Bất cập xét tuyển lớp 10

Được thực hiện từ năm học 2006 – 2007, đến nay, công tác tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức xét tuyển đã được triển khai ở 9 quận, huyện.
 
Nhìn chung chủ trương này được dư luận đồng tình và đánh giá cao – như ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhận xét – có hiệu quả thiết thực vì học sinh không phải chịu áp lực thi cử nặng nề, nhà nước và xã hội không phải tốn kém tiền bạc và sức lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phương thức xét tuyển vẫn còn những bất cập cần được giải quyết ổn thỏa. Trước tiên, điều gây lo ngại là chất lượng học tập của học sinh bị sụt giảm. Một số hiệu trưởng phàn nàn một số em đã không theo nổi chương trình học và buộc phải nghỉ học ngay từ học kỳ đầu, số khác thì xin chuyển xuống học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Và cho đến thời điểm này, không ít trường THPT thẳng thắn nhìn nhận từ khi thực hiện phương án xét tuyển, tỷ lệ học sinh khá giỏi giảm 30% so với trước đây. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là bởi cách thực hiện xét tuyển rất đơn giản: chỉ cần học lực trung bình, hạnh kiểm khá là học sinh đã có ngay một chỗ ở trường công lập lớp 10. Điều này dẫn đến tình trạng ngay từ bậc THCS học sinh đã mất hẳn động cơ học tập, còn thầy cô giáo cũng dễ dãi trong việc cho điểm học sinh, ít có sự sáng tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, khuyến khích tinh thần học tập của học sinh.

Thực tế cho thấy, những trường thực hiện phương án tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại thành không bị áp lực về trường lớp. Thậm chí ở những nơi này thừa chỗ học, chính vì vậy, hầu hết học sinh học xong THCS là được tuyển thẳng 100% vào lớp 10. Xét tuyển không có sàng lọc đã dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không theo nổi chương trình phổ thông nên bỏ học giữa chừng, một số nơi tỷ lệ bỏ học lên đến hơn 30%. 

Theo GS Trần Hữu Tá, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, việc thực hiện phương thức xét tuyển thiếu khoa học đã làm cho không ít trường THPT cay đắng vì chất lượng học tập của học sinh, một số học sinh khi vào trường có điểm trong học bạ “đẹp như tranh vẽ” nhưng thực chất thì ngược lại. Chính vì vậy, đối với những trường không đủ tin cậy về chất lượng cần phải tổ chức kỳ kiểm tra để lấy điểm, cách làm này không khó khăn, lại minh bạch, đảm bảo được chất lượng và công bằng đối với người học.

Chủ trương chung của ngành giáo dục TPHCM hướng đến phương án mở rộng địa bàn tuyển sinh theo hướng xét tuyển khi thành phố có đủ chỗ học cho học sinh. Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, cần phải có những phương án rõ ràng, minh bạch, có sự sàng lọc để đảm bảo chất lượng giáo dục của bậc THPT và đạt được mục tiêu về phân luồng học sinh sau THCS. Điều này sẽ hướng người học lựa chọn những mô hình học tập phù hợp với khả năng và không gây lãng phí về thời gian, tiền bạc cho gia đình và xã hội.


LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục