Bất cập chính sách cho người cao tuổi

TPHCM có gần 454.000 người cao tuổi. Nhiều chính sách ưu đãi với người cao tuổi được chính các bậc cao niên đánh giá là không có tác dụng gì, đưa ra rồi… không ai được hưởng!
Bất cập chính sách cho người cao tuổi

TPHCM có gần 454.000 người cao tuổi. Nhiều chính sách ưu đãi với người cao tuổi được chính các bậc cao niên đánh giá là không có tác dụng gì, đưa ra rồi… không ai được hưởng!

“Đừng chờ… gần chết mới cho!”

Từ năm 2016, TPHCM có quy định người từ 75 tuổi trở lên được đi xe buýt miễn phí. Trên thực tế, nhiều trường hợp người trên 75 tuổi vẫn phải mất tiền mua vé xe buýt. Ông Trần Đức Tâm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường An Phú (quận 2), cho hay mới đây, ông và người thân đi xe buýt. Khi ông đưa giấy tờ tùy thân chứng minh hai người thân đã trên 75 tuổi, thuộc đối tượng được miễn vé, thì nhân viên phục vụ trên xe buýt nói chưa nắm được quy định này. Không tiện cãi qua đổ lại, ông Tâm và người thân đành mua vé. Ông Tâm đề nghị, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phải yêu cầu tất cả xe buýt dán biển miễn phí vé với người cao tuổi để nhà xe chấp hành. Ông Mai Hiển Thắng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phước Bình (quận 9), nhận xét rằng người 75 tuổi thường đã rất yếu, không còn sức đi xe buýt. Quy định miễn phí xe buýt cho người 75 tuổi trở lên thành ra không có tác dụng nhiều. “Đưa ra rồi không nhiều người được thụ hưởng thì sao gọi là quan tâm. TP cần hạ độ tuổi được đi xe buýt miễn phí xuống, để người già còn có khoảng thời gian “hưởng” chút”, ông Thắng đề nghị. Ông Trần Phùng Lộc (quận 8) cũng đề nghị, các chính sách trợ cấp, ưu đãi với người cao tuổi nên hạ độ tuổi xuống, đừng chờ người ta… gần chết mới cho!

Một quy định khác với người cao tuổi cũng chưa có hiệu quả cao là ưu tiên khám chữa bệnh. Đến nay, TPHCM mới có 2 trong tổng số 28 bệnh viện cấp TP đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân sự để thành lập khoa lão. Một số bệnh viện cấp quận, huyện đã điều trị các bệnh lý lão học, thành lập khoa lão kết hợp khoa nội; tổ chức khu vực tiếp nhận, khám và điều trị ưu tiên cho người cao tuổi từ trên 80 tuổi trở lên theo luật định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Chương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), phản ánh nhiều bệnh viện không ưu tiên khám trước cho người cao tuổi, nhiều người trên 80 tuổi mà vẫn phải chờ đợi mất cả ngày mới khám xong bệnh. Ông Võ Văn Hấn, Hội Người cao tuổi phường Tân Kiểng (quận 7), đặt nghi vấn: “Theo Luật Người cao tuổi, các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) phải tổ chức khoa lão hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi. Song, các bệnh viện có khoa lão phục vụ có tận tình hay không, hay chỉ căng biển “Lão khoa” lên gọi là có thôi. Lão khoa có thực hiện được không?”. Ông Hấn mong mỏi, việc ưu tiên khám chữa bệnh cho người cao tuổi, việc mở khoa lão, không đề ra thì thôi, đã đề ra thì phải làm cho tốt.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung thăm hỏi, chúc thọ cụ Trương Thị Chép (quận 12, TPHCM)

