LTS: Trong vài ngày qua, các cơ quan chức năng liên quan đã liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến bày tỏ thái độ lo lắng, bức xúc trước nạn động vật hoang dã bị tận diệt và đề xuất các giải pháp bảo vệ hữu hiệu hơn.
Chú trọng tuyên truyền bảo vệ môi trường sinh thái
Từ sau khi con tê giác một sừng cuối cùng bị sát hại ở rừng Nam Cát Tiên (Lâm Đồng), tình trạng giết hại, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm vẫn tiếp tục gia tăng. Một bộ phận dân cư thiếu ý thức bảo vệ môi trường sinh thái vẫn bất chấp pháp luật. Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ các động vật hoang dã quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trước hết, có thể khẳng định các cơ quan chức năng liên quan chưa thực hiện sâu rộng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng thuộc các địa bàn có khu bảo tồn thiên nhiên về trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã. Tình trạng di cư ồ ạt, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền các cấp, xâm lấn đất rừng và khai thác bừa bãi tài nguyên rừng, từ đốt phá rừng làm nương rẫy đến săn bắt chim, thú vì lợi ích cục bộ đã khiến rừng bị thu hẹp, môi trường sống tự nhiên của chim thú bị đe dọa. Song việc quy hoạch, bố trí đất sản xuất cũng như phát triển kinh tế cho các hộ gia đình vùng đệm còn nhiều bất cập; thiếu sự quản lý đồng bộ giữa cơ quan bảo vệ rừng với ngành du lịch, nhiều nơi, nhiều lúc buông lỏng quản lý.
Để bảo vệ các loài thú quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam và thế giới, điều cốt lõi nhất là cần tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nói chung và các loài động vật, thực vật đã được ghi vào sách đỏ thế giới, phổ biến đến tận thôn, buôn về tác động của biến động khí hậu mà nguyên nhân trực tiếp là tàn phá rừng, tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, tại những tiểu khu trọng yếu, cần tăng cường lực lượng liên ngành (kiểm lâm, bộ đội, công an, xung kích xã…) thường xuyên tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng, tháo dỡ bẫy chim thú.
Rút kinh nghiệm sau việc con tê giác một sừng cuối cùng bị sát hại, trường hợp khảo sát dấu hiệu tồn tại các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, chỉ nên thông báo nội bộ cơ quan chức năng, không công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như lâu nay, để tránh cho các động vật hoang dã quý hiếm trở thành mục tiêu bị săn lùng.
TIẾN ĐẠT (Lâm Đồng)
- Phải xử lý triệt để
Nhiều động vật hoang dã ở nước ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn, mua bán trái phép vẫn cứ diễn ra. Đây là thực trạng đáng buồn đối với những người làm công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và những người yêu động vật hoang dã ở Việt Nam.
Còn nhớ trước đây chúng ta đã hân hoan khi những bức ảnh tê giác Java một sừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên được công bố và đều hy vọng loài động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm này sẽ được bảo tồn. Thế nhưng hàng loạt vụ giết hại động vật quý hiếm đã liên tục diễn ra. Nhắc lại số phận nghiệt ngã của loài tê giác Java một sừng để thấy rằng thực tế, trong những năm qua, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, những thứ của cải mà con người không thể tạo ra - đã có nhiều lỗ hổng, bộc lộ sự yếu kém và bất lực.
Hàng ngày ở vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), rừng Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Ea H’bo (Đắc Lắc), huyện Sơn Hòa (Phú Yên) và nhiều khu rừng khác ở Tây Nguyên, miền Trung, miền Đông… các loài động vật hoang dã như gấu, nai, khỉ, mang, cheo, tê tê, voọc, voi, bò rừng… đang bị tận diệt. Điều đáng lưu ý là việc buôn bán thú rừng vẫn diễn ra công khai nhưng cơ quan chức năng chưa ngăn chặn, xử lý triệt để.
Không thể chần chừ được nữa, vì với đà tận diệt này, các loài động vật hoang dã quý hiếm (nhiều loài nằm trong sách đỏ) cũng sẽ đến lúc tuyệt chủng giống như số phận của loài tê giác Java. Cần phải đề cao trách nhiệm của cả cộng đồng với việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, và xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp săn bắn, mua bán trái phép.
ĐẶNG THỊ TRÚC MAI
(Mỏ Cày Nam, Bến Tre)