“Lại một mùa lũ “nghèo” đến với miền Tây Nam bộ”, người bạn thân thuở sinh viên ở Cần Thơ vừa nhắn cho tôi tin nhắn nêu trên. Sau tin nhắn còn có một loạt biểu tượng mặt người buồn, tuôn nước mắt như mưa… Là một người con của miền Tây Nam bộ, tôi hiểu nỗi buồn này của bạn mình. Lũ “nghèo” tức là phù sa về ít, tôm cá đồng cũng chẳng có bao nhiêu… Chưa kể, vài bữa nữa mùa nắng đến nếu nước lũ, tức nước ngọt không đổ về nhiều thì nước mặn ngoài biển sẽ có cơ hội thâm nhập sâu vào đất liền, làm chết cây cối, hư hỏng đất đai… Thế nhưng, làm gì được đây…?
Từ câu chuyện ở miền Tây Nam bộ, tôi lại nghĩ đến TPHCM, đến miền Đông Nam bộ nơi được hệ thống sông Đồng Nai nuôi dưỡng. Hệ thống sông Đồng Nai khởi nguồn từ cao nguyên Lâm Viên của tỉnh Lâm Đồng, uốn khúc chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam vượt khỏi miền núi ra đến bình nguyên ở Tài Lài tỉnh Đồng Nai. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa, đến huyện Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn… Đây là con sông nội địa dài nhất Việt Nam và điều này cũng có nghĩa đây là nguồn nước ngọt mà Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động điều phối, giữ gìn cũng như bảo vệ nó. Cách nay nhiều năm, Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai đã ra đời với thành viên là các địa phương nằm trong lưu vực của con sông này. Đã có nhiều chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai của các địa phương trong vùng đã được thực hiện và bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan… Tuy nhiên, nhiều nguy cơ ô nhiễm cho lưu vực sông này vẫn hiển hiện như việc xả nước thải chưa qua xử lý đúng quy định vào lưu vực sông…
Nước sạch quan trọng như thế nào đối với sự sống… Đó là điều gần như chắc chắn, ai cũng biết. Chính vì vậy, trong bối cảnh an ninh nguồn nước của nhiều con sông lớn ở Việt Nam phải phụ thuộc vào nước ngoài thì việc bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai - lưu vực sông nằm gọn trong lãnh thổ Việt Nam càng quan trọng hơn bao giờ hết. Hãy loại bỏ ngay toàn bộ những nguồn thải có thể gây ô nhiễm cho lưu vực sông này vì cuộc sống của chính chúng ta.
TÂM ĐỨC