Thiệt thòi nhất là những người cao tuổi đã ở TPHCM lâu năm nhưng chưa có hộ khẩu. Ông Trần Đăng Bách, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Chánh Hiệp (quận 12), cho biết phường có cụ hơn 90 tuổi, cụ chỉ nhớ mình ở khu vực chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế) nhưng không nhớ số nhà. Hội muốn làm các chế độ người già cho cụ mà không làm được vì không có hộ khẩu. Ông Võ Văn Hấn cho hay, trên địa bàn phường Tân Kiểng, nhiều người già không có hộ khẩu do trước đây đi kinh tế mới, sau đó về lại TP, ở cả chục năm mà chưa có hộ khẩu, cuộc sống rất vất vả. Hàng ngày họ bán vé số, sáng lo bữa trưa, trưa lo bữa chiều. Ông Hấn trăn trở: “Người ta không dám kêu ca vì không có giấy tờ. Chúng tôi hướng dẫn về địa phương xin xác nhận, địa phương từ chối xác nhận vì lâu quá rồi, không nắm được nữa. Những trường hợp này cần tháo gỡ, giải quyết thế nào?”.

Chưa công bằng

Chính sách về người cao tuổi mà nhiều người cao tuổi chưa hài lòng nhất hiện nay là quy định chỉ những người 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH mới được hưởng trợ cấp xã hội (mức hiện nay 380.000 đồng/người/tháng). Ông Nguyễn Hồng Chương cho rằng, quy định như vậy là thiếu công bằng. Bởi, những người được hưởng lương hưu hay trợ cấp BHXH là người đã có cả đời làm lụng, bỏ tiền lương hàng tháng ra đóng vào quỹ BHXH rồi về già họ hưởng cái phần mình đã đóng. Còn trợ cấp xã hội cho người từ 80 tuổi trở lên là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với người già nói chung, không thể vì có lương hưu rồi mà không được nhận sự quan tâm đó nữa. “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, ông Đặng Văn Xừ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), dẫn lời người xưa và đề nghị, Nhà nước cần dành một nguồn kinh phí quốc gia cho người trên 80 tuổi và mọi người trên 80 tuổi đều phải được hưởng trợ cấp người già như nhau, không phân biệt có lương hưu hay không. Trong trường hợp ngân sách quá khó khăn, theo ông Mai Hiển Thắng, không cho cả năm thì ít nhất cho 1 tháng trợ cấp người già vào dịp sinh nhật, mừng thọ để các cụ cảm nhận được sự quan tâm.

Trong khi với trợ cấp xã hội cho người già, chỉ những ai không có lương hưu mới được hưởng, thì ngược lại, phụ cấp cho người làm công tác hội người cao tuổi lại có quy định, chỉ những người nghỉ hưu làm phó chủ tịch hội người cao tuổi xã/phường/thị trấn mới được hưởng phụ cấp. Ông Mai Hiển Thắng bức xúc: “Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở phường tôi nay đã trên 70 tuổi, làm công tác hội rất nhiệt tình. Nhưng cụ lại không được hưởng phụ cấp vì cụ không phải là… hưu trí. Hàng tháng, tôi phải lấy phụ cấp của tôi choàng qua cụ để cụ thêm vui vẻ làm việc”. Theo ông Thắng, cần phải có phụ cấp cho người làm phó chủ tịch hội người cao tuổi ở cấp xã, dù nghỉ hưu hay không nghỉ hưu. 

Trong việc người cao tuổi vay vốn làm kinh tế, đang có tình trạng người có thì không cần, người cần thì không có. Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, phần đông số người cao tuổi không có điều kiện về kinh tế đang có nhu cầu vay vốn tổ chức sản xuất, kinh doanh nhưng khó được các tổ chức tín dụng cho vay do đã quá độ tuổi lao động. Trong khi đó, người cao tuổi đang tham gia sản xuất kinh doanh, có điều kiện về kinh tế thì lại không có nhu cầu vay vốn.

