Bảo vệ quyền lợi người mua nhà

Sáng 24-10, Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến Luật Nhà ở. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bảo vệ quyền lợi người mua nhà

Sáng 24-10, Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến Luật Nhà ở. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Nên để chính quyền địa phương quản lý Quỹ phát triển nhà ở xã hội

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm cho ý kiến là việc nên hay không nên lập quỹ phát triển nhà ở xã hội; huy động và nguồn vốn cho quỹ này như thế nào… ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) ủng hộ phương án không thành lập quỹ. Dự luật đã quy định nhà nước có chính sách ưu đãi rồi. Cơ cấu nguồn vốn của quỹ này như nêu trong dự thảo cũng là không khả thi. Có cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng bình luận: “Giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện những chức năng của quỹ là phù hợp với lĩnh vực, năng lực của ngân hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí và nhân lực”.

Đánh giá cao sự tiếp thu nghiêm túc và có trách nhiệm của Ban soạn thảo về nhiều nội dung trong dự thảo, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng việc thành lập quỹ phát triển nhà ở là cần thiết, nhưng cần làm rõ thêm một số vấn đề. “Quỹ hoạt động không vì lợi nhuận, nếu hình thành từ trái phiếu, công trái thì trả lãi như thế nào? Mà nguồn công trái cho quỹ có hợp lý không? Có nhất thiết lập quỹ tại cả 63 tỉnh, thành không, hay chỉ ở một số đô thị lớn đông sinh viên, công nhân các khu công nghiệp?”, ĐB Trần Ngọc Vinh phát biểu.

Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) không tán đồng với cả hai phương án được nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu. ĐB Trần Du Lịch phân tích: “Nên lập quỹ, nhưng để địa phương xây dựng và quản lý; đồng thời, đưa nội dung này vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có 3 nguồn hình thành quỹ: ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách (như nguồn thu từ xổ số kiến thiết); tiền do doanh nghiệp đóng góp trước thuế và người dân đóng góp. Cũng không nhất thiết phải lập quỹ ở cả 63 tỉnh, thành. Nguyên tắc là chính quyền địa phương phải lo nhà ở cho dân”.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang kỳ họp.

Liên quan đến thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, vẫn còn có những quan điểm khác nhau. ĐB Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm: “Trường hợp mua bán nhà giữa chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở với người mua thì dự thảo quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được tính từ thời điểm bên mua nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư. Nhưng thực tế để bán được nhà, có khi người mua mới thanh toán 50% giá trị hợp đồng đã được nhận nhà, mà được chuyển quyền ngay thì sau này có tranh chấp giải quyết thế nào? Để giảm thiểu khả năng tranh chấp và hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người mua, cần nghiên cứu quy định lại thời điểm”.

ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn: “Ở đây không thể nói là tiền trao cháo múc. Bất động sản không phải là “cháo”, mà là một loại tài sản đặc biệt, có liên quan chặt chẽ đến trật tự, sự ổn định xã hội. Ở các nước, thông lệ là thời điểm kê khai và nộp trước bạ mới tính là chuyển quyền sở hữu. Nay nói “tiền trao cháo múc” là được chấp nhận thì không khác nào khuyến khích người dân không đăng ký tài sản, phá vỡ trật tự”.

Chế tài mạnh chủ đầu tư sử dụng vốn góp sai mục đích

Theo ĐB Trần Du Lịch, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản lần này đã đưa ra những quy định tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển thị trường bất động sản cũng như lành mạnh hóa thị trường này. Tuy nhiên, có những điểm đã góp ý nhiều lần nhưng vẫn chưa được Ban soạn thảo giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa chưa thỏa đáng. Đó là thiếu quy định chặt chẽ xung quanh việc chủ đầu tư huy động tiền mua nhà của người dân nhưng làm việc khác sẽ xử lý ra sao? Thực tế đã cho thấy, nhiều chủ đầu tư lấy tiền góp vốn mua nhà của người mua “làm bậy” gây nên những hậu quả đáng tiếc. Điều này xuất phát từ việc Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành đã không quy định chặt chẽ, nặng việc người dân đóng góp tiền mua nhà bao nhiêu phần trăm, còn tiền đóng góp mua nhà của người dân làm gì lại thiếu quy định bảo vệ.

Theo ĐB Trần Du Lịch, với việc góp vốn mua nhà hình thành trong tương lai, người dân phải biết được mục đích sử dụng. Chẳng hạn như tiền góp đó phải gửi ở ngân hàng, ghi trong hợp đồng mua nhà và tiền đó chỉ được giải ngân đúng mục đích, không được làm việc khác. Cùng với đó, người đóng góp tiền mua nhà có quyền yêu cầu chủ đầu tư, ngân hàng minh bạch khoản tiền này. Ở các nước, khi chủ đầu tư sử dụng tiền góp mua nhà của người dân vào mục đích khác là bị xử lý hình sự ngay để bảo vệ người mua. “Ngay Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng đề nghị phải có những điều chỉnh để tránh rối loạn thị trường”, ĐB Trần Du Lịch nói.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, cần quy định chặt chẽ việc thu tiền trước với nhà hình thành trong tương lai, đặc biệt là phải kiểm soát được việc sử dụng tiền đúng mục đích. Do vậy, dự luật cần bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư, ngân hàng, người mua và trường hợp chủ đầu tư sử dụng không đúng mục đích thì ngân hàng phải “bỏ tiền ra mà trả”.

Nhiều ĐB cũng cho rằng, mức vốn pháp định quy định cứng 20 tỷ đồng để kinh doanh bất động sản là chưa hợp lý và đề nghị quy mô vốn cần gắn liền với quy mô, số lượng dự án.

Tầm nhìn dài hạn về việc cho người nước ngoài mua nhà

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, bày tỏ: Việc đáp ứng nhu cầu có nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam là đáng khuyến khích. Nhưng tỷ giá đồng tiền, điều kiện, mức sống của người Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới có độ chênh lệch nhất định. Với người nước ngoài lương bình quân vài ba ngàn USD/tháng thì việc mua một ngôi nhà ở Việt Nam hay một căn hộ chung cư cao cấp không phải vấn đề khó. Nếu bây giờ chúng ta mở bung ra sẽ bán được hết, sẽ giải quyết được các “cục máu đông”, sẽ phá được “băng” thị trường bất động sản, nhưng hậu quả lâu dài của nó là cái gì và sẽ như thế nào? Ví dụ, 3 người cùng mua nhà để ở. Nếu mở hết mà không có ràng buộc nhất định thì cũng 3 người mua nhưng thực chất có khi chỉ một chủ sở hữu thôi. Và khi 3 khối bất động sản đó hợp nhất thành một, chúng ta sẽ giải quyết thế nào? Tóm lại, khi quy định về điều kiện cho người nước ngoài mua nhà cần phải nghĩ đến nhiều yếu tố khác nữa để đảm bảo ổn định trật tự xã hội, quyền của người mua nhà cũng như bảo đảm luật pháp của Việt Nam; phải có cái nhìn dài hạn.

ANH THƯ - NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục