Bảo tàng về vùng sâu vùng xa

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập của người dân và du khách khi đến TPHCM, nhiều bảo tàng còn năng động tìm đến người dân các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa, chủ động hướng về cơ sở. Minh chứng là hàng trăm cuộc triển lãm và chuyên đề trưng bày lưu động của các bảo tàng đã về khắp các quận huyện, trường học, các tỉnh thành, qua đó thu hút hàng triệu lượt khách thưởng lãm và người dân đến với bảo tàng.
Bảo tàng về vùng sâu vùng xa

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập của người dân và du khách khi đến TPHCM, nhiều bảo tàng còn năng động tìm đến người dân các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa, chủ động hướng về cơ sở. Minh chứng là hàng trăm cuộc triển lãm và chuyên đề trưng bày lưu động của các bảo tàng đã về khắp các quận huyện, trường học, các tỉnh thành, qua đó thu hút hàng triệu lượt khách thưởng lãm và người dân đến với bảo tàng.

  • Từ đô thị đến biên giới miền núi

Buổi tối ở khu sân khấu ngoài trời của Trung tâm Văn hóa TP Vũng Tàu, khán giả đến đông kín để xem liên hoan văn nghệ quần chúng. Cách đó không xa, phòng trưng bày chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” (do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức) cũng thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Trên 120 hình ảnh, tư liệu và hiện vật của các thế hệ phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lần đầu tiên ra mắt công chúng ở Bà Rịa - Vũng Tàu được người dân thích thú tìm hiểu.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu khá thích thú khi xem các hiện vật. “Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật từ cuộc trưng bày là những tư liệu giá trị, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức. Cách trưng bày theo mốc thời gian và sự kiện điển hình, cộng với hình ảnh, hiện vật cụ thể nên rất dễ hiểu, dễ nhớ. Quan trọng nhất là nó giúp chúng ta, những người trẻ hiểu rõ thêm về thế hệ các mẹ, các chị giàu lòng nhân hậu, yêu nước thiết tha. Tinh thần của các mẹ, các chị thật đáng khâm phục”, sinh viên Lê Minh Hải chia sẻ.

Chuyên đề trưng bày “Bác Hồ với thanh niên” của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đến với học sinh tỉnh Tây Ninh.

Chuyên đề trưng bày “Bác Hồ với thanh niên” của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đến với học sinh tỉnh Tây Ninh.

Hướng đến kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2011) và kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011), từ 30-4 đến cuối năm 2011, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM sẽ tổ chức trưng bày lưu động các chuyên đề: “Bác Hồ với thiếu nhi”; “Tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân Việt Nam”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên Việt Nam”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” đến các nhà thiếu nhi, trường học, các nhà văn hóa, khu công nghiệp - khu chế xuất và các đơn vị trên địa bàn TP.

Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” là lần phối hợp đầu tiên giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. “Chúng tôi khai mạc chuyên đề này ngay vào đợt hội diễn văn nghệ quần chúng là có ý cả. Nhờ kết hợp như thế nên đã thu hút hàng trăm lượt khách, học sinh - sinh viên đến tham quan, tìm hiểu mỗi ngày”, ông Thân chia sẻ.

Những ngày cuối tháng 3 mới đây, những bạn trẻ của Chi đoàn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã mang chuyên đề “Ký ức chiến tranh” về tận xã Đông Sơn, một xã biên giới miền núi của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, với phần đông dân số là người dân tộc thiểu số Pakô và Tà Ôi, Hoa.

Từ Huế đến A Lưới đã khó, từ A Lưới về Đông Sơn còn khó gấp trăm lần. Từ trung tâm huyện lỵ A Lưới về đến xã Đông Sơn đến gần 40 km với đường đất trơn trượt, lầy lội, trời lại mưa dầm dề nhưng vẫn không làm các bạn trẻ chùn bước. Ký ức chiến tranh được trích từ bộ sách ảnh cùng tên của nhà báo, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành ghi lại những hình ảnh của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong những năm 1967-1973.

Hướng đến những ngày tháng 4 lịch sử, cuộc trưng bày lại càng ý nghĩa hơn khi A Lưới cũng chính là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của chất độc da cam trong chiến tranh. “Ấn tượng nhất là khi chúng tôi nhìn cảnh các em học sinh tiểu học vừa choàng áo mưa vừa xúm vào xem ảnh. Vui nhất là sau mấy ngày trưng bày tại đây, UBND xã thấy bà con đến xem đông quá nên đã xin Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chuyên đề này. Chúng tôi đã tặng toàn bộ hình ảnh của chuyên đề “Ký ức chiến tranh” lại cho UBND xã Đông Sơn”, bạn Đinh Ngọc Hằng, Bí thư Chi đoàn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết.

  • Gắn với đời sống văn hóa cơ sở

“Nhằm mục đích đưa bảo tàng ngày càng gần gũi, thân thiện hơn với người dân, các cuộc trưng bày lưu động giờ đây đã trở thành một hoạt động không thể thiếu đối với các bảo tàng TPHCM”, bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, chia sẻ. Chính vì thế, lâu nay cả chục chuyên đề của bảo tàng như: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Những hình ảnh đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa Việt Nam, Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục, Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… đã đến với rất nhiều trường học tại TPHCM và nhiều tỉnh thành bạn: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng…

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: AN DUNG

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: AN DUNG

“Nhờ chủ động phối hợp và đặt mối quan hệ nên nhiều đơn vị, trường học cũng như tỉnh thành bạn thường xuyên liên hệ với chúng tôi để đặt hàng trưng bày chuyên đề có tính đặc thù”, ông Nguyễn Duy Thiệu, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, vui vẻ cho biết. Đây quả thật là những tín hiệu đáng mừng. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phấn khởi cho hay, nhờ chủ động phối hợp, lâu nay bảo tàng này cũng được nhiều đơn vị, trường học, các bảo tàng tỉnh thành bạn đặt hàng không ít chuyên đề đặc thù. Đặc biệt, những chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, “Trang phục và trang sức truyền thống của phụ nữ Việt Nam”, “Nữ nghệ sĩ trên sân khấu cải lương miền Nam”, “Hình tượng phụ nữ trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam”… thường được “yêu cầu” nhiều nhất

MINH AN

Tin cùng chuyên mục