Cuối tháng 12-2016, UBND TPHCM đã ban hành bảng giá mới cho dịch vụ giữ xe. Đây là một động thái cần thiết nhằm chuẩn bị cho việc phục vụ người dân đi lại, vui chơi… trong những ngày tết. Việc làm này là cần thiết, tuy nhiên, thực tế đã diễn ra không như mong muốn.
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, ông Nguyễn Hồng Sơn (ở quận Bình Thạnh) than phiền: “Tối 30 Tết, gia đình tôi đến viếng Lăng Ông Bà Chiểu (Bình Thạnh), bị nhân viên giữ xe thu 10.000 đồng/xe máy. Nhiều người móc tiền ra trả mà nhìn nhau lắc đầu khi người giữ xe vẫn hát điệp khúc quen thuộc “Tết mà!”. Đầu năm đi cầu may mắn, bình an nên ai cũng đành nhắm mắt cho qua chuyện, dù lòng vẫn ấm ức”. Chị Hồ Thu Thủy (ở quận 8) phản ánh: “Trong những ngày tết, các điểm giữ xe ở quanh các đình chùa thu giá giữ xe tùy tiện. Nhiều người tự chiếm vỉa hè, các con hẻm nhỏ quanh chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) để mở bãi giữ xe, thu đến 20.000 đồng/xe máy. Khi người gửi xe phản ứng thì lại nghe điệp khúc “Tết mà!” hoặc “Không đồng ý thì gửi nơi khác!”. Đây thực sự là dịch vụ bắt chẹt”.
Tại Hội Hoa xuân bên quận 7, các bãi giữ xe cũng thu giá giữ xe từ 10.000 - 15.000 đồng/xe máy. Không chỉ thu quá giá quy định trong đêm 30 hay ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết, mãi đến mùng 5, nhiều bãi giữ xe vẫn thu giá bắt chẹt như vậy. Nếu không chấn chỉnh, việc thu giá giữ xe bắt chẹt sẽ tái diễn ở các bãi giữ xe quanh các đình chùa trong dịp rằm tháng giêng sắp tới.
Từ lâu, nạn giữ xe quá giá quy định vẫn cứ diễn ra, nhất là dịp lễ tết. Chỉ các điểm giữ xe của Thanh niên xung phong là luôn giữ đúng giá quy định, dù ngày thường hay ngày lễ tết, tiếc rằng mô hình này chưa được nhân rộng. Những bãi giữ xe quá giá thường rơi vào 2 dạng: tư nhân đấu thầu trúng bãi hoặc tự ý lập bãi giữ xe trái phép. Đối với dạng bãi giữ xe do tư nhân trúng thầu như ở các chợ, bệnh viện, trường đại học…, phần lớn đơn vị chủ quản chỉ biết “thu xâu”, còn chủ thầu thu bao nhiêu, có đúng quy định hay không thì họ không quan tâm. Để chấn chỉnh tình trạng thả nổi này, UBND TP cần quy trách nhiệm của các đơn vị có bãi giữ xe, không để người dân cứ bị chủ thầu giữ xe bắt chẹt thu giá tùy tiện như vậy. Nơi nào thu quá giá quy định, người dân phản ánh thì lãnh đạo các đơn vị có bãi giữ xe phải chịu trách nhiệm. Ràng buộc trách nhiệm như vậy sẽ là điều kiện thể hiện trong hợp đồng giữa tư nhân trúng thầu với đơn vị gọi thầu. Ví dụ, nếu người dân phản ánh bãi xe thu quá giá, các đơn vị có bãi giữ xe có quyền cắt hợp đồng đối với chủ thầu giữ xe. Nếu được như vậy, chắc chắn chủ thầu giữ xe sẽ không dám xé rào. Đối với các bãi giữ xe tự phát thì chính quyền địa phương sẽ là người chịu trách nhiệm, bởi lẽ việc lập bãi giữ xe tự phát là vi phạm pháp luật, trốn thuế. Việc để bãi giữ xe tự phát mọc lên thể hiện sự buông lỏng quản lý trên địa bàn.
Từ mô hình bãi giữ xe của Thanh niên xung phong, người dân đặt câu hỏi: Tại sao không nhân rộng mô hình giữ xe do các đơn vị công ích tham gia thực hiện? Việc khoán cho tư nhân và buông lỏng quản lý chính là điều kiện để các bãi giữ xe xé rào, khiến người dân ta thán.
THƯ LÊ