Một trong những bất cập nổi bật khiến dư luận hết sức quan tâm, bức xúc khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chế độ tử tuất dành cho đối tượng thụ hưởng.
Cụ thể, các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần theo khoản 2, Điều 66 của Luật BHXH, quy định: “Người chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 64 của luật này”.
Hiểu đúng phạm vi điều chỉnh của các điều luật về chế độ tử tuất, nhóm đối tượng là thân nhân của người lao động chết chỉ được hưởng trợ cấp tuất một lần khi cha, mẹ, người nuôi dưỡng, vợ (chồng) dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và con đủ 15 tuổi trở lên, nếu không còn đi học; đủ 18 tuổi trở lên, nếu còn đi học. Nếu còn một trong các đối tượng thuộc diện trên cũng buộc phải hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà không được hưởng một lần.
Xin nêu một ví dụ: Ông Nguyễn Văn A là chuyên viên, có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc 30 năm, đột ngột lâm bạo bệnh qua đời, mức lương bình quân 5 năm cuối cùng trước khi chết là 3 triệu đồng. Bố, mẹ đẻ, bố mẹ vợ hưởng lương hưu, vợ mới 50 tuổi, chỉ còn một con tròn 17 tuổi đang học lớp 11. Theo quy định, chỉ có con ông được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng 325.000 đồng (50% mức lương tối thiểu chung hiện hành) và hưởng 12 tháng là hết (đủ 18 tuổi).
Nếu nhận trợ cấp tuất một lần, gia đình ông A sẽ được một khoản tiền là 135 triệu đồng (45 tháng lương bình quân, theo khoản 1, Điều 67 Luật BHXH), trong khi con ông A nhận trợ cấp tuất hàng tháng trong một năm là 3,9 triệu đồng, quá thiệt thòi cho thân nhân, mặt khác xét về bình đẳng giữa nghĩa vụ - quyền lợi cũng không tương xứng với thời gian đóng BHXH của ông A.
Từ thực tế thực hiện Luật BHXH, chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội xem xét để bổ sung Điều 66 là “Căn cứ điều kiện cụ thể, thân nhân người lao động chết được lựa chọn chế độ trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần” để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng, đồng thời tăng thêm tính an sinh, ưu việt của chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước.
HUYỀN VY