Bất cập hệ thống nhà chờ, trạm dừng xe buýt

Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân bằng loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là xe buýt, trong những năm qua TPHCM đã không ngừng đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng, nhà chờ. Tuy nhiên, có một bất cập hiện nay là hệ thống trạm dừng, nhà chờ chưa được đầu tư xây dựng tương xứng với nhu cầu đi lại của hành khách.
Bất cập hệ thống nhà chờ, trạm dừng xe buýt

Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân bằng loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là xe buýt, trong những năm qua TPHCM đã không ngừng đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng, nhà chờ. Tuy nhiên, có một bất cập hiện nay là hệ thống trạm dừng, nhà chờ chưa được đầu tư xây dựng tương xứng với nhu cầu đi lại của hành khách.

Một trạm chờ xe buýt không có mái che trên Xa lộ Hà Nội. Ảnh: KIM NGÂN

Một trạm chờ xe buýt không có mái che trên Xa lộ Hà Nội.
Ảnh: KIM NGÂN

Thiếu và chưa hợp lý

Thời gian qua, số lượng người dân TPHCM sử dụng loại hình VTHKCC bằng xe buýt để đi lại ngày càng tăng, nhất là trên các tuyến xe buýt liên tỉnh và khu vực các quận, huyện ngoại thành. Vì vậy, nhu cầu sử dụng hệ thống nhà chờ, trạm dừng của hành khách trên các tuyến quốc lộ ngoại thành như Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, 13, Kha Vạn Cân, Huỳnh Tấn Phát… là rất lớn. Thế nhưng, có một nghịch lý hiện nay trên các trục đường này số lượng hệ thống nhà chờ được đầu tư xây dựng còn rất hạn chế và thường bố trí cách xa nhau. Trong khi đó, ở các tuyến đường nội thành hệ thống trạm dừng lại được đầu tư xây dựng dày đặc dù số lượng hành khách sử dụng nhà chờ đón xe là rất ít.

Đứng đón xe buýt ở gần ngã tư Thủ Đức, em Lê Hồng Mỹ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, than vãn: “Đây là khu vực có đông hành khách tập trung chờ đón xe buýt đi lại trên các tuyến, nhưng không có lấy một nhà chờ xe buýt khiến mọi người phải đội nắng, đội mưa để chờ đón xe. Nhiều hôm phải đứng chờ xe buýt lâu dưới nắng nên tối về người nóng ran và nghẹt mũi”.

Bên cạnh đó, một vấn đề tồn tại hiện nay trong việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà chờ là việc bố trí thiếu hợp lý gây ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách. Thậm chí, còn gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục đường. Đơn cử, trên tuyến Xa lộ Hà Nội tại khu vực cầu vượt bộ hành Suối Tiên nơi có mật độ người và xe cộ đông nhưng có đến 2 trạm dừng xe buýt đặt ngay dưới khu vực chân cầu vượt ở hai chiều đường nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mỗi khi xe dừng, đón trả khách. Còn tại khu vực ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái… nơi có đông hành khách chờ đón xe buýt lại không có hệ thống nhà chờ, trong khi ở trước cổng Công ty Truyền tải Điện lực 4, Nhà máy xi măng Hà Tiên hệ thống nhà chờ được xây dựng khang trang nhưng rất ít người sử dụng. Chưa hết, trong khi ở các trục đường ngoại thành lại quá thiếu hệ thống nhà chờ phục vụ hành khách chờ đón xe buýt thì ở một số tuyến đường khu vực trung tâm thành phố như: Lý Thường Kiệt (quận 10), Nguyễn Trãi (quận 5)… nhiều nhà chờ xe buýt được đầu tư xây dựng khang trang lại bị một số người buôn bán hàng rong, các bác chạy xe ôm… chiếm dụng làm nơi buôn bán hàng rong và đậu xe diễn ra nhiều năm nay.

Cố gắng khắc phục

Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TPHCM (gọi tắt là trung tâm) cho biết: Tính đến nay, trung tâm đã đầu tư và hiện đang quản lý 434 nhà chờ xe buýt, 2.220 trụ dừng xe buýt, 167 biển treo trạm dừng xe buýt và tiếp tục đầu tư thêm 1.000 trụ dừng xe buýt, 12 nhà chờ trên dải phân cách, 12 nhà chờ dành riêng cho người khuyết tật tiếp cận xe buýt, đầu tư thay thế 220 nhà chờ xe buýt cũ. Trả lời về những vấn đề bất cập trong đầu tư xây dựng nhà chờ, trạm dừng hiện nay trên địa bàn thành phố, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TPHCM, cho biết: Theo quy định tại Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND ngày 19-3-2010 của UBND TPHCM thì khoảng cách giữa các trạm dừng trong nội thành là 300-700m, còn ở ngoại thành là 800 - 3.000m. Vì vậy, khu vực ngoại thành, trên các trục quốc lộ sẽ thấy ít trạm dừng nhà chờ, còn khu vực nội thành sẽ nhìn thấy nhiều nhà chờ hơn.

Trước đây, được sự quan tâm của chính quyền thành phố, tập trung mọi nguồn lực để phát triển VTHKCC. Theo đó, thành phố chủ trương kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư trạm dừng nhà chờ phục vụ VTHKCC. Đến nay, đã kêu gọi các nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư hơn 300 nhà chờ xe buýt, trong đó phần lớn đều nằm ở khu vực nội thành. Trung tâm cũng nhận thấy những tồn tại mà báo chí nêu nên trong những năm 2004 - 2006, trung tâm đã đề xuất với thành phố sử dụng vốn ngân sách (hơn 3 tỷ đồng) để đầu tư 60 nhà chờ trên các trục quốc lộ ngoại thành. Giai đoạn 2007-2009, tiếp tục đầu tư 57 nhà chờ, trong đó có 15 nhà chờ trên dải phân cách đường Trường Chinh đem lại sự phục vụ tốt hơn cho nhân dân khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, đầu tư khu vực ngoại thành thì tình trạng hư hỏng do mất cắp phá hoại nhiều, công tác đảm bảo vệ sinh trên các nhà chờ cũng gặp không ít khó khăn….

Trong thời gian qua, trung tâm cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân qua đường dây nóng, báo chí… về trường hợp 2 vị trí cần lắp đặt nhà chờ xe buýt trên Xa lộ Hà Nội gần ngã tư Bình Thái và Thủ Đức. Về các trường hợp này, trước đây trung tâm đã đầu tư lắp đặt nhà chờ đôi. Tuy nhiên, để phục vụ cho dự án nâng cấp mở rộng Xa lộ Hà Nội do Công ty CII làm chủ đầu tư nên trung tâm phải tháo dỡ và có dự án lắp đặt mới nhà chờ tại 2 vị trí này, dự kiến sẽ triển khai thi công trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, trong thời gian từ nay đến đầu năm 2012, trung tâm sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát khu vực ngoại thành để thực hiện các thủ tục và tiến hành lắp đặt khoảng 100 nhà chờ xe buýt.

 Tình trạng một số nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng để buôn bán gây ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách là một tồn tại nhiều năm nay mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết nhưng hơi khó. Tại một vị trí có lúc thì thông thoáng, đến giờ tan trường buổi trưa thì bị buôn bán lấn chiếm xung quanh. Dù trung tâm là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các trạm dừng nhà chờ nhưng không đủ thẩm quyền để xử phạt đối với các đối tượng lấn chiếm.

Ông LÊ HẢI PHONG, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM


ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục