Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, người dân đang phải đối phó với nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá, chất lượng bữa ăn hàng ngày giảm sút. Đã có rất nhiều ý kiến gửi đến Báo SGGP mong muốn Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, chỉnh sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho phù hợp với thực tế.
Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.
Sớm có kế hoạch sửa đổi thuế thu nhập cá nhân
Trong những ngày qua, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng như những người có trách nhiệm đã bàn thảo về chủ đề sửa đổi, điều chỉnh thuế TNCN cho phù hợp với tình hình giá cả tăng, lạm phát cao. Điều này cho thấy bức xúc đề nghị sớm sửa đổi những quy định bất hợp lý về mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh (người phụ thuộc) là ý nguyện của đông đảo người dân.
Vì là ý nguyện chung của xã hội nên Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính cần tiếp thu, lắng nghe dư luận và sớm có kế hoạch điều chỉnh cho hợp lòng dân. Theo thông tin từ phía Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN hiện chưa có tên trong chương trình sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội. Nếu đúng như thế, đến năm 2012, những bất hợp lý của Luật Thuế TNCN mới được xem xét, sửa đổi. Điều này quá trễ và lòng dân sẽ bất an hơn.
TRẦN VĨNH
Cần sẻ chia nỗi khó khăn
Vợ chồng tôi là trí thức trẻ có mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 16 triệu đồng. Chúng tôi phải nuôi cha mẹ già yếu ở tuổi 80, hai con thơ (một dưới 6 tuổi và một đang học lớp 2). Vì thế, ngoài khoản tiền chi mua sữa cho cha mẹ già, con thơ đã tốn mất 3 triệu đồng, chúng tôi phải trả tiền thuê nhà hết 3 triệu đồng, còn lại phải chi đủ khoản như tiền học phí cho hai đứa con, chi phí điện, nước, ăn uống…
Phải nói thật là phải khéo thu xếp lắm, khoản thu nhập tạm gọi là khá của chúng tôi mới đủ trang trải cuộc sống. Từ khi giá sữa tăng, chúng tôi phải cắt bớt phần sữa của con và của cha mẹ già hay bị bệnh. Vì thế, cách tính thuế TNCN như đang áp dụng khiến những người nộp thuế như chúng tôi cảm thấy buồn lòng hơn là tự hào.
Trong tình hình người dân đang gặp khó, thiết nghĩ Chính phủ cần chia sẻ khó khăn bằng cách tạm ngưng áp dụng thuế TNCN cho những đối tượng có mức khởi điểm chịu thuế và chỉ thu đối với những người có thu nhập cao gấp 8-10 lần mức lương tối thiểu. Theo chúng tôi, trong thẩm quyền của mình và từ đề xuất của Chính phủ, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết miễn toàn bộ thuế TNCN cho các đối tượng như đã làm vào đầu năm 2009.
Quyết định tạm ngưng thu thuế TNCN hoặc giãn thời gian đóng sẽ nhận được sự đồng lòng của dân chúng. Trong khi chờ điều chỉnh luật thuế TNCN, sự chia sẻ thiết thực, kịp thời này của Chính phủ sẽ giúp người dân lấy lại niềm tin và có thêm nghị lực vượt qua khó khăn chung.
NGUYỄN LINH HUỆ (TPHCM)
Làm luật, đừng dùng “số chết”
Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua cuối năm 2007, có hiệu lực thi hành vừa tròn 2 năm (từ 1-1-2009) đã bộc lộ rõ sự bất cập, cần phải sửa đổi vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân. Nguyên nhân dẫn đến luật này sớm lạc hậu là do đồng tiền trượt giá, làm cho mức khởi điểm chịu thuế đã “chốt” trong luật là 4 triệu đồng không còn phù hợp.
Ở nước ta, không riêng Luật Thuế TNCN sớm lạc hậu, mà rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác vừa ban hành đã thấy bất hợp lý, cần phải sửa đổi. Lỗi chính dẫn đến tình trạng này là do khi xây dựng văn bản pháp luật, các định lượng giá trị vật chất đều được “chốt cứng” bằng số tiền VND cụ thể. Ví dụ: Mức khởi điểm chịu thuế TNCN là 4.000.000 đồng; cơ sở bán hàng không niêm yết giá bị phạt từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng…
Trong khi thực tiễn đời sống luôn thay đổi, giá cả thị trường biến động không ngừng, trượt giá, lạm phát là yếu tố khách quan… rõ ràng việc định mức giá trị vật chất bằng con số chết khiến các văn bản pháp luật sớm lạc hậu là lẽ đương nhiên.
Khi văn bản quy phạm pháp luật trở nên lạc hậu, bất cập với thực tiễn, việc thực thi không chỉ kém hiệu quả mà nhiều trường hợp còn gây hậu quả nghiêm trọng do “lờn” luật. Ví dụ, năm 2006, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là 70 triệu đồng. Chỉ một năm sau, mức phạt đã lỗi thời, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt thay vì phải đầu tư hàng tỷ đồng mua thiết bị xử lý môi trường. Đến cuối năm 2009, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 117/2009/NĐ-CP thay thế Nghị định 81 với mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng. Tuy nhiên mức phạt này cũng đã đến lúc cần phải tăng thêm mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Để khắc phục tình trạng văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đã lạc hậu do sự thay đổi của giá trị đồng tiền, đã đến lúc cần thống nhất lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ để định lượng giá trị vật chất trong các văn bản pháp luật.
Làm như vậy rất khoa học vì mức lương tối thiểu luôn được nhà nước điều chỉnh sát với diễn biến của lạm phát, trượt giá và sự tăng trưởng của nền kinh tế, thể hiện giá trị thực của đồng tiền đối với đời sống người dân.
Ví dụ nếu Luật Thuế TNCN quy định mức khởi điểm chịu thuế là 10 tháng lương tối thiểu, mức giảm trừ bằng 3 tháng lương tối thiểu, thì khi lương tối thiểu tăng, tiền nộp thuế cũng tăng theo. Dù lạm phát, trượt giá, thu nhập của người nộp thuế và giá trị nộp thuế vẫn cơ bản được bảo đảm vì hàng năm nhà nước đã điều chỉnh lương tối thiểu. Như vậy, Quốc hội sẽ không phải sửa luật để điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế.
Văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định cao là điều kiện quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển, trực tiếp góp phần nâng cao trình độ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của công dân, đồng thời giảm tối đa những tốn kém phát sinh do phải sửa đổi luật.
HUY QUANG (Hà Nội)