Bảo vệ môi trường khi phát triển nhiệt điện than

Tại hội thảo về “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” vừa được Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng 8-2017, nhiều ý kiến cho rằng, nhiệt điện than thật sự cần thiết trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng hiện nay của Việt Nam. 
Việc phát triển nhiệt điện than là nhu cầu tất yếu nhưng vấn đề đảm bảo môi trường mà trong đó, xử lý xỉ than đang là vấn đề cấp thiết.
Bảo vệ môi trường khi phát triển nhiệt điện than ảnh 1 Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than, phát sinh lượng tro xỉ thải khoảng 15,8 triệu tấn/năm
Ảnh: Phương Hà
Nan giải xử lý tro xỉ 

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, nhiệt điện than được đánh giá có giá thành điện thấp, chỉ sau thủy điện, bởi vốn đầu tư không quá cao và thời gian xây dựng nhanh. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường lại là một thách thức do vấn đề trong xử lý khí thải và tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than. Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt hơn 14.000MW và với lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn. Chính vì thế, mối lo ngại lớn nhất hiện nay của Việt Nam chính là vấn đề xử lý tro xỉ, mặc dù với sự phát triển của công nghệ nhiệt điện than ngày càng tiến bộ, có thể xử lý tối đa các nguồn phát thải, từ các loại khí thải đến chất thải rắn. 

Theo TS Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý, đến năm 2018, lượng tro xỉ sẽ tăng lên 61 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn, tạo ra những thách thức rất lớn cho môi trường. “Việt Nam sẽ phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa xỉ than và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa”, TS Đào Danh Tùng lo ngại. 

Đại diện Công ty Nhiệt điện Mông Dương cũng nêu thực tế, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 tại tỉnh Quảng Ninh có công suất 1.080MW, vận hành từ cuối năm 2015. Mỗi năm, nhà máy tiêu thụ 3 triệu tấn than và thải ra 1 triệu tấn tro xỉ. Theo thiết kế, bãi thải tro xỉ của nhà máy có dung tích 2,25 triệu m3, nhưng nay đã chứa 1,8 triệu m3. Đến khoảng tháng 4-2018, bãi chứa này sẽ đầy. Hiện doanh nghiệp đã thuê xe chở xỉ đi các nơi khác tiêu thụ, song tốn chi phí rất lớn; trong khi theo quy định, khoản tiền này chưa được tính vào giá điện. Như vậy, nếu không được cấp phép bãi thải xỉ mới, dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 có tổng mức đầu tư hơn 33.600 tỷ đồng sẽ phải đóng cửa sau khoảng 8 tháng nữa.

Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết ở các nước có nhà máy nhiệt điện, tro xỉ được coi như nguồn tài nguyên quý và được sử dụng triệt để. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều văn bản liên quan khi ban hành không được nghiên cứu kỹ nên gây khó khăn cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường. Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục An toàn môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cũng nhìn nhận, hiện nay việc xử lý tro xỉ đang vướng những quy định của Nghị định 38/2015 của Chính phủ. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định tại Nghị định số 38/2015. Theo ông Lượng, những khó khăn hiện nay trong công tác quản lý tro xỉ là phải nằm trong quy chuẩn. Trong khi quy chuẩn hiện nay chưa rõ ràng nên gây nhiều khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện than. “Vấn đề xử lý, tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ được giải quyết sớm nếu các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về tro xỉ làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, cũng như những chính sách đặc thù về quản lý tro xỉ”, ông Lượng cho hay.

Ưu tiên bài toán môi trường 

Liên quan đến việc phát triển nhiệt điện than đối với Việt Nam, ông Lê Hồng Tịnh khẳng định, việc phát triển nhiệt điện than đối với Việt Nam là vấn đề thực tiễn để đáp ứng tăng trưởng kinh tế ở mức 7% trong thời gian tới. “Các nguồn điện của Việt Nam đã được tính toán kỹ lưỡng. Nguồn thủy điện nhỏ khó phát triển thêm, trong khi chủ trương không làm điện hạt nhân nên Việt Nam vẫn phải làm nhiệt điện than vì không có con đường nào khác để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao. Chính vì thế, cần làm sao để người dân hiểu đúng, hiểu đủ; từ đó ủng hộ chủ trương phát triển nguồn điện than”, ông Tịnh nhấn mạnh.
 
PGS - TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho rằng theo xu hướng chung, các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Cụ thể, Trung Quốc có tỷ lệ nhiệt điện than rất cao (79% so với mức trung bình toàn thế giới 41,2%). Riêng sản lượng điện từ nhiệt điện than của Trung Quốc đã lên tới 4.600 tỷ kWh (lớn hơn tổng sản lượng điện của nước Mỹ). Một số nước khác có tỷ lệ nhiệt điện than cũng rất lớn là Mông Cổ (95,1%), Ba Lan (86,7%), Australia (68,%), Ấn Độ (67,8%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc 43,2%... “Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh về kinh tế, do đó nhu cầu điện năng rất cao. Trên thế giới, điện năng do nhiệt điện than vẫn là chủ đạo. Khi đất nước trở nên giàu có sẽ tiến đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và hạn chế dần nhiệt điện than”, ông Nghĩa nói. TS Trần Văn Lượng cũng cho rằng, trong khi việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng thì các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) có chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên (số giờ vận hành thấp trung bình 1.800 - 2.000 giờ/năm), chiếm dụng diện tích lớn (trung bình 1MW điện Mặt trời chiếm mất 1,2 - 1,5ha)… Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng, việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng dẫn chứng, hiện Nhật Bản đã tái sử dụng đến 95% tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện để san lấp mặt bằng, làm vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng... Chính vì thế, trong bối cảnh Việt Nam xác định nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn thì bài toán môi trường cần được ưu tiên để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị phát triển nhiệt điện than cần phải đi kèm với việc lựa chọn công nghệ có hiệu suất cao để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, đáp ứng quy định của các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế… từ đó các dự án nhiệt điện của Việt Nam có điều kiện huy động nguồn vốn dễ dàng hơn.
 Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay bộ đang biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

Tin cùng chuyên mục