Bát nháo bán hàng qua mạng

Qua đường dây nóng Báo SGGP, bạn đọc phản ánh về nhiều chuyện bát nháo trong hoạt động bán hàng qua mạng: nâng giá rồi công bố khuyến mãi với giá sau khuyến mãi bằng giá niêm yết; rao giá rẻ, giao hàng dỏm…
Bát nháo bán hàng qua mạng

Qua đường dây nóng Báo SGGP, bạn đọc phản ánh về nhiều chuyện bát nháo trong hoạt động bán hàng qua mạng: nâng giá rồi công bố khuyến mãi với giá sau khuyến mãi bằng giá niêm yết; rao giá rẻ, giao hàng dỏm…

Một thị trường kinh doanh qua mạng rầm rộ, thế nhưng cơ quan thuế vẫn chưa có bộ phận quản lý thu thuế kinh doanh qua mạng.

Giá phòng khách sạn được rao giảm mạnh (trong khi luật Việt Nam quy định không được giảm giá quá 50%).

Giá ảo, xảo thuật

Hiện đang diễn ra tình trạng người người lập web bán hàng, không cần tên công ty và địa chỉ, cứ rao hàng và giao tận nơi, không hóa đơn chứng từ. Ngay cả các trang web mang tính quốc tế cũng liên kết với các doanh nghiệp trong nước để bán hàng, nhận thanh toán bằng visa, mastercard và cũng không xuất hóa đơn, thực chất không như quảng cáo.

Trang www.agoda.com chuyên nhận đặt phòng khách sạn, rao giảm giá phòng khách sạn từ 4,3 triệu đồng/đêm còn 1,6 triệu đồng; từ 2,2 triệu đồng/đêm giảm còn 800.000 đồng. Có những khách sạn 5 sao, giá gần 200 USD/đêm nhưng giảm chỉ còn 86 USD, có khách sạn từ 6,5 triệu đồng/đêm giảm chỉ còn 1,6 triệu đồng… Một bạn đọc phản ánh: “Thấy Agoda rao khách sạn Bông Sen Sài Gòn 4 sao (117 - 123 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM) giảm giá phòng từ 3,7 triệu đồng/đêm chỉ còn 1,4 triệu đồng, chúng tôi đặt phòng giá rẻ nhất, giá sau khi giảm chỉ còn 680.000 đồng/đêm. Nhưng đến khi thanh toán (trả bằng thẻ visa qua mạng) mới hay giá trên chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng và 5% phí dịch vụ. Tính ra tổng số tiền phải thanh toán lên hơn 800.000 đồng. Tưởng được ở khách sạn 4 sao giá rẻ, nào ngờ “tiền nào của nấy”, khi nhận phòng, chúng tôi được dẫn lòng vòng qua một ngách nhỏ và được đưa vào phòng 107 với thiết kế đơn sơ, chỉ vẻn vẹn 2 cái giường nhỏ, bề ngang 1m. Chúng tôi không đồng ý nhận phòng, cuối cùng lễ tân mới chịu đổi phòng khác với giường rộng: 1,2m. Nhiều người đã từng ở khách sạn này, giá đăng ký trực tiếp chỉ 1 triệu đồng/đêm, phòng đúng chuẩn 4 sao, vậy mà phòng quảng cáo giá hơn 1,4 triệu đồng (giảm còn 800.000 đồng) lại giống như phòng thường được miễn phí dành cho tài xế chở khách đoàn”.

Tương tự vậy, một bạn đọc khác cũng đặt phòng qua Agoda với giá hơn 700.000 đồng tại khách sạn Legacy, số 1 ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đó là giá tiền cho loại phòng deluxe, diện tích 22m². Thế nhưng, đến khi nhận phòng, nhân viên khách sạn giao cho khách loại phòng thấp hơn (phòng superior) có diện tích chỉ khoảng 14m² mà không hề có cửa sổ. Đến khi khách xem lại các điều kiện phòng, phản ánh thì nhân viên xin lỗi và… giảm giá tiền. Chị Nguyễn Thị N. kể, chị đã từng đặt phòng qua trang www.nhommua.com tại khách sạn Ocean Front (Tiền Dương) 98B Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thiết. Giá trang web nhommua đưa ra sau khi khuyến mãi gần 50%, còn lại chỉ 780.000 đồng. Cả đoàn thấy vui vì nghĩ đặt được phòng giá rẻ một nửa. Nào ngờ, ra đến nơi thì thấy khách sạn Tiền Dương trưng bảng quảng cáo giá phòng chỉ 780.000 đồng. Hóa ra, chẳng rẻ tí nào, mà phải trả tiền trước (nếu không ở sẽ mất tiền)!

Không phải đóng thuế

Hoạt động kinh doanh bán hàng qua Facebook đang không phải đóng thuế. Bởi chẳng có cơ quan nào quản lý hoạt động kinh doanh này mặc dù hoạt động bán hàng qua Facebook đang nở rộ. Trên Facebook, hầu hết các trang bán hàng là trang cá nhân, bán hàng xách tay, nên không đăng ký thành lập doanh nghiệp và đương nhiên không phải đóng thuế! Cứ post lên mạng hình ảnh hàng hóa, giá cả và số điện thoại, khách mua chỉ cần cho địa chỉ là được giao hàng tận tay, không hề có hóa đơn, chứng từ - dù luật quy định bán hàng trị giá trên 200.000 đồng phải giao hóa đơn cho khách.

Một số trang web liên kết bán hàng qua mạng quanh năm ghi giảm giá, có khi giảm đến 80% - 90% (trong khi luật Việt Nam quy định giảm giá không được quá 50%), nhưng thực tế giá sau khi giảm bằng với giá bán trực tiếp. Các xảo thuật thường được các trang bán hàng qua mạng áp dụng là nâng giá rồi giảm, cho thấy rẻ, xong lại cộng thuế, phí vào, khiến khách hàng phải trả giá cao và gánh chịu rủi ro là mất trắng nếu không sử dụng đúng hạn. Anh Nguyễn Văn Tuấn (ở quận 5) cho biết, có lần anh mua coupon giảm giá 49% cho tiệc buffet, anh phải trả tiền trước. Nhưng đến khi đi ăn mới biết giá bán trực tiếp tại nhà hàng bằng giá mà anh mua (sau khi giảm). “Đã trả tiền, nếu không sử dụng đúng ngày đăng ký coi như bỏ. Nói là khuyến mãi giảm giá nhưng thực tế lại không giảm. Chẳng khác nào lừa đảo” - anh Tuấn bực bội.

Vì không bị kiểm tra giám sát và quản lý nên thị trường kinh doanh qua mạng ngày càng bát nháo, “treo đầu dê, bán thịt chó”, chuyên rao hàng giá rẻ, lúc thì khuyến mãi, giảm giá, nhưng thực tế tự ghi giá khống rồi giảm, hoặc bán hàng kém chất lượng. Hơn nữa, nhiều trang mạng bán hàng có tính thuế giá trị gia tăng nhưng không giao hóa đơn cho khách, như vậy, các đơn vị này muốn khai thuế thế nào cũng được, cơ quan thuế không thể kiểm tra, giám sát được. Mặc dù việc thu thuế kinh doanh qua mạng được lên tiếng nhiều lần nhưng đến giờ mảng này vẫn bị bỏ trống, thất thu thuế. Do vậy, đã đến lúc cần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh này để tránh thất thu thuế và bảo vệ người tiêu dùng.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục