Mấy năm gần đây, ngoại thành TPHCM được đô thị hóa với tốc độ rất cao... và kéo theo đó là những chuyện “cười ra nước mắt”.
Nhà ông Tư Rạng, trước đây là một hộ nông dân thuộc ấp 7, xã Hiệp Bình Chánh, huyện Thủ Đức (nay là KP7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) TPHCM, sở hữu hơn 10 công ruộng.
Vào những năm 1990 với phong trào V.A.C ông đầu tư vốn liếng đào ao thả cá rộng hàng trăm mét vuông, lập vườn trồng mai, ở giữa ông cất căn nhà tường thoáng mát để tề tựu cùng con cháu. Nhưng năm 2000, khi giá đất lên cơn sốt, ông tự phân lô đất của mình theo các bờ bao xung quanh thửa đất rồi sang bán giấy tay cho người khác.
Tất nhiên ông Tư vẫn chừa lại lối đi riêng vào nhà mình nhưng sau mấy năm nhà của ông Rạng đã trở thành… “vùng đất chết”. Bởi nước thải của các căn nhà xây xung quanh không có đường thoát đã dồn cả vào vùng trũng V.A.C của ông, hôi thối, đen ngòm và đặc quánh! Không sản xuất nông nghiệp được, ông Tư muốn bán tiếp cho những người có nhu cầu làm nhà ở cũng chẳng ai dám mua vì họ cũng “ớn” cái chất thải hôi hám kia.
Tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè có 30 người bạn làm ăn , cùng nhau góp vốn “nhảy” vào giữa vùng đất nông nghiệp mua chung hơn một hécta đất, thuộc một phần thửa 792-795-799, tờ bản đồ số 1 để chờ thời. Thật không may! Năm 2000 toàn bộ khu vực này được thành phố điều chỉnh quy hoạch và khu đất của 30 chàng “ngự lâm điền thổ” bị bao vây bởi đường điện cao thế, rạch thoát nước hở và khu dân cư của Công ty T.A.H kế cận rộng hơn 20ha.
Mặc dù khu đất của 30 hộ lẻ này đều đã san lấp, chia lô để chuyển sang xây dựng nhà ở nhưng chẳng ai mua do chủ đầu tư không đủ “lực” kết nối hạ tầng kỹ thuật với các khu vực xung quanh.
Hiện nay tình trạng tự bao vây chính mình không còn là cá biệt, nhất là ở các vùng ngoại thành. Mong rằng các cơ quan quản lý quy hoạch sớm vào cuộc.
NGỌC BÌNH