Ông MAI HIỂN THẮNG - Chủ tịch Hội Người  cao tuổi phường Phước Bình (quận 9):

Người cao tuổi phải làm báo cáo… mờ mắt

Hàng năm, cấp trên thường yêu cầu hội người cao tuổi phường báo cáo hoài. Một loạt những số liệu không liên quan gì đến người cao tuổi cũng kêu báo cáo. Mình là cha mẹ, là ông bà mà giờ phải đi xin mấy cháu đang công tác ở các phòng, ban, nhờ vả cung cấp số liệu, về làm báo cáo. Mới đây, chúng tôi nhận được một mẫu báo cáo dài tới 7 trang cột dọc, cột  ngang. Làm báo cáo xong mờ cả mắt! Có những số liệu “trên trời”, chúng tôi không kiếm được, đành phải bỏ trống. Các cụ lớn tuổi rồi, chỉ làm được những gì phục vụ cho các cụ và góp sức một số mặt công tác ở địa phương thôi. Xin bỏ bớt báo cáo giùm!

Ông LÊ CHU GIANG - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM:

Sẽ kiến nghị điều chỉnh

Các cụ kiến nghị cho tất cả người từ đủ 80 tuổi trở lên đều được hưởng trợ cấp xã hội theo Luật Người cao tuổi, không phân biệt người cao tuổi có hay không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời, xem xét việc hạ độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Trước kiến nghị này, Sở LĐTB-XH TPHCM cùng các sở, ngành đã tham mưu UBND TPHCM có đề xuất với Ủy ban quốc gia Về người cao tuổi Việt Nam và Bộ LĐTB-XH. Tuy nhiên, TP kiến nghị rồi mà vẫn bị… bỏ đó; sự tiếp thu của Trung ương là chưa có. Vấn đề hiện nay, số lượng người trên 80 tuổi đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội ở TPHCM khá lớn, khoảng 30.000 người trong tổng số 80.000 người trên 80 tuổi. 30.000 người x 380.000 đồng x 12 tháng là một số tiền khá lớn, có thể kinh phí nhà nước không chịu được. Trong khi chờ đợi Trung ương quá lâu, chúng tôi dự kiến đề xuất TPHCM trích nguồn của TP hỗ trợ mang tính động viên cho nhóm đối tượng này với mức hỗ trợ 50% mức chung, tức 190.000 đồng/người/tháng.

Hiện nay, việc thực hiện chính sách người cao tuổi ở các cấp chưa thường xuyên nên các chính sách về người cao tuổi còn hạn chế, hoặc hiệu quả không cao. Cụ thể như chính sách miễn phí xe buýt cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên; chính sách có nhưng đội ngũ phục vụ người thụ hưởng lại không có thông tin. Với một TP lớn, mạng lưới thông tin phát triển như TPHCM mà có nơi không nắm được thông tin để triển khai, người dân không nắm được thông tin để giám sát thực hiện thì không hay. Đây là vấn đề cần xử lư và chúng tôi sẽ xem lại sự phối hợp triển khai giữa các sở, ngành. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng đã lấy ý kiến các sở ngành, quận, huyện về việc hạ độ tuổi được miễn phí đi xe buýt xuống, từ 75 tuổi trở lên xuống còn từ 70 tuổi trở lên. Sở Tài chính TPHCM đang xem xét cân đối nguồn thu ngân sách của TP để tham mưu cho UBND TPHCM quyết định.

ĐẶNG THỊ NGA - Giám đốc Bưu điện TPHCM:

Người hưu trí được vay vốn tối đa 300 triệu đồng

Toàn TPHCM có khoảng 125.000 người hưởng lương hưu với số tiền chi trả hơn 464 tỷ đồng/tháng. TPHCM đã thực hiện chi trả lương hưu qua bưu điện. Những người có danh sách nhận lương hưu thuộc địa bàn chi trả của Bưu điện TPHCM, nếu có nhu cầu, sẽ được vay vốn trong gói cho vay hưu trí. Cụ thể, người thuộc diện hưu trí được vay vốn là người không quá 69 tuổi, số tiền vay tùy theo lương hưu thực lãnh và tối đa là 300 triệu đồng. Thời gian vay tối đa 5 năm.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục