ban Tài chánh Thành ủy rất mừng. Lúc đó quảng cáo trên báo rất hạn hẹp, báo ra 4 trang, quảng cáo chỉ được 1/4 trang. Thu nhập không đáng kể.

Thế còn khâu phát hành thì sao? Lúc bấy giờ chỉ có báo Sài Gòn Giải Phóng là tự phát hành, các báo khác phải giao cho bưu điện. Anh Ba Trinh và các đồng chí Hai Kim, Quốc Phượng, Mười Hương tổ chức một mạng lưới phát hành rất quy mô. Phân bố sao cho mỗi phát hành viên chịu trách nhiệm một đoạn đường, có sổ theo dõi, ai làm sai là biết ngay. Mỗi tháng có cuộc họp của phát hành viên, căn cứ theo thư phản ảnh của bạn đọc mà cũng cố mạng lưới phát hành sớm nhất và không bị mất.

Nhưng báo bị bưu điện kiện dữ lắm, phải giải quyết mấy lần. Tôi còn nhớ một lần anh Hai Hùng thay mặt cho Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ gặp Biên ủy để giải quyết vấn đề này. Anh Hai hỏi:

- Tại sao Báo Sài Gòn Giải Phóng không làm theo luật định của Nhà nước là giao cho bưu điện mà tự ý phát hành?
Các đồng chí Biên ủy đều ngồi im lặng. Các anh về báo từ ngày báo mới ra đời, am hiểu tình hình hơn tôi. Tôi chờ các anh lên tiếng, nhưng lâu quá tôi sốt ruột, sợ im lặng biết đâu anh Hai tưởng chúng tôi đồng ý với Trung ương, anh quyết định cho báo giao qua bưu điện phát hành thì kể như tiêu đời. Nhìn tới, nhìn lui cuối cùng tôi lên tiếng:

- Thưa anh Hai! Anh thay mặt cho Bộ Chính trị, cho Nhà nước Trung ương có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi đâu dám cãi. Nhưng xin anh Hai cho chúng tôi nói rõ vì sao chúng tôi làm vậy, được không anh Hai?

Anh bảo:

- Được! Chị nói đi!

Tôi nói:

- Thưa anh Hai! Sở dĩ chúng tôi làm như vậy là vì 2 lẽ:

Một là: Nếu chúng tôi không quản khâu phát hành, hàng ngày báo đến tay bạn đọc chậm, chúng tôi cũng đành bó tay. Mà báo ngày là phải có tính chiến đấu, phải nhanh, nhạy, chậm là không tốt cho tờ báo của Đảng. Hơn nữa, báo mất, bạn đọc kêu, chúng tôi cũng không giải quyết được. Như vậy vừa mất tính thời sự của báo vừa mất lòng tin của quần chúng bạn đọc. Đến như báo chúng tôi gởi ra Trung ương mỗi ngày 200 số, nhưng thuờng báo đến trễ vài ngày. Có lúc văn phòng Trung ương kêu báo mất. Chúng tôi rất buồn nhưng không sao khắc phục được.

Hai là: Báo Sài Gòn Giải Phóng là tờ báo của Đảng bộ, lẽ ra chúng tôi được Đảng bao cấp mọi mặt như báo Nhân Dân, đằng này chúng tôi tự làm, tự nuôi trên 300 phóng viên, công nhân nhà in, vấn đề quản lý tốt khâu phát hành chẳng những có ý nghĩa chính trị đối với quần chúng bạn đọc mà còn là nguồn thu nhập đáng kể của báo. Vậy anh Hai xét xem chúng tôi làm vậy là đúng hay sai?

Tôi vừa dứt lời, anh Ba Trinh lại xòe ra mấy tấm hình và nói:

- Anh Hai coi, chúng tôi chụp mấy tấm hình báo Nhân Dân phát hành trễ bị đổ từng đống bán giấy lộn.

Anh Hai Hùng cười ha hả, vỗ vai đồng chí Tô Hòa, lúc đó là quyền Tổng biên tập, ngồi cạnh anh Hai:

- Hay! Hay! Tôi sẽ về báo cáo lại Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng. Các anh chị cứ làm theo cách đó đi. Làm hay đó.

Tiễn anh Hai ra về mà lòng chúng tôi nhẹ nhỏm. Tôi nghĩ lúc đó là lúc còn nặng bao cấp, nếu chúng tôi không gặp anh Hai mà gặp một “ông bao cấp” nào đó thì báo Sài Gòn Giải Phóng không biết sẽ ra sao?

Từ những đồng vốn đó chúng tôi đã ký cóp tích lũy vốn để hiện đại hóa tờ báo, bắt đầu từ khâu xếp chữ điện tử, đào tạo một số cán bộ có trình độ văn hóa để nắm khâu kỹ thuật mới. Anh em Việt kiều Cộng hòa Liên bang Đức giúp chúng tôi trang bị máy, đào tạo tay nghề.

Đó là những bước đi gian khổ của mười mấy năm về trước, lót những viên gạch ban đầu cho nền móng ngày nay.

Nguyễn Thị Vân (Nguyên Phó Tổng biên tập)

Tin cùng chuyên mục