Bảo vệ trẻ đúng cách

Thời gian gần đây, liên tiếp có những vụ việc đau lòng liên quan đến sự an toàn của trẻ, như gặp tai nạn, bị lạm dụng, bạo hành, kể cả bị người thân hành hạ. Trong nhiều trường hợp, hậu quả để lại rất nặng nề, có trẻ tử vong, có trẻ bị thương tích nghiêm trọng… Và dù một số trường hợp không ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe, nhưng các vụ tai nạn, bạo hành đã để lại di chứng nặng nề, nhất là về mặt tâm lý, tình cảm.

Thời gian gần đây, liên tiếp có những vụ việc đau lòng liên quan đến sự an toàn của trẻ, như gặp tai nạn, bị lạm dụng, bạo hành, kể cả bị người thân hành hạ. Trong nhiều trường hợp, hậu quả để lại rất nặng nề, có trẻ tử vong, có trẻ bị thương tích nghiêm trọng… Và dù một số trường hợp không ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe, nhưng các vụ tai nạn, bạo hành đã để lại di chứng nặng nề, nhất là về mặt tâm lý, tình cảm.

Có nhiều vấn đề đáng bàn từ vấn đề này, chẳng hạn, ai bảo vệ trẻ, bảo vệ bằng cách nào, vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc bảo vệ trẻ ra sao, nguyên nhân các tai nạn… Dường như có sự nhìn nhận chưa đầy đủ của người lớn về việc bảo vệ trẻ. Chẳng hạn, một số bậc cha mẹ tin rằng đưa đón con từ nhà đến trường và ngược lại là đã bảo vệ tốt cho con, mà chưa phối hợp tốt với nhà trường, chưa dạy cho con các kỹ năng tự bảo vệ cần thiết. Còn nhà trường, về nguyên tắc chỉ chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ trong thời gian trẻ ở trường, nhưng giờ tan trường lúc cha mẹ chưa đón thì ai bảo vệ trẻ. Ngay cả một số yêu cầu có tính pháp lý (như phải đội nón bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi khi lưu thông bằng xe máy; quyền tự quyết của trẻ trong một số vấn đề (như tài sản riêng, ở với cha hay mẹ khi cha mẹ ly hôn); khi hỏi cung trẻ phải có người giám hộ…) cũng chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ.

Đã vậy, cách thức bảo vệ trẻ chưa thực sự phù hợp. Hiểu một cách thông thường nhất, bảo vệ phải bao gồm về thể chất và tinh thần, nhưng trên thực tế cả hai yêu cầu này cũng chưa được thực hiện đồng bộ và đầy đủ. Có không ít cha mẹ cho rằng chăm sóc đầy đủ các nhu cầu vật chất, tránh làm con bị thương tật là đã làm tròn nghĩa vụ bảo vệ con, nhưng kỳ thực còn thiếu bảo vệ về cảm xúc, nguyện vọng (được yêu thương, quan tâm chu đáo, được tạo điều kiện để con thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần…). Hay ở trường, liệu tất cả các giáo viên đều quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của học sinh hay không, hay đôi lúc còn bạo hành, có lời nói, thái độ gây tổn thương tinh thần cho trẻ… cũng cần phải xem xét kỹ.

Trong nhà trường và ngoài xã hội, công tác tuyên truyền, phối hợp về việc bảo vệ trẻ cũng chưa được thực hiện đồng bộ và bài bản. Việc phổ biến quyền trẻ em cơ bản được các trường học, các phương tiện truyền thông thực hiện, nhưng trên thực tế có bao nhiêu trẻ thực sự hiểu về quyền của mình, có bao nhiêu bậc cha mẹ nhận thức đầy đủ về quyền trẻ em, có bao nhiêu người thi hành công vụ hoặc thực hiện các chức trách mang tính công quyền nghiêm túc thực hiện quyền trẻ em? Việc dạy các kỹ năng tự bảo vệ hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ, cha mẹ nào hiểu biết thì dạy, giáo viên có tâm huyết thì hướng dẫn, còn lại gần như không quan tâm. Trong các quyền của trẻ em, có quyền được bảo vệ - đó là quyền được bảo vệ khỏi tình trạng bị lạm dụng, bạo hành, bỏ bê, phân biệt đối xử; quyền có nơi an toàn để vui chơi; được  nuôi dạy mang tính xây dựng và nhận thức về khả năng phát triển của trẻ…

Gia đình, nhà trường và xã hội phải thực sự tích cực bảo vệ trẻ bằng những hành động cụ thể, thiết thực chứ không phải bằng khẩu hiệu suông hay lời nói có tính nửa vời. Chẳng hạn, cha mẹ và giáo viên phải được tập huấn, tuyên truyền đầy đủ và nghiêm túc về quyền trẻ em, đồng thời có sự giám sát, kiểm tra việc thực hiện trên thực tế. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ, gia đình và nhà trường phải hướng dẫn, dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ, trong đó có những kỹ năng rất cơ bản và thông thường như tránh bị lạm dụng, bị bắt cóc, xâm hại, bạo hành, tai nạn giao thông, đuối nước hay các tai nạn về điện, lửa… Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ trẻ, tránh khoảng trống khi nhà trường tự cho là hết nghĩa vụ bảo vệ trẻ trong khi cha mẹ chưa thực sự tiếp nhận sự bảo vệ đó… Toàn xã hội cần quan tâm, chăm chút cho trẻ nhiều hơn nữa trong việc giúp trẻ an toàn, đảm bảo các quyền của trẻ.

TